Làm sao khuyên người giảm bớt nô lệ cho sắc thân?

0
151

Hỏi: Kính thưa thầy, con có một người bạn, chị ấy thường đi chùa làm công quả, tụng kinh và đọc rất nhiều kinh sách Phật học. Nhưng khi ra ngoài hoặc đi dự những buổi parties, chị ấy thường khi ăn mặc rất hở hang model, phục sức rất nổi. Con rất thắc mắc: tại sao chị ấy đã học hiểu biết tu hành như thế, mà còn quá nô lệ cho sắc thân. Như vậy, có phải chị ấy còn chấp thân quá nặng hay không? Con muốn khuyên chị ấy, nhưng không biết phải khuyên bằng cách nào? Kính xin thầy hoan hỷ cho con biết rõ ý kiến về việc đó.

Đáp: Đạo Phật rất chú trọng đến việc thật hành. Sự nghiên cứu học hỏi về phương diện lý thuyết, tuy cũng rất cần thiết, nhưng đó chỉ là phần phụ bổ túc thêm cho phần thật hành mà thôi. Như có đôi mắt sáng cốt để chỉ đường cho đôi chân đi. Nếu chỉ có nghiên cứu lý thuyết suông, thì muôn đời không đi đến đâu. Khác nào như người suốt đời chăn bò thuê hay đếm bạc cho người, rốt lại mình không có được một giọt sữa bò và không có một đồng xu dính túi. Cho nên sự thật hành mới là điều quan trọng.

Vấn đề phục sức trang điểm làm đẹp, tạo nên thân hình duyên dáng có sức hấp dẫn lôi cuốn để cho phái nam nhìn ngắm, phải nói đó là sở trường chuyên nghiệp của phái nữ. Hầu như không có một người nữ nào lại không thích trang điểm lo sửa sang sắc đẹp cho bản thân mình. Ngoại trừ những vị từ bỏ thế tục xuất gia ở chùa. Từ xưa tới nay, phái nữ bao giờ cũng muốn se sua đua đòi chạy theo cái model thời trang. Với cái nhìn của đạo Phật, thì cho đó là cái nghiệp nặng của phái nữ. Tuy nhiên, trang điểm phục sức làm đẹp, có khác hơn là ăn mặc lố lăng hở hang mang tính cách khêu gợi.

Điều nầy, nếu là người có chút tự trọng, đạo đức và biết chút ít tu hành, thì chắc chắn không ai làm như thế. Chỉ trừ những hạng người thích trêu hoa bắt bướm thì không nói. Bởi vì họ chỉ biết có một con đường vui chơi thỏa thích trụy lạc thôi. Hạng người nầy, họ không cần biết gì đến phẩm giá hay đạo đức con người. Họ cũng không cần biết đến luân thường đạo lý chi cho thêm mệt. Họ là hạng người thật đáng thương hơn đáng trách. Có thể vì một lý do hoàn cảnh éo le ngang trái nào đó, nên họ đành phải bước chân vào con đường sa đọa nầy.

Ngoại trừ hạng người nầy ra, đối với những người nữ có phẩm cách đoan trang đúng đắn đàng hoàng, thì dù họ có trang điểm nhưng vẫn ở một mức độ vừa chừng nào đó thôi. Vấn đề nầy còn tùy theo tuổi tác, tánh nết và thói quen của mỗi người. Tuy nhiên, theo như người bạn mà Phật tử đã nói, tuy có biết đi chùa, tụng kinh, làm công quả, nghiên cứu kinh điển Phật học, nhưng họ vẫn ăn mặc hở hang không đúng đắn đàng hoàng. Có thể họ cho rằng, việc tu hành khác với việc ăn mặc chưng diện ở ngoài đời. Theo họ, đi với Phật thì mặc áo ca sa, đi với ma thì mặc áo giấy. Họ là hạng người:

Vào chùa thấy Phật lạy dài

Nghe câu kinh tụng trong ngoài tịnh thanh

Ra đời gặp thế đua tranh

Cái tâm thanh tịnh trốn quanh mất rồi

Hở hang chưng diện người coi

Việc tu với niệm thôi thời gác qua.

Có thể đây là một thói quen của họ. Họ là người thích chưng diện làm đẹp. Vì họ rất coi trọng về phần thân thể. Họ chấp thân rất nặng. Họ là người còn ham thích đua đòi theo dòng đời ngũ dục. Họ chưa nhận ra thân nầy chỉ là giả tạm vô thường, khác nào như gốc củi mục, như bọt nước trôi sông hay như lầu sò chợ bể. Hơn thế nữa, thân nầy chỉ là một ổ vi trùng, nay bệnh mai đau, toàn chứa những đồ xú uế bất tịnh. Tuy có học Phật, nhưng họ chưa bao giờ biết quán niệm tu tỉnh ở nơi thân thể.

Phật tử tuy có lòng tốt, có ý muốn khuyên bạn mình không nên ăn mặc hở hang khó coi như thế. Nhưng Phật tử lại quên rằng, mỗi người có mỗi quan niệm sống khác nhau. Sự ăn mặc cho đến những việc khác trong đời, nhìn kỹ không ai giống ai. Có giống chăng cũng chỉ ở một phương diện nhỏ nhoi nào đó thôi. Chớ làm sao giống nhau hoàn toàn cho được. Có thể đối với Phật tử cho đó là điều khó coi không đẹp mắt, mất tư cách, không đúng đắn đàng hoàng…

Nhưng ngược lại, đối với họ, thì họ thấy như thế rất là đẹp và rất là model hợp thời trang. Như thế, thì Phật tử nghĩ sao? Phật tử có nên khuyên họ hay không? Theo tôi, thì lời khuyên của Phật tử sẽ không có tác dụng gì. Bởi vì họ cho rằng, việc làm của họ không có gì là tội lỗi khó coi.

Phật tử nên biết, mỗi người có một nghiệp dĩ riêng, không ai giống ai. Lời khuyên của Phật tử không khéo sẽ trở thành phản tác dụng. Họ còn cho Phật tử là lỗi thời, là bê bối, là đủ thứ cái là… Từ đó, Phật tử sẽ chỉ chuốc lấy thêm phiền muộn và còn mất đi tình bạn thân nữa. Điều gì xét thấy, không thể khuyên can, thì tốt hơn hết là mình không nên can dự vào. Vì điều đó, ngoài khả năng tầm tay của mình. Lời khuyên của mình chẳng những không có giá trị mà đôi khi còn trở nên họa hại nữa. Trong đạo Phật từ bi bao giờ cũng phải có trí huệ chỉ đạo. Có thế, thì việc nhận định của người Phật tử mới không bị sai lầm. Thôi thì cứ để mặc nhiên tùy duyên mà tốt hơn. Còn nếu như Phật tử thấy mình có thể khuyên bảo thức nhắc họ được, thì tùy ở nơi Phật tử quyết định. Vì Phật tử đã hỏi đến, nên tôi chỉ góp chút thành ý đó thôi.

Theo tôi, thì sự ăn mặc nó thuộc về hình thức bên ngoài. Vả lại, nó cũng không có thiệt hại gì. Như đã nói, cái không tốt của mình lại là cái đẹp của nguời. Không phải vì thế, mà ta đánh giá quá thấp người đó. Khi đánh giá ai, ta cần phải xét đến cá tính và hoàn cảnh của người đó. Có đôi khi, họ vì một hoàn cảnh nào đó mà ta chưa có thể tìm hiểu biết hết được. Nếu thế, mà ta vội phê bình đánh giá, coi chừng chúng ta sẽ trở thành người cố chấp và họ còn cho ta là kẻ ganh tỵ kỳ thị họ nữa… Phật tử hãy nên cẩn trọng cân nhắc thật kỹ lưỡng ở nơi lời khuyên của mình.

Kính chúc Phật tử luôn luôn sáng suốt và thành công trên bước đường tu học Phật pháp.