Vấn đề oan gia trái chủ?

0
200

HỏiKính thưa thầy, trong Kinh Dược Sư có nói, người nào chí thành thọ trì đọc tụng kinh nầy thì oan gia trái chủ sẽ được tháo mở. Con muốn biết nếu một người vợ cầu cho oan gia trái chủ của mình được tháo mở thì she có chia tay với her husband (giả sử he là oan gia của her) sau khi oan gia trái chủ được tháo mở?

Đáp: Trước hết, tưởng cũng nên tìm hiểu sơ qua về cụm từ: “oan gia trái chủ”. Oan gia, theo cụ Đào Duy Anh giải nghĩa trong quyển Hán Việt Từ Điển thì, oan gia có nghĩa là người thù hằn – Nhà bị oan trái lâu đời. Còn chữ trái nghĩa là vay nợ. Trái chủ là chủ nợ. Trong quyển Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên của ông Bửu Kế giải thích hai chữ oan gia: oan bị nghi ngờ, qui lỗi mà bản thân không phạm. Gia là nhà. Ghép hai chữ lại có nghĩa là: nhà bị nhiều điều oan trái. Còn hai chữ trái chủ ông giải thích nghĩa cũng giống như trên. Như vậy, oan gia trái chủ có nghĩa là do vương nợ nần oan trái lâu đời với nhau nên nay chúng ta phải trả cái nghiệp báo mà mình đã gây tạo.

Theo sự thắc mắc của Phật tử cho rằng: trong Kinh Dược Sư có nói: “Người nào chí thành thọ trì đọc tụng kinh nầy thì oan gia trái chủ sẽ được tháo mở”. Rồi từ đó Phật tử thắc mắc việc tháo mở oan gia trái chủ giữa vợ chồng. Nói rõ ra là ly dị. Nghĩa là cả hai chấm dứt sống chung không còn vương vấn nợ nần oan gia trái chủ gì với nhau nữa. Trong câu hỏi nầy, trước tiên, xin được minh định về việc Kinh Dược Sư nói.

Thú thật, tôi đã đọc kỹ lại ba bản kinh: Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức. Dược Sư Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức và Dược Sư Sám Pháp. Ba bản kinh văn nầy gom lại thành một quyển đề là Kinh Dược Sư do chùa Quang Minh ấn tống, dịch giả là Thích Huyền Dung. Trong đó, tôi không thấy chỗ nào nói tụng kinh nầy oan gia trái chủ sẽ được giải kết. Không biết có bản văn kinh nào khác có đề cập đến hay không? Vì trong câu hỏi của Phật tử chỉ nói Kinh Dược Sư nói, nhưng rất tiếc Phật tử không có nêu rõ chi tiết. Để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, giả sử cho rằng, có bản kinh Dược Sư nào đó nói, thì tôi xin thưa ngay rằng, Phật tử đã hiểu lầm ý kinh dạy.

Kinh nói nếu người nào “thọ trì đọc tụng” và chí thành trì niệm danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, thì sẽ giải kết oan gia trái chủ trong nhiều đời. Phật tử nên nhớ bốn chữ thọ trì đọc tụng trong kinh nói. Thọ trì đọc tụng hiểu theo nghĩa thông thưòng là đọc tụng trên mặt văn tự chữ nghĩa. Nếu chỉ hiểu trên phần sự tướng không thôi, thì Phật tử sẽ không hiểu được thâm ý nghĩa lý của kinh văn. Nếu không khéo người Phật tử sẽ trở thành mê tín kinh. Trong kinh Phật dạy chủ đích là nhắm thẳng vào phần lý tánh hơn là phần sự tướng.

Thọ trì đọc tụng nói ở đây, không phải chúng ta chỉ giở kinh ra đọc tụng suông trên mặt văn tự mà gọi là thọ trì. Đó chỉ là phần thọ trì sự tướng bên ngoài. Kinh nói thọ trì ở đây có nghĩa là chúng ta phải hằng sống lại với ánh sáng trí tuệ tự tại trong ngần như ngọc lưu ly bất sanh bất diệt (Lưu Ly Quang Vương Như Lai) của chính mình. Sống được như thế mới đúng với ý nghĩa thọ trì. Thọ là nhận nghĩa là nhận ra tánh giác (kiến tánh) ; trì là gìn giữ không cho sót mất, nghĩa là luôn luôn không rời tánh giác. Người nào hằng thọ trì kinh như thế, thì thử hỏi còn có thứ gì mà vướng mắc nữa chớ? Vì tự tánh là “bản lai vô nhứt vật” hay “ly nhứt thiết tướng” kia mà!

Như vậy, không phải chỉ giải kết oan gia trái chủ không thôi mà còn giải kết tất cả những vô minh tội lỗi nghiệp chướng trong vô lượng kiếp. Bởi oan gia trái chủ cũng chính từ tâm gây ra, nay cũng chính từ tâm mà chứng nhập. Khi đã chứng nhập bản thể rồi, thì bặt hết dấu vết không còn vi tế vô minh nào nữa cả. Chỉ có một tâm thể làu làu thanh tịnh sáng suốt trong ngần mà thôi.

Trong Chứng Đạo Ca ngài Vĩnh Gia Huyền Giác có nói:

Chứng thật tướng vô nhơn pháp

Sát na diệt khước a tỳ nghiệp…

Nghĩa là khi chứng được thật tướng (tướng Không của các pháp) thì nhơn và pháp chấp không còn. Mà không còn thấy có nhơn có pháp, thì thử hỏi cái nghiệp a tỳ là cái thứ gì mà có thể tồn tại được? Khác nào như bóng tối trong một căn nhà bỏ hoang trải qua hằng tỷ tỷ năm, chỉ cần có ngọn đuốc chiếu sáng soi vào, thì bóng tối kia sẽ tan biến ngay lập tức. Vì sao thế? Vì bóng tối không có thực thể cố định. Cũng vậy, bao nhiêu oan gia nghiệp báo tội lỗi trải qua trong nhiều đời nhiều kiếp, một khi hành giả đã chứng đạt chơn lý tuyệt đối rồi, thì tất cả đều tiêu tan hết.

Đó là chúng tôi nói sơ qua cho Phật tử hiểu được phần nào về thâm ý lý lẽ của kinh dạy. Cho nên, khi tụng đọc kinh điển đại thừa, chúng ta không nên chỉ một bề hiểu trên mặt văn tự chữ nghĩa sự tướng không thôi, mà cần phải lưu tâm tìm hiểu sâu xa về nghĩa lý thâm sâu trong kinh. Nếu một mặt hiểu trên phần sự tướng, coi chừng chúng ta sẽ bị rơi vào mê tín kinh. Và như thế, thì sẽ oan ức cho ba đời chư Phật (Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan)

Khi hiểu được thâm ý kinh dạy như thế, thì Phật tử sẽ không còn hiểu theo kiểu tháo mở trong sự quan hệ vợ chồng. Không phải tụng kinh Dược Sư rồi vợ chồng xúm nhau chia tay ly dị hết. Hiểu theo cái nghĩa giải kết (tháo mở) đó như Phật tử nói, thì chắc chắn không một ai dám tụng kinh Dược Sư nữa. Vì tụng kinh rồi vợ chồng tháo mở oan gia chia tay đường ai nấy đi hết. Như thế, thì Phật tử thử nghĩ xã hội loài người chúng ta sẽ ra sao? Thử hỏi Phật Tổ nào dạy bảo chúng ta phải làm như thế? Như vậy, thì lòng từ bi của chư Phật như thế nào? Không lẽ chư Phật dạy cho con người sống đảo lộn mất hết luân thường đạo lý nhân nghĩa hết hay sao? Đã thế, thì còn gì là tình người? Tình người chưa có, nói chi đến tình đạo. Đây là một sự hiểu lầm ý kinh rất nguy hiểm.

Phật tử nên hiểu rằng, tháo mở Phật nói ở đây là, Phật bảo chúng ta là phải tháo mở những gút mắc oan gia oán thù ở nơi tự tâm của chúng ta. Nói rõ ra, là hãy tháo mở những thứ giây mơ rễ má phiền não kiết sử đã lâu đời chúng nó trói buộc chặt chúng ta. Chúng nó sai sử chúng ta tạo nhiều nghiệp ác để rồi phải chịu trầm luân trong vòng sanh tử khổ đau vay trả trả vay với nhau. Bởi thế, nên chúng ta mãi trôi nổi đắm chìm trong tam đồ lục đạo. Tất cả đều bởi do lũ phiền não kiết sử trói buộc. Chúng là những nhân tố chính yếu gây ra làm cho chúng ta phải chịu nhiều đau khổ.

Hiểu theo nghĩa thông thường thì Phật khuyên chúng ta oan gia trái chủ nên mở không nên cột. Nghĩa là những gì mà trước đây vì si mê tăm tối, nên chúng ta chấp nhứt thù hận gây ra làm đau khổ cho nhau, nay tụng đọc kinh điển, dâng theo lời Phật dạy, chúng ta nên cởi bỏ hết mọi oán thù tranh chấp. Hãy mở rộng trái tim yêu thương bao dung tha thứ cho nhau. Như vậy, thì đời sống trong gia đình rộng ra là quốc gia xã hội, thật là an ổn tốt đẹp hạnh phúc biết bao nhiêu.

Nhưng khổ nổi, chúng ta tụng thì tụng mà thật hành theo kinh dạy thì không. Do đó, nên chúng ta mãi chịu trôi lăn khổ đau dài dài. Phần nhiều Phật tử chúng ta chỉ biết tụng kinh cho có phước, chớ ít có ai tụng kinh để tìm hiểu nghĩa lý thâm sâu trong kinh Phật dạy những gì. Dĩ nhiên, tụng kinh thì chúng ta có phước. Nhưng nếu chỉ có thế, thì chưa đúng với ý nghĩa tụng kinh. Bởi tụng kinh là cốt để tìm hiểu nghĩa lý thâm huyền trong kinh mà Phật đã dạy. Khi nhận hiểu rồi, chúng ta liền đem ra áp dụng thật hành ngay trong đời sống thực tế. Như thế thì mới được lợi ích thiết thực vậy.

Kính chúc Phật tử an vui mạnh khỏe tấn tu đạo nghiệp viên thành đạo quả Bồ đề.