Hỏi: Kính bạch thầy, năm rồi về Việt Nam con có đi dự đại lễ Phật Đản, thấy có một biểu ngữ: “Đạo Phật đến đâu hòa bình đến đó”.Có người không đồng ý. Con hiểu, nhưng vì trình độ tu học của con còn rất yếu kém, nên con không dám giải thích. Con kính xin thầy hoan hỷ giải thích rõ thêm cho chúng con được hiểu.
Đáp: Việc không đồng ý đó là quyền của họ. Có thể là vì họ chưa có dịp tìm hiểu về đạo Phật. Nếu vì chưa hiểu, thì nên tìm hiểu. Chưa tìm hiểu rõ ràng, mà vội thốt lên lời nói khẳng quyết như thế, chứng tỏ người đó quả không có chút cẩn trọng. Nếu là người đã có nghiên cứu ít nhiều về đạo Phật, thì chắc chắn không ai dám thốt lên lời nói bất cẩn vô ý thức như thế.
Câu nói nầy phải nói là một chủ đề lớn. Trong phạm vi trả lời câu hỏi, chúng tôi chỉ xin được trình bày một cách khái quát qua một vài nét đơn sơ mà thôi. Câu châm ngôn đó, tuy rất ngắn gọn, nhưng nó đã gói trọn cái tôn chỉ từ bi, vị tha, bình đẳng của đạo Phật. Đạo Phật luôn chủ trương và kêu gọi nhơn loại hãy sống chung hòa bình. Từ ngàn xưa đến nay và có thể nói mãi mãi đến ngàn sau, đạo Phật lúc nào và ở đâu cũng đều nêu cao tôn chỉ đó. Chính vì thế, nên sự truyền bá của đạo Phật, theo dòng thời gian trải dài trong quá khứ, lịch sử nhơn loại đã chứng minh cụ thể điều đó. Đạo Phật đi đến đâu chỉ mang lại tình yêu thương và lẽ công bằng, tạo sự hòa bình an vui hạnh phúc cho nhơn loại. Có thể nói, trong sự truyền bá đó, đạo Phật chưa bao giờ gây ra đổ một giọt máu đào nào cho nhơn loại. Đó là điểm đặc thù trong suốt chiều dài lịch sử truyền bá của đạo Phật.
Bởi những hiện tượng xung đột gây nên thù hận chiến tranh, đó không phải là bản chất cá tánh của loài người. Mà bản chất của loài người là bất bạo động, là yêu chuộng tự do và hòa bình. Đạo Phật cho rằng, Hòa bình hay chiến tranh không phải tìm kiếm ở bên ngoài mà có, mà nó nằm ngay trong lòng của mỗi con người. Nguồn gốc gây nên sự xung đột chiến tranh, theo Phật giáo, động lực chính là do vô minh chủ động. Mà hiện tướng của nó là “tham, sân, si”.Bao giờ nhơn loại còn nuôi dưỡng chất chứa trong lòng ba thứ hạt giống độc tố nầy, thì đừng hòng nhơn loại có thể sống chung hòa bình với nhau. Muốn có hòa bình, con người phải diệt trừ những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn nội tại. Nói rõ hơn là phải thường xuyên nhận diện và chuyển hóa hết những thứ vô minh phiền não. Chính những thứ nầy là nguồn gốc gây ra mọi sự khổ đau và làm cho thế giới trở nên thác loạn đảo điên không cùng.
Điều rõ nét nhứt mà ngày nay cả nhơn loại đang gào thét trong sự phá hủy tiêu diệt trái đất, mà nguyên nhân chính cũng bởi do lòng tham lam quá độ của con người mà ra. Hằng ngày, họ cho thải ra không biết bao nhiêu lượng khí độc, tạo nên tình trạng ô nhiễm môi sinh ngày càng khốc liệt hơn. Những trận thiên tai họa hại giáng xuống khắp nơi, đó là sự cảnh cáo đe dọa của thiên nhiên. Ngoài ra, còn biết bao những tệ nạn xã hội họa hại khác. Thật nói không thể hết. Phải chăng tất cả đều do con người gây ra!
Phải thành thật mà nói, sự sống của nhơn loại ngày nay như đang đứng trên bờ vực thẳm. Không biết mình sẽ rơi xuống hố sâu vào lúc nào. Chính vì ý thức được nỗi khổ niềm đau cộng nghiệp lớn lao của nhơn loại, nên Phật giáo đã kêu gọi con người nên tìm mọi phương cách cứu thoát chính mình. Muốn cứu thoát con người ra khỏi cộng nghiệp khổ đau nầy, theo Phật giáo, chỉ có một cách duy nhứt là mỗi người nên tự quán chiếu sâu vào nội tâm để chuyển hóa những hạt giống bất thiện, chính nó là nguyên nhân nội tại làm khổ đau cho mình và người.
Đó là con đường hóa giải những mâu thuẫn, hận thù, xung đột, tỵ hiềm, kỳ thị v.v… đã và đang tiềm ẩn sâu kín trong lòng của mỗi cá thể. Có thế, thì nhơn loại mới thực sự mở rộng tâm thức bao dung, tha thứ và biết thương yêu nhau hơn trong sự hòa hợp sống chung trong tình huynh đệ. Đạo Phật đã và đang vận dụng tận lực mọi khả năng trong sự đóng góp bằng con đường nhập thế phát triển mọi hướng, nhằm đem lại sự yêu thương hàn gắn mọi vết thương của nhơn loại hiện nay. Đó là con đường hóa giải tạo sự công bằng tự do nhân ái trong tinh thần từ bi, vị tha và bình đẳng của đạo Phật vậy.