Đã là người xuất gia tu hành tại sao còn có việc tranh giành y bát?

0
188

HỏiKính bạch thầy, con có đọc sách thiền nói về đức Lục Tổ Huệ Năng, khi Ngài đã được đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, khi đó Ngài lại bị một vị đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tên là Huệ Minh đuổi theo muốn giành lấy y bát lại. Nhưng Huệ Minh đã được đức Lục Tổ giáo hóa ngộ đạo. Con thắc mắc đây có phải là một ẩn dụ hay là sự thật? Nếu là sự thật, thì tại sao người xuất gia tu hành mà còn tranh giành y bát như thế? Hay có một nhân duyên sâu sắc gì khác mà con chưa hiểu. Kính mong thầy giải đáp cho con được rõ.

Đáp: Căn cứ vào sử liệu, nhất là ở phẩm Hành Do của Kinh Pháp Bảo Đàn chính do đức Lục Tổ Huệ Năng tự thuật, thì đây không phải là một ẩn dụ chi cả mà đó là một sự thật. Và sự thật nầy đã được hầu hết các học giả, sử gia khi nghiên cứu bản kinh Pháp Bảo Đàn đều thừa nhận như thế.

Phật tử thắc mắc tại sao người xuất gia tu hành mà lại còn tranh giành y bát như vậy? Thật ra, đây cũng chỉ là một khía cạnh tâm lý rất thường tình mà thôi. Không phải người xuất gia nào cũng dứt sạch hết phiền não. Bởi vì người xuất gia tuy đã từ bỏ tất cả những vật dục ở thế gian, nhưng đối với những phiền não vi tế trong tâm, không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ dứt hết được đâu. Nếu đã dứt hết, thì đã trở thành bậc Thánh nhân mất rồi. Vì còn là phàm tăng, nên trên bước đường tu hành để đạt được giác ngộ cứu cánh giải thoát, tất nhiên các vị đó còn phải gia công nỗ lực hành trì quán chiếu chuyển hóa phiền não dài dài, chớ chưa có ai hoàn toàn giác ngộ giải thoát được hết. Nói thế để Phật tử hiểu mà cảm thông cho.

Song có điều sự tranh giành ở đây, thực chất nội dung của nó không giống như sự tranh giành ở thế gian. Ở thế gian, người ta tranh giành với nhau chỉ vì muốn chiếm hữu quyền lợi riêng tư. Một khi họ không thỏa mãn được lòng dục vọng của họ, thì họ nổi lên tranh chấp hơn thua tàn sát đẩm máu với nhau kịch liệt. Ngược lại, ở đây ta thấy những vị nầy họ tranh nhau là vì vấn đề kế thừa tổ vị và nhất là chỉ đòi hỏi lấy lại sự công bằng mà thôi.

Nếu chúng ta tự đặt mình trong tâm tư và hoàn cảnh của những vị đó, thì chúng ta mới thấy sự đuổi theo tranh giành đoạt lấy y bát của họ cũng không phải là quá đáng hay hoàn toàn vô lý. Nên nhớ rằng, đức Lục Tổ Huệ Năng, khi đã được đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền trao y bát cho, là phải truyền lén, chớ không dám truyền công khai cho đại chúng thấy biết. Vì sao? Vì khi ấy, Tổ Huệ Năng còn mang hình thức là một ông cư sĩ nhà quê dốt nát. Khi đến đạo tràng Huỳnh Mai, Ngài chỉ là người phục dịch làm việc ở nhà trù. Nghĩa là Ngài phải giã gạo có hơn tám tháng trời.

Trong khi đó, những vị kia là những tăng chúng và cư sĩ đồ đệ của Ngũ Tổ với số đông có hơn ngàn người. Riêng tăng chúng đã có hơn năm trăm người. Những vị nầy đã theo Ngũ Tổ thụ học và có một quá trình tu học dài lâu. Bấy giờ vị giáo thọ sư dạy đồ chúng là Ngài Thần Tú. Trên là Ngũ Tổ dưới là Thần Tú. Một vị giáo thọ sư tài ba lão thông kinh điển mà không được truyền trao y bát, lại truyền cho một ông cư sĩ nhà quê hèn hạ dốt nát, thử hỏi như thế làm sao mà họ không bất bình và nổi giận cho được? Cho nên, họ quyết định giành lấy lại y bát với mục đích là để đòi hỏi lấy lại sự công bằng mà thôi.

Sở dĩ các đồ chúng đuổi theo (trong số đó có Thượng Tọa Minh là người cỡi ngựa giỏi nhất, vì trước khi xuất gia ông là một nhà tướng) chẳng qua cũng chỉ với mục đích đó. Hơn nữa, họ không muốn Phật pháp nói rõ hơn là Thiền tông phải về tay của một ông cư sĩ tầm thường nhà quê không có tài cán chi. Thế mà, ông lại được truyền tổ vị để đảm đang gánh vác trọng trách nối thạnh dòng pháp. Đó là một điều mà họ không thể nào chấp nhận được. Họ không thể nào chịu nổi cái cảnh y bát ngang nhiên lại về tay của một ông nhà quê dốt nát thất học đó. Vả lại, ông ta là một cư sĩ làm sao có thể sánh được với một bậc cao tăng tài đức vẹn toàn như là ngài Thần Tú. Nếu y bát được Ngũ Tổ truyền thừa cho ngài Thần Tú thì làm gì có chuyện xảy ra tranh giành như thế? Vì ai cũng nghĩ chỉ có ngài Thần Tú mới xứng đáng được truyền trao y bát và kế thừa tổ vị mà thôi.

Có tư duy thẩm xét như thế, thì ta mới có thể cảm thông cái bối cảnh tâm tư nguyện vọng và hành động của các ngài. Sự thật, thì những vị nầy cũng không có ý mưu đồ gì riêng. Nên nhớ, lúc đó trong đồ chúng không một ai thấu hiểu được sự ngộ đạo của Tổ Huệ Năng cả. Vì đức Ngũ Tổ đã cố tình che giấu không muốn Lục Tổ bị bại lộ tông tích cho đến giờ phút chót. Vì chỉ cần sơ hở bại lộ bí mật một chút, thì tánh mạng của Lục Tổ Huệ Năng khó được bảo đảm an toàn. Do đó, ta thấy mọi việc đều do đức Ngũ Tổ sắp xếp an bày toàn bộ. Đó là một hoàn cảnh thật bất khả kháng và vô cùng bí mật đặc biệt. Thậm chí, về sau, Lục Tổ phải ở ẩn chung sống với những anh chàng thợ săn trong rừng núi trải qua 15 năm trời. Nếu không như thế, thì Ngài tất sẽ bị họa hại.

Còn như nếu nói giữa Huệ Minh và Lục Tổ, có một nhân duyên kỳ đặc, thì điều đó cũng không phải là vô lý. Rõ ràng, khi Huệ Minh giở y bát không lên, thấy có gì mầu nhiệm, nên ông ta mới trình thưa, là ông đến đây vì pháp chớ không phải vì y bát. Do lời nói chân tình xuất phát từ đáy lòng thiết tha của một người cầu pháp, nên Lục Tổ Huệ Năng mới xuất hiện lộ diện và bảo Huệ Minh nên bình tâm trong giây lâu và rồi Ngài dõng dạc tuyên bố một câu thẳng thừng:“Đừng nghĩ thiện cũng đừng nghĩ ác, chính ngay giây phút đó cái gì là Bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh”? Ngay câu nói nầy, Huệ Minh liền đại ngộ. Đó không phải là một cơ duyên ngộ đạo hy hữu lắm sao! Bấy lâu nay, sống trong đồ chúng theo Ngũ Tổ và ngày đêm thọ học với giáo thọ Thần Tú, thế mà không tỏ ngộ, nay chỉ nghe một ông cư sĩ nhà quê nói một câu sấm sét, ông ta liền bừng sáng tỏ ngộ. Nếu không phải là một nhân duyên kỳ đặc giữa hai người từ trước thì làm gì có được như thế?

Nói tóm lại, việc tranh giành y bát đây là chuyện trong nhà Thiền và sự kiện xảy ra trong một hoàn cảnh thật là quá hy hữu đặc biệt. Xét về khía cạnh tâm lý của con người, ta thấy thời nào cũng thế. Bởi y bát chính là đầu mối của sự tương tranh. Vì vậy, mà y bát từ thời Lục Tổ Huệ Năng trở về sau không còn tiếp tục truyền thừa nữa. Thứ nhứt, vì thiền tông đã được lưu truyền thạnh hành, và đã được nhiều người biết đến. Thứ hai, để tránh cái mầm mống họa hại tranh giành với nhau. Vì tu hành chưa dứt sạch hết phiền não tham, sân, si… thì việc tranh chấp vẫn không thể nào tránh khỏi. Đó là một sự thật.

Tuy nhiên, sự tranh giành của người có tu, dĩ nhiên có khác hơn sự tranh giành của người đời rất nhiều. Từ một ý niệm đang tương tranh với nhau, đã được cơ phong chuyển hóa trở thành “vô tranh vô niệm” . Việc chuyển mê khai ngộ chỉ đột khởi xảy ra trong chớp mắt. Nếu ngài Huệ Minh không có chuẩn bị trong tâm thức chín muồi, thì làm sao ông được tỏ ngộ nhanh chóng qua lời nói của đức Lục Tổ?

Đó là một bài học quý giá cho chúng ta thấy, trong ý niệm tranh chấp có cái thực thể không tranh chấp. Nói cách khác trong cái tướng sanh diệt, có cái thể tánh bất sanh bất diệt tiềm ẩn trong đó. Như trong sóng sẵn có nước. Chỉ cần sóng dừng lặng thì toàn thể tánh nước hiện bày. Sóng và nước không thể ly khai nhau. Muốn thấy nước, chỉ cần sóng lặng. Cũng thế, cái thể tánh chơn thật nằm sẵn trong cái hiện tượng sanh diệt giả dối. Nói cách khác, cái bản thể sẵn có tiềm tàng trong hiện tượng. Rời hiện tượng không có bản thể. Hay ngược lại cũng thế. Vì vốn có sẵn như thế, nên chỉ cần có người chỉ điểm khai thị đúng lúc, thì đương cơ sẽ nhận được cái thể tánh “không tranh hằng hữu” ở nơi chính mình. Như vậy, “tranh mà không có gì là tranh cả”. Điển hình qua sự kiện ngộ đạo của Thượng Tọa Minh đó là một chứng minh cụ thể vậy.