Tụng kinh niệm Phật mà tâm còn tán loạn có được lợi ích gì không?

0
247

Hỏi: Kính thưa thầy, khi con tụng kinh, niệm Phật, lạy sám hối, mà tâm con vẫn còn loạn tưởng, nghĩ nhớ lăng xăng, như vậy con có được lợi ích gì không? Có người nói, như thế chỉ là công dã tràng, không có lợi ích gì hết. Con còn là phàm phu, nghiệp chướng sâu nặng, làm sao con giữ tâm không tán loạn cho được? Nếu như không có được lợi ích gì hết, thì thử hỏi con làm những việc đó để làm gì? Con rất hoang mang, xin thầy giải đáp cho con rõ.

Đáp: Phật tử đừng lodĩ nhiên là có lợi ích rồi. Nhưng sự lợi ích đó thì không được nhiều lắm. Vì cái nhân, không chín chắn tốt lắm, thì cái kết quả, tất nhiên cũng không được tốt đẹp cho mấy. Trong lúc chúng ta dụng công tu, dù tu theo bất cứ pháp môn nào, điều tối kỵ là để tâm buông lung tán loạn. Vì chúng ta còn là phàm phu nghiệp chướng sâu dày, tập khí nặng nề, nên khi ứng dụng tu, tất nhiên không sao tránh khỏi tán tâm loạn động. Người tu sợ nhứt là tập khí và pháp trần.

Tập khí là những thói quen mà hằng ngày chúng ta huân tập. Những thói quen xấu, tốt nầy, không phải chúng ta chỉ huân tập trong hiện đời, mà nó đã có từ nhiều đời trong quá khứ. Người có những tập khí sâu nặng, thì khi tu thật khó gìn giữ được nhiếp tâm, chánh niệm. Nói pháp trần, thật ra cũng chỉ là tên khác của những tập khí mà thôi. Vì trong khi chúng ta đối cảnh xúc duyên hằng ngày, sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tất cả đều được huân chứa vào trong kho A lại da thức. Kho nầy nó có công năng cất chứa những hạt giống lành dữ, và gìn giữ không cho sót mất một hạt giống nào. Những hạt giống bản hữu (sẵn có) hoặc tân huân (mới đem vào) đều được nó cất giữ rất kỹ. Những hạt giống đã được cất giữ trong kho nầy gọi là pháp trần. Duy thức học gọi là: “tiền trần lạc tạ ảnh tử”. Nghĩa là những bóng dáng của sáu trần rơi rớt vào trong tâm thức của chúng ta.

Khi chúng ta tụng kinh, lễ bái, tham thiền, trì chú, niệm Phật v.v… thì đó là những lúc pháp trần có cơ hội nổi lên làm xáo trộn loạn động tâm ta. Lúc đó, mặc dù chúng ta ngồi yên không tiếp xúc với ngoại cảnh, nhưng những cảnh do sự tiếp xúc của căn và trần đã trải qua, bấy giờ chúng hiện lên rồi ý thức duyên vào. Đó là ý thức (thức thứ sáu) duyên với pháp trần. Cho nên lúc đó làm cho tâm ta nghĩ tưởng lăng xăng bất an. Trong kinh thường gọi những ý tưởng khởi nghĩ lăng xăng đó là vọng tưởng.

Người mới niệm Phật khi chưa chứng được chánh định, thì không ai lại không có những thứ vọng tưởng dấy khởi lung tung nầy. Nhưngchúng ta đừng sợ vọng tưởng, mà chỉ sợ chúng ta thiếu sự giác chiếu hay tỉnh thức kịp thời. Nếu khi chúng khởi nghĩ chuyện gì đó, chúng ta liền có giác quán chánh niệm chiếu soi, thì những vọng niệm kia sẽ tan biến ngay. Điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng nhiếp tâm để có được chánh quán. Nếu chúng ta chịu khó thực tập lâu ngày, thì những vọng niệm sẽ không làm gì được ta. Cho nên người tu, việc gìn giữ chánh niệm thật là điều tối ư quan trọng.

Khi niệm Phật, chúng ta phải cảnh giác như người gác cổng. Phải có đôi mắt tinh sáng nhận diện kẻ ra người vào. Người có nhiệm vụ gác cổng, tất nhiên là không được chểnh mãng lơ là. Phải chú tâm chăm chỉ nhìn cho thật kỹ ở nơi cửa cổng. Khi chúng ta tụng kinh, trì chú, niệm Phật… cũng phải chú tâm như thế. Phải nhận diện thấy rõ những tạp niệm xen vào. Như khi niệm Phật thì tâm ta phải chuyên chú vào câu hiệu Phật. Đồng thời tâm phải sáng suốt nhận diện. Khi một vọng niệm vừa dấy khởi nghĩ chuyện khác, chúng ta phải kịp thời nhận diện biết rõ chúng đang nghĩ gì. Chỉ cần nhận diện một cách nhẹ nhàng chớ không nên đè nén hay đàn áp. Vì đè nén hay đàn áp có tánh cách hành xử hung bạo. Chúng ta không nên hành xử như thế. Vì vọng tưởng không phải là kẻ thù của chúng ta, mà nó là hiện tượng một phần của tâm ta. Cũng như sóng là hiện tượng một phần tử của nước. Vì sóng khởi lên từ nước. Do đó, nưóc và sóng không thể xem nhau là đối nghịch kẻ thù được. Mà nước phải đối xử tử tế rất nhẹ nhàng với sóng. Khi sóng nổi lên là nước biết rất rõ. Vì trong sóng đã có mang chất nước trong đó.

Cũng thế, Bản thể và hiện tượng không thể tách rời ly khai ra được. Nói cách khác, chân tâm và vọng tâm không phải là hai phạm trù đối nghịch nhau. Có đối nghịch là có tranh chấp hơn thua. Coi chừng không khéo chúng ta sẽ tạo thành một bãi chiến trường chém giết trong tâm thức ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết rằng, những hiện tượng tập khí vọng tưởng, tuy nó là những cái bóng mờ không thật, nhưng chúng ta cũng không nên lơ là khinh thường nó. Vì nó có một sức mạnh rất lớn. Nếu chúng ta theo nó, để nó tha hồ dẫn dắt chúng ta chạy đông chạy tây, thì nó sẽ hành hạ đày đọa chúng ta chịu nhiều đau khổ. Bởi nó không bao giờ biết dừng lại. Tất cả mọi pháp môn Phật dạy, đều có công năng đối trị, nhận diện, và chuyển hóa những thứ vọng tưởng nầy.

Như chúng tôi đã nói, nếu chúng ta không dụng công tu thì thôi, mà hễ có dụng công tu, tất nhiên là phải có lợi ích. Ngay như khi Phật tử ngồi yên niệm Phật, thì Phật tử cũng đang thúc liễm ở nơi ba nghiệp rồi. Thân thì ngồi nghiêm trang, hoặc lễ bái, còn miệng thì tụng kinh, hoặc niệm Phật, còn ý thì mặc dù chưa được chuyên chú thuần nhứt, nhưng ít ra, nó cũng nghĩ tưởng đến Phật. Như thế, thì tại sao dám bảo là không có lợi ích? Làm sao có thể nói như công dã tràng xe cát biển đông cho được? Nếu bảo rằng, việc làm đó như công dã tràng, thì không đúng. Chẳng qua sự lợi ích đó, nó có nhiều hay ít đó thôi. Chúng ta tập tu, lúc đầu ai cũng có những tạp loạn phiền não dấy khởi liên miên rất mạnh. Nếu không còn có những thứ nầy, thì thử hỏi chúng ta dụng công tu hành chi cho nó thêm hao hơi mệt sức? Vì còn vọng niệm phiền não nên chúng ta mới tu để lần hồi dứt trừ chúng.

Khi chúng ta mới bắt đầu tập sự tu hành, thì cũng giống như một đứa bé tập sự từng bước: ban đầu tập lật, tập bò, tập đứng chựng, rồi tập đi v.v… Tất nhiên khi tập như thế, lúc đầu đối với nó cũng cảm thấy rất là khó khăn. Nhưng nhờ nó chịu khó thực tập thường xuyên thành thói quen, cho nên nó không còn cảm thấy khó khăn nhiều nữa. Như khi nó tập đứng, lúc đầu nó cũng bị té lên té xuống nhiều lần. Nhưng nhờ nó bền chí tập đứng lâu ngày, thì sẽ không còn bị té nữa. Từ đó, cứ tiến dần lên: tập đi, tập nhảy, tập chạy v.v…. Sự tu hành của chúng ta cũng phải chịu khó luyện tập từng bước như thế. Có em bé nào mới sanh ra mà biết đứng, đi, chạy, nhảy liền đâu. Tất cả đều phải nỗ lực cố gắng thực tập cả.

Sự tu hành của chúng ta cũng thế. Nghĩa là chúng ta cũng phải thực tập từng bước vững chắc. Tập từng bước dễ đến bước khó. Và trong khi tu tập, tất nhiên là đã có kết quả tốt đẹp của nó rồi. Hiểu thế, thì Phật tử không còn gì phải hoang mang lo sợ mình không được lợi ích. Điều quan trọng của việc tu hành là chúng ta phải bền chí kiên nhẫn vượt qua mọi chướng duyên thử thách khó khăn. Có thế, thì Phật tử mới mong đạt thành sở nguyện. Kính chúc Phật tử luôn kiên tâm an nhẫn bền chí tu hành.