Phạm Trọng Yêm – Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ

0
197

 

Phạm Trọng Yêm (989–1052 SCN) là một học giả Nho giáo và nhà chính trị nổi tiếng triều đại Bắc Tống. Ông được biết đến với câu nói bất hữu: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Phạm Trọng Yêm phải tự lo toan cho cuộc sống từ rất sớm. Khi Phạm lên hai, cha ông qua đời. Ông gặp nhiều khó khăn trên con đường dùi mài kinh sử. Mỗi ngày chỉ có thể thổi nấu một nồi cháo cho hai bữa ăn. Vào mùa đông, ông phải cắt cháo đông lạnh thành từng miếng nhỏ ăn qua ngày.

Sau khi mẹ tái giá, Phạm buộc phải nương nhờ nơi cửa chùa.

  • Mài dũa trong gian khó

Trong gian phòng nhỏ hẹp của nhà chùa, Phạm Trọng Yêm cho thấy sự cần cù đáng kinh ngạc. Ông rửa mặt bằng nước lạnh để chống lại cơn buồn ngủ hoặc chỉ tựa lưng vào tường chợp mắt qua loa. Người ta nói rằng ông không ngủ trên giường trong năm năm.

Có người nói cha của một người bạn gửi vài món ngon cho Phạm khi biết ông chỉ ăn cháo mỗi ngày. Tuy nhiên, Phạm từ chối không dùng.

Khi được hỏi lý do tại sao, Phạm trả lời: “Tôi rất biết ơn lòng tốt của ngài. Tuy nhiên, tôi lo ngại những món ngon sẽ lôi cuốn để rồi trong tương lai có thể tôi không hài lòng với món cháo đạm bạc nữa”.

  • Lòng trung thực là nhân cách nổi trội

Mặc dù sống trong nghèo đói, Phạm vẫn giữ được phẩm cách cao thượng. Có lần tình cờ phát hiện một chiếc bình đầy vàng bạc chôn trong phòng mình, ông vẫn không màng chạm vào chúng.

Không lâu sau, Phạm đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp chốn quan trường. Khi một vài vị sư từ ngôi chùa ông từng sống đến xin giúp đỡ, Phạm đã chỉ cho họ chỗ chôn vàng trong căn phòng nhỏ.

Cảm phục trước sự chính trực của ông, các nhà sư hết lời khen ngợi: “Có được một vị quan phụ mẫu như Phạm, công lý cuối cùng sẽ đến với dân thường”.

  • Thiết lập chính sách tặng thưởng

Với vị trí của một phó Tể tướng, Phạm luôn cố gắng chống lại nạn tham nhũng và quan liêu. Ông cũng đề xuất một loạt các chính sách cải cách nhằm kiểm tra công vụ, quá trình giao đất và tăng cường lực lượng quân sự.

Phạm ưu tiên lựa chọn người am hiểu về giao thương cho các vị trí điều hành nhằm cải thiện quản lý nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách không kéo dài quá một năm do áp lực từ các quan chức bảo thủ lo sợ mất chức và lợi lộc vì cải cách. Cuối cùng, Phạm buộc phải rời kinh thành để nhận một chức quan nhỏ tại địa phương.

Sau khi cáo lão hồi hương, Phạm dùng phần bổng lộc tiết kiệm được khi còn làm quan để mua một mảnh đất rộng. Ông cẩn thận lựa chọn người trông nom rồi dựng thành một trang trại, tạo kế sinh nhai cho người dân địa phương.

Hoa lợi được dùng để lo việc học hành của trẻ con các gia đình nghèo và chăm lo cho người già. Con cháu của Phạm cũng kế thừa tấm lòng thiện lương của ông và giữ gìn trang trại qua nhiều thế hệ.

  • Luôn vì người khác

Người ta nói rằng Phạm Trọng Yêm luôn nghĩ đến người khác trước. Tiêu biểu là câu chuyện tìm nơi yên nghỉ cho mình. Theo tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc, phong thủy của nghĩa trang gia tộc rất quan trọng đối với vận mệnh của các thế hệ con cháu.

Để đảm bảo tương lai thuận lợi cho gia quyến, người ta phải thỉnh giáo các Đạo sĩ về chọn nơi thích hợp nhất. Một ngày nọ, Phạm Trọng Yêm nghe được cuộc trò chuyện của một Đạo sĩ đang chỉ dẫn người đàn ông nọ chọn nơi chôn cất.

Theo vị Đạo sĩ này, mảnh đất mà hai người đang nói đến có vài tảng đá lớn nằm trên mặt đất làm nên hình dạng mũi tên xuyên qua tim, tạo thành thế phong thủy rất xấu, ai chôn tại đó sẽ tuyệt tự tuyệt tôn.

Khi nghe điều này, Phạm Trọng Yêm nhớ lại những thử thách cam go mà một người phải trải qua để có được quan phẩm và chức tước. Ông nghĩ, nếu một dòng họ phải chấm dứt, thì chẳng phải ông nên chịu nhận thay cho người ta. Vì vậy, ông đã mua mảnh đất đó làm nơi yên nghỉ cho mình.

Khi biết được một vị quan công bình và nhân hậu như Phạm Trọng Yêm sẵn sàng chấp nhận vận hạn xấu vì lợi ích của người khác, tất cả người dân đều cầu nguyện đừng để chuyện đó xảy ra.

Và vào ngày đám tang của Phạm Trọng Yêm, một ngày mưa bão, những lời cầu nguyện của người dân đã ứng nghiệm.

Trong buổi đưa tang ấy, giữa âm thanh sấm gào và bão nổi, những hòn đá đột ngột dựng lên thay đổi vị trí thành hình mũi tên chỉ lên trời tạo ra vị thế phong thủy tốt lành. Điềm báo phong thủy này là sự hưng thịnh về sau của cả một dòng họ.

  • Tưởng niệm của người đời

Phạm Trọng Yêm đã sống một cuộc đời thanh liêm chính trực, dành phần lớn bỗng lộc làm việc thiện. Dù sở hữu nhiều đất đai và trang trại thu lợi lớn, ông vẫn không xây dinh thự cho mình.

Sau khi qua đời, gia quyến cũng chỉ tổ chức cho ông một tang lễ đơn giản. Tuy nhiên, hàng trăm dân chúng đã kéo đến bày tỏ lòng biết ơn cùng nỗi buồn sâu sắc. Những người thọ ơn ông từ lợi tức trang trại cũng xin được đội tang ông ba ngày.

Được tin Phạm qua đời, người dân ở những nơi mà ông từng nhậm chức đã xây dựng đền thờ và tượng của ông, từ đó lưu truyền một câu nói nổi tiếng trong triều Tống: “Nhờ Phạm Trọng Yêm, triều đình nhà Tống có thể thừa hưởng ngày thái bình”.