Địa ngục có thật không?

0
180

Theo kinh điển Phật giáo thì địa là chỗ còn ngục là hình phạt đau khổ. Vì thế khi chúng sinh khi còn sinh tiền tạo quá nhiều nghiệp ác thì sau khi chết phải thọ sanh vào chỗ chịu những hình phạt đau khổ thì đó gọi là địa ngục. Cũng theo Phật giáo thì Địa Ngục không phải là cõi giới có 18 tầng với bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa lăm le để trừng phạt con người như người Trung Hoa đã vẽ trong kinh sách. Thật ra Địa Ngục chỉ do Nghiệp Thức biến hiện bởi vì tự thể chính địa ngục cũng chỉ là cái Không. Khi một người chết thì thần thức thoát khỏi thân xác trong một trạng thái mơ hồ, tối tăm mê muội trong khoảng ba, bốn ngày.

Lúc bấy giờ chính thần thức cũng không nghĩ rằng mình đã chết và dĩ nhiên cũng không biết mình sẽ đi về đâu. Những nghiệp thức hiện đến làm cho thần thức cảm nhận những điều ghê sợ. Lúc bấy giờ có một thứ gió Nghiệp (Nghiệp Phong) nhẹ nhàng thổi đến đưa nghiệp thức vào nơi không phương hướng bềnh bồng như một con thuyền không người lái trên đại dương mênh mông. Tiếp theo là những vầng sáng lạ lùng tỏa ra hòa với những âm thanh kỳ lạ mà thần thức chưa từng được nghe thấy như lúc còn sống ở thế gian.  Chưa hết những hình tượng đầy vẻ ma quái rùng rợn của những con vật mình người đầu thú, hung tợn, gầm gừ như muốn nhảy tới phanh thây, nhai  nuốt người chết. Sau cùng là những khối lửa lớn ngùn ngụt phụt lên từ mọi phía cùng với giông tố sấm sét chớp lòa làm cho Thần Thức kinh hoàng. Tất cả những hiện tượng kinh hoàng đó thật ra đều do nghiệp lực mà chiêu cảm nhưng Thần Thức không biết mà tin là thật cũng giống như nếu để một em bé trước một cái TiVi lớn có hình ảnh sấm sét kinh hồn làm cho đứa bé tin là thật mà khóc thét lên.

Vì do nghiệp lực chiêu cảm và Thần Thức vẫn còn mê mờ tăm tối nên nó càng thấy nhiều cảnh tượng kinh hoàng làm cho nó càng sợ hãi và tìm cách trốn tránh bất chấp đó là chỗ nào.  Bây giờ nếu nghiệp cảm của người chết muốn sinh vào cõi địa ngục thì trong thời điểm nầy Thần Thức sẽ thấy một khoảng mờ ảo với âm thanh trầm buồn lặng lẽ. Thần Thức nghĩ rằng đây chính là một nơi yên lành có thể dung thân trong giai đoạn nguy hiểm nên mới dấn thân vào đó.Từ đó tất cả những nghiệp thức sẽ phát sinh ra những cảnh giới như nhà cửa, đường xá… Thần thức sẽ thấy những căn nhà có màu sắc đen hay trắng đục và có vẻ mờ ảo lung linh. Còn đường xá thì như chìm dưới lớp sương màu xám tro và thỉnh thoảng lộ ra những đoạn gập gềnh, hang lỗ tối đen. Cảnh vật nơi đây thì vô cùng lạnh lẽo, âm u và vắng lặng và cũng có nơi nóng ran như thiêu đốt. Dần dần Thần thức cảm nhận những sự nóng lạnh rất rõ ràng như khi còn sống ở thế gian. Nếu người chết bị đọa vào Hỏa ngục thì Thần Thức trước tiên cảm nhận một sự lạnh lẽo ghê hồn xuyên qua Thân Trung Ấm khiến họ mong mỏi có cơ hội thoát khỏi cái lạnh khủng khiếp nầy. Tư tưởng nầy vừa xuất hiện đã làm phát sinh một làn hơi nóng ấm từ đâu đó thoát ra khiến họ vô cùng mừng rở và dĩ nhiên Thần Thức vội vàng tìm đến đó. Thế là họ tức thì rơi vào Hỏa ngục mà chính họ không hay biết gì. Nên nhớ tất cả những cảnh tượng chợt biến chợt hiện đó đều do Nghiệp Cảm tạo thành cho nên khi lòng nghĩ đến điều gì thì hình ảnh liên quan sẽ hiện ra như có thật trước mắt.

Thân Trung Ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân nên tất cả đều không thật mà chỉ là giả tướng. Nếu đã là không thật thì không có gì phải khiếp sợ. Người có tu đạo thì họ làm chủ được Thần Thức của mình nên dễ dàng tránh xa những cảm nhận thích nghi với những âm thanh và ánh sáng dễ chịu mà thoát ra khỏi lục đạo.Nếu lỡ đã sa vào Địa ngục hay chạm trán với quỷ sứ Ma Vương thì cũng chỉ là đối diện với hư ảnh mà thôi. Bởi vì tất cả những hình tượng ấy đều do nghiệp thức biến hiện và tự thể của nó là không thật. Nhưng trong thật tế hầu như tất cả mọi người khi chết đều rung sợ và mê mờ tối tăm trước những hình ảnh hư ảo ở cõi âm. Một lần nữa, kinh điển Phật giáo khẳng định là địa ngục không phải là nơi có các quỷ sứ hiện diện để moi tim, móc ruột, chặt tay, cưa chân hay thả tội hồn vào vạt dầu…Mà Địa Ngục chỉ là nơi tối tăm mà con người khi chết phải vào đó để thọ lãnh những đau khổ mà họ đã tạo tác trong khi còn sinh tiền.

Nói một cách khác theo tinh thần Phật giáo thì Địa Ngục không có quỷ sứ xử phạt kẻ có tội với những cực hình thê thảm mà thật ra Địa Ngục chính là cõi thế gian mà loài người đang sống. Từng giây, từng phút và từng ngày họ phải thọ báo những đau khổ, những xấu xa, những tội lỗi mà nghiệp báo đã chuyển đến cho họ sau khi họ được tái sinh. Đây chính là Địa Ngục trần gian vậy. Biết bao người hằng ngày phải sống trong thiếu thốn khổ đau. Họ bị đọa đày từ tinh thần đến xác thân thì có phải đây là địa ngục chăng? Trong kiếp quá khứ chúng ta gây nên ác nghiệp nên bây giờ thân phải chịu bệnh tật hiểm nghèo. Có người vì bệnh mà phải chịu mổ xẻ tim, gan, thận, cắt tay, cắt chân, mổ óc…Đây có phải là giống như cảnh chặt tay, cưa chân, móc óc trong cảnh địa ngục chăng? Có người trong tiền kiếp gây ra nghiệp sát hại nên khi qua đến kiếp nầy phải bị sát hại mà tệ hại hơn nữa là bị sát hại ngay khi còn nằm trong bụng mẹ tức là phá thai.  Đây có phải là địa ngục chăng?

Trong cuốn Hồi Dương Nhân Quả của Linh Tự Kỳ và sách Địa Ngục Du Ký xuất bản đời nhà Đường có ghi lại những lời đối thoại của Tế Phật cho một nhân vật tên là Dương Sinh nghe về cảnh giới của địa ngục. Dựa theo sách nầy thì địa ngục gồm có 10 điện chính và mỗi điện có 16 ngục. Sách diễn tả khá rõ ràng về kích thước và cảnh giới của mỗi điện địa ngục. Thêm nữa sách nầy cũng mô tả những gì liên quan đến cõi Diêm phù mà từ lâu trong thế gian thường hay nói đến. Chẳng hạn như cây cầu ở chốn địa ngục mà người Việt Nam hay Trung Hoa thường gọi là cầu Nại Hà. Cầu Nại Hà nầy là một trong 6 cây cầu chính ở địa ngục. Cầu treo lơ lửng trên cao và người chết vào địa ngục thì phải đi qua cầu nầy. Các quỷ sứ có nhiệm vụ áp giải tội hồn đi qua cầu.

Khi tội nhân tới giữa cầu thì các tội hồn nầy sẽ bị quỷ sứ đẩy xuống vực sâu thăm thẳm. Nơi đó vô cùng tối tăm lạnh lẽo và đầy rắn độc. Còn những kẻ ác ở thế gian khi chết đi qua cầu nầy tự nhiên tâm thức kinh động nên tự nhào xuống vực chớ không cần quỷ sứ xô xuống. Khi xuống đến địa ngục thì có 18 tầng và còn thêm 16 tiểu ngục nữa để trừng phạt tội hồn. Có lẻ tất cả đều là do óc tưởng tượng của người Trung Hoa vì có ai xuống được địa ngục rồi trở về để ghi chép quá chi tiết như thế bao giờ? Nằm mơ, nằm mộng kể lại thì ai nói gì chẳng được. Đạo Phật là đạo giải thoát mà cứ ôm khư khư những tư tưởng kinh hồn, khiếp vía ràng buộc cứng ngắt như thế thì làm sao giải thoát cho được.Riêng đối với các nhà khoa học thì quan niệm về Địa Ngục quả là một quan niệm chứa đầy tính chất siêu hình. Khó có ai thấy được rõ ràng trước mắt cõi Địa ngục và khó có ai chụp được hình ảnh của cõi Địa ngục. Cho đến nay, những nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh huyền bí cũng chỉ ở giai đoạn thu thập các tư liệu liên quan đến những gì gọi là cõi giới bên kia cửa tử mà chúng ta gọi là Địa ngục mà thôi.