Hỏi: Kính thưa thầy, ba con mất đã lâu ( 1999 ) và ảnh của ba con thì thờ ở chùa Quang Minh. Mỗi năm, đến ngày kỵ giỗ, chúng con tụ về nhà má con để cúng, còn ở Việt Nam em con cúng giỗ có thỉnh thầy đến nhà tụng kinh, nhưng không có đến chùa cúng giỗ nơi thờ hương linh. Vậy, xin hỏi gia đình chúng con cúng như vậy có được không? Kính mong thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con.
Đáp: Theo phong tục nước ta, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quan trọng nhất là ngày kỵ giỗ. Ngày giỗ hay còn gọi là ngày kỵ nhật, chính là ngày kỷ niệm người đã qua đời. Sau khi an táng người đã chết, thì các thân nhân con cháu trong gia đình sự thương nhớ từ từ sẽ nguôi ngoay dần và tất cả đều trở lại đời sống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, hằng năm khi đến ngày kỵ giỗ, con cháu dù cho có bận rộn công ăn việc làm đến đâu, thì cũng phải nhớ ngày kỵ giỗ của người chết mà quy tụ về một nơi để cúng giỗ. Nơi đó thường là nơi từ đường, tức là nơi thờ phụng người chết. Nói cúng giỗ, chỉ có những người theo tôn giáo (mà tôn giáo đó) phải chấp nhận sự thờ cúng tổ tiên thì mới nói cúng. Ngoài ra, có những tôn giáo không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên, thì người ta chỉ nói là làm giỗ kỷ niệm mà không nói cúng giỗ.
Trường hợp của Phật tử, việc thờ cúng người cha mất đã lâu, trong gia đình thân nhân của Phật tử theo phong tục lễ nghi thiết cúng như thế thì không có gì là sai trái. Việc thỉnh hương linh và gởi di ảnh thờ ở trong chùa, đó là việc làm đúng theo lệ thường của người Phật tử. Mục đích của việc làm nầy là trong thân nhân muốn cho hương linh ở trong chùa ngày đêm lắng nghe kinh kệ để sớm thức tỉnh tu hành chóng được giải thoát. Đó là một việc làm rất tốt và rất phù hợp với lễ nghi Phật giáo. Tuy nhiên, không phải vì thờ hình ảnh hay linh cốt trong chùa mà mỗi năm các thân quyến con cháu phải về chùa cúng giỗ. Điều nầy, còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sinh sống gia đình của mỗi người.
Ngày nay, có những gia đình Phật tử ở thành phố, vì nhà cửa chật chội nên họ thường cúng giỗ ở trên chùa để tiện việc mời khách và cũng đỡ vất vả cho gia đình. Trường hợp của Phật tử thì có khác, gia cảnh tương đối có đầy đủ tiện nghi, không nhứt thiết phải làm như thế. Theo tôi, đến ngày kỵ giỗ, Phật tử chỉ cần mua chút ít hoa quả nhang đèn mang đến chùa (nơi thờ linh ảnh) và hết lòng thành kính đảnh lễ dâng lên cúng dường Tam bảo. Đồng thời, cầu nguyện cho hương linh của người mất chóng được siêu sanh thoát hóa. Chỉ ngần ấy là đủ rồi.
Sau đó, thì Phật tử và những con cháu trong gia đình tùy nghi thiết cúng tại tư gia. Điều quan trọng của việc cúng kỵ giỗ nầy, theo Phật dạy người Phật tử không nên vì người chết mà sát sanh hại vật để thiết cúng. Nếu thế, thì chỉ gây thêm tội lỗi cho người sống lẫn người chết mà thôi. Do đó, muốn cho hương linh chóng được siêu thoát, thì thiết nghĩ, Phật tử nên y cứ theo lời Phật Tổ chỉ dạy nên thiết cúng đồ chay là tốt nhứt.
Đã nói là ngày kỷ niệm, tất nhiên với thâm ý là để nhắc nhở cho con cháu ghi nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà hay cha mẹ mà con cháu nên hết lòng quy kính noi theo. Đó mới thật sự là tưởng niệm đền đáp công ơn của người đã chết. Không nên vì người chết mà tạo thêm ác nghiệp làm khổ đau cho người đã chết. Như thế, thì đó không phải là cách báo hiếu. Như Phật tử đã nói, mỗi kỳ cúng giỗ, em của Phật tử ở bên Việt Nam có thỉnh thầy đến tư gia để tụng kinh cầu siêu cho hương linh. Điều đó, thì thật là quý báu tốt đẹp. Tôi xin hết lòng tùy hỷ tán dương công đức của việc làm nầy.
Tóm lại, việc thiết cúng kỷ niệm ngày giỗ cho thân phụ của Phật tử như thế, theo tôi, thì không có gì là sai trái đối với phong tục lễ nghi của người mình. Chỉ có điều là nên tránh sát sanh hại vật để thiết cúng, thì đây mới là điều đáng nói và tốt nhất. Chẳng những ích lợi cho người đã chết mà còn ích lợi cho những người còn sống nữa. Kính mong Phật tử nên ghi nhớ lời Phật Tổ chỉ dạy mà thật hành theo. Được vậy, thì kẻ còn và người mất cả hai đều được ân triêm lợi lạc vậy.