Hỏi: Kính bạch thầy, hằng năm đến ngày 23 tháng chạp, con thấy người Việt mình hay có tục lệ là cúng đưa ông Táo về trời. Thú thật là con không hiểu cái tục lệ và sự cúng kiến nầy như thế nào? Kính mong thầy hoan hỷ giải thích cho con hiểu. Xin cám ơn thầy.
Đáp: Việc thờ cúng nầy, đây là một tập tục đã có từ lâu. Đối với người Việt Nam chúng ta, ngoài việc thờ cúng tổ tiên ông bà ra, người mình còn có thờ cúng các vị thần linh khác nữa. Trong các vị thần linh mà người ta thờ ở trong nhà, thì thần Thổ công đã được mọi người quan tâm thờ cúng nhiều nhất. Người xưa có câu: “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá”. Thổ công là vị thần cai quản trông coi gia cư định sự họa phúc kiết hung cho gia đình. Đây là vị thần đứng đầu của các vị thần khác. Người ta quan niệm rằng, trong nhà thờ thần Thổ công, thì không có ma quỷ nào dám xâm nhập phá phách quấy nhiễu những người trong nhà.
Sở dĩ người ta gọi là Táo Quân, tức ông vua Táo gồm có cả ba vị: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Thổ công là thần đất cũng là thần trông coi việc bếp núc. Tục thường gọi là vua bếp. Người ta tin rằng ngày 23 tháng chạp, Thổ công lên chầu Trời tâu bày mọi việc xấu tốt của trần gian. Vì vậy, người ta bày biện thức ăn chay, mặn tùy gia chủ để thiết cúng gọi là ngày tết ông Công. Vì ông đóng vai khách quan ghi chép hết mọi việc hung kiết xảy ra trong gia đình để ông về chầu Thượng đế ở trên thiên đình mà tâu hết mọi việc. Do đó, muốn được yên ổn người ta phải cúng tế như lo lót cho ông để ông chỉ tâu điều lành tốt không nên tâu điều xấu ác.
Như trên đã nói, Vua Bếp gồm có ba vị thần linh. Thế nhưng lý do nào gọi Vua Bếp mà gồm chung có ba vị thần nầy? Bởi người ta căn cứ vào sự tích nói về Vua Bếp mà nêu ra. Chuyện tích tuy dài, ở đây chúng tôi chỉ xin được tóm lược một cách ngắn gọn mà thôi.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có hai vợ chồng, người chồng tên Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con. Một hôm, Thị Nhị bị chồng đánh rồi bỏ nhà ra đi. Trong lúc ra đi, nàng gặp một người đàn ông tên là Phạm Lang. Hai người tư tình cảm thông nhau và trở thành đôi vợ chồng. Trong khi đó, Trọng Cao sau khi vợ bỏ nhà ra đi, chàng ta hối lỗi nên quyết định đi tìm vợ để chuộc lại lỗi lầm. Trên đường lang thang tìm kiếm, bỗng một hôm, chàng ta tình cờ gặp lại Thị Nhi. Hai người rất mừng rỡ trong nỗi xúc động ngẹn ngào. Trong lúc hai người đang than vãn chuyện trò, thì Phạm Lang về gặp. Thị Nhị quá xấu hổ thẹn thùng, nên đâm đầu vào đóng lửa mà chết. Trọng Cao thấy vợ chết vì mình, nên cũng nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang thấy vậy, muốn chung thủy với vợ nên cũng chết theo luôn. (có thuyết thì nói cả ba người đều chết trong đống rơm)
Thượng đế thấy ba người trọn tình chung thủy nên mới phong cho là Táo quân và mỗi người giữ một việc:
Phạm Lang là Thổ công trông nom việc trong bếp.
Trọng Cao là Thổ địa trông nom việc trong nhà.
Thị Nhi là Thổ kỳ trông nom việc chợ búa.
Do tích trên, nên người ta mới thờ cúng ba vị thần nầy gọi chung là cúng Táo quân vào ngày 23 tháng chạp hằng năm.