Nếu phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn, cớ sao còn chia trí, ngu, ngộ, mê sai khác?

0
213

Đáp: Hàng sơ cơ chẳng dễ gì liễu giải câu hỏi này. Giảng càng tường tận, người nghe càng thấm thía. Trước hết, chỉ lấy hai món Lý và Hạnh để giải thích. Khi mê bổn tánh, bèn là phiền não, bèn có sanh tử. Khi ngộ bổn tánh  tức là Bồ Đề, bèn đắc Niết Bàn; nhưng mê hay ngộ đều cùng một tánh, cho nên nói: “Phiền não sanh tử chính là Bồ Đề Niết Bàn”. Nếu dùng biển làm tỷ dụ, lúc tĩnh gọi là nước, khi động gọi là sóng; nhưng động và tĩnh chẳng phải hai vật; đấy là nói theo Lý. Nếu hiểu tánh là một, mà phân ra mê ngộ, vật là một mà chia ra động và tĩnh, lẽ nào còn nghi? “Tức” là nói theo Lý Thể, “phân” là nói theo sự tướng. Hơn nữa, kẻ chưa phát đại tâm thấy sanh tử như oan gia, mê đắm cảnh vui Niết Bàn. Người đã phát đại tâm, vì độ vô lượng chúng sanh, mà chẳng ham Niết Bàn, cam tâm vào sanh tử, thấy các phiền não đều là Bồ Đề. Vì thế nói Tức, đây là nói theo Hạnh vậy!