Chưa khai ngộ có thể làm công tác phiên dịch hay không?

0
175

 Hỏi:   Xin hỏi một người chưa khai ngộ có thể làm công tác phiên dịch hay không?  Thí dụ phiên dịch từ chữ Tàu sang chữ Anh.

Ðáp:   Chưa khai ngộ làm công tác phiên dịch cũng được.  Trong vòng hai ngàn năm qua, Phật pháp truyền vào Trung Quốc, [kinh điển] từ tiếng Phạn được dịch sang tiếng Trung Quốc, người phiên dịch rất nhiều, không phải chỉ có một người.  ‘Dịch trường’ là cơ quan làm công tác phiên dịch; dịch trường của pháp sư Cưu Ma La Thập có đến hơn 400 người, của pháp sư Huyền Trang có hơn 600 người, đều có tổ chức đàng hoàng.  Nhiều người như vậy có phải đều khai ngộ hết không?  Không thể nào, trong đó có thể chỉ có một hai người khai ngộ, người khai ngộ làm người ấn chứng cho họ.

          Thí dụ Tâm Kinh là do Ðường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch, đây là dùng tên của ngài nhưng thiệt ra công tác phiên dịch không phải chỉ có ngài làm mà thôi.  Dùng tên của ngài thì ngài phải chịu trách nhiệm; nghĩa là sau khi dịch xong nhất định phải thông qua sự thẩm định và đồng ý của ngài rồi thì mới dùng tên của ngài [ghi trên kinh] để lưu thông.  Ðề tên của dịch giả trên kinh là người này phải chịu trách nhiệm sự phiên dịch của bộ kinh đó.  Vì vậy chưa khai ngộ cũng có thể tham gia công tác phiên dịch.  Nếu phải khai ngộ rồi mới có thể phiên dịch thì Phật pháp sớm đã bị diệt mất.

          Không chỉ là phiên dịch thôi, giảng kinh cũng vậy.  Ngày xưa nếu không khai ngộ thì không có năng lực để giảng kinh, và cũng không dám lên giảng đài giảng kinh.  Nếu dùng tiêu chuẩn này thì ngày nay không có ai giảng kinh hết.  Lúc chưa xuất gia tôi tham dự lớp học giảng kinh của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, trong số học sinh có trên 20 người.  Trong số hơn 20 người này, học đến đại học chỉ có một người, học đến trung học đệ nhị cấp có hai ba người, trung học đệ nhứt cấp có bảy tám người, tiểu học có mười mấy người.  Sau khi được lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam huấn luyện xong, người nào cũng biết giảng kinh và đi đến khắp nơi ở Ðài Loan để giảng kinh.

          Thầy Lý dạy cho chúng tôi một nguyên tắc: ‘Chưa khai ngộ không được tuỳ  tiện tự mình giảng’, nếu dùng ý của mình để giảng, giảng sai thì phải chịu nhân quả.  Người xưa có câu: ‘Nói sai một chữ chuyển ngữ, đọa năm trăm đời làm thân hồ ly’, không thể không cẩn thận.  Thầy Lý dạy chúng tôi giảng chú giải, chú giải của người xưa phần nhiều là viết theo lối văn ‘văn ngôn’, chúng tôi dùng văn ‘bạch thoại’ phiên dịch lại.  Chúng tôi viết bản thảo cho bài giảng hoàn toàn y theo chú giải của người xưa viết thành văn bạch thoại;  nếu nói sai thì người xưa chịu trách nhiệm, chúng tôi không chịu trách nhiệm.  Dùng phương pháp này nên chúng tôi không phải là học giảng kinh mà là giảng chú [giải].  Nếu gặp chú giải quá thâm sâu, chúng tôi xem không hiểu, thầy Lý dạy cho chúng tôi một diệu pháp: ‘Coi không hiểu thì không giảng’.  Không giảng là chỗ này không giảng rõ ràng, không phải giảng sai.  Chúng tôi giữ chặt nguyên tắc này, mỗi ngày luyện tập trên giảng đài.

          Chỉ cần thành tâm thành ý, không có tâm riêng tư, tuyệt đối không chạy theo danh lợi hưởng thụ, tuyệt đối không tham, sân, si, mạn, đích thật sẽ có tiến bộ, mỗi năm càng tiến bộ.  Tiến bộ thì nhất định sẽ có ‘tiểu ngộ’, tiểu ngộ [dần] sẽ biến thành đại ngộ.  Vì vậy ngày nay chúng tôi mở quyển kinh ra, không cần phải xem chú giải của người xưa, chúng tôi có năng lực xem hiểu được, và cũng xem ra rất nhiều ý tứ trong đó, đây là không ngừng truy cầu tiến bộ, và cũng là được chư Phật Bồ Tát gia trì một cách âm thầm.

          Thầy Lý tặng cho tôi bốn chữ: ‘Chí thành cảm thông’, then chốt là ở bốn chữ này.  Muốn học giảng kinh trước hết phải thông [hiểu] pháp thế gian và xuất thế gian.  Thông [hiểu] pháp thế gian và xuất thế gian tuyệt đối không phải là một chuyện dễ dàng, thầy Lý dạy tôi chỉ có cách duy nhất là dùng tâm chân thành để cầu cảm ứng.  Nếu bạn không có chân thành thì cầu cảm ứng không được.  Ðương nhiên nếu có người giảng kinh thuyết pháp thì chúng tôi sẽ không giảng nữa, vì không ai giảng nên mới phát tâm miễn cưỡng gánh vác trọng trách này.  Tôi ở trên giảng đài giảng kinh đã 41 năm, trung bình mỗi ngày giảng ít nhất hai giờ đồng hồ mới được một ít thành tựu như vậy, có thể đem ra để cho mọi người tham khảo.