Phật và thánh nhân có gì khác biệt?

0
477

Thánh nhân có nhiều loại khác nhau, có hai loại lớn là thế gian và xuất thế gian. Từ hai loại này, lại chia thành bao nhiêu loại nữa. Đối với thánh nhân thế gian, chỉ lấy Trung Quốc để luận thì Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Võ Vương, Châu Công, Khổng Tử, Bá Di, Liễu Hạ Huệ[i] v.v… đều là thánh nhân. Thánh nhân xuất thế gian thì từ Thập Địa Bồ Tát trở xuống Duyên Giác, Thanh Văn v.v… đều là thánh nhân. Phật khác cả hai loại này, tức là những gì mà hai loại thánh nhân trên đây biết, có thể làm, Phật đều biết, đều có thể làm; nhưng những điều Phật biết và có thể làm, có những điều mà hai loại thánh nhân trên đây chẳng biết, chẳng làm được!

[i] Bá Di họ Tử, thuộc thị tộc Mặc Thai, tên là Doãn, tự Công Tín, là con trưởng của Á Vi, vua nước Cô Trúc (nay thuộc thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc). Em trai là Thúc Tề được vua cha dự định truyền ngôi, nhưng điều này trái với tông pháp truyền ngôi cho dòng đích thời ấy, nhưng Thúc Tề không muốn đoạt ngôi của anh, Bá Di cũng chẳng muốn trái lời cha, nên hai anh em cùng bỏ trốn, chạy sang đất của bộ lạc Châu, được Châu Văn Vương coi trọng. Khi Châu Vũ Vương hưng binh phạt Trụ, Bá Di và Thúc Tề đã chặn đường, khóc lóc can ngăn, nhưng Châu Vũ Vương đã quyết ý. Khi Trụ Vương bị diệt, hai anh em khóc lóc, quyết định chẳng ăn thóc lúa nhà Châu nhằm biểu hiện lòng trung với nhà Thương, trốn vào núi Thủ Dương ẩn cư, ăn vỏ cây, rau dại sống qua ngày. Về sau, có người nói thiên hạ đã là của nhà Châu thì cỏ hoang, rau dại cũng là của nhà Châu, họ bèn nhịn đói đến chết.

Liễu Hạ Huệ (720-621 trước Công Nguyên), họ Triển tên Hoạch, biểu tự là Cầm, một tên tự nữa là Quý, người nước Lỗ, là hậu duệ của công tử Triển (con trai Lỗ Hiếu Công); do vậy, họ gốc của ông là Cơ, do gọi theo tên của tổ phụ nên thành họ Triển. Liễu Hạ là tên thực ấp (đất phong của ông), Huệ là thụy hiệu, cho nên mới thường gọi là Liễu Hạ Huệ. Ông làm quan đại phu nước Lỗ, ông được coi là thủy tổ của những người mang họ Liễu sau này. Ông là nhân vật được coi là người đức hạnh, với câu chuyện: Trên đường thấy một phụ nữ bị rét cóng sắp chết, nên ông cởi áo khoác phủ cho cô ta rồi ôm cô ta trong lòng cho hết lạnh, nhưng chẳng khởi tà tâm.