Kinh Sách Phật Giáo có phải khó đọc hay không?

0
163

Vấn đề này nên chia thành 2 đáp án : Một đáp án là phủ định. Một đáp án là khẳng định.

Hiện nay, nói chung, lớp người trẻ thường trách sách Phật giáo khó hiểu, khó đọc. Đây là do họ đọc sách Phật quá ít, đồng thời cũng chưa được đọc đại bộ phận Kinh Phật, như Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Niết Bàn, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật v.v… họ đều chưa được đọc qua. Còn các bộ Kinh A Hàm lại càng có ít người đọc. Thực ra, muốn đọc kinh Phật, trước hết phải đọc bộ A Hàm, sau đó, đọc các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Bát Nhã, v.v… Nếu được như vậy, tôi tin rằng họ sẽ cảm thấy kinh Phật không khó đọc và gây nhàm chán như một số sách khác. Nhiều người cho rằng, sách Tân, cựu ước của đạo Gia Tô dễ hiểu dễ đọc, nhưng thực ra, rất ít người trong số giáo đồ đạo Cơ Đốc, đọc hết sách cựu ước. Sách Tân ước gồm có 4 phúc âm và dễ đọc hơn. Trong lớp Phúc âm, thì Phúc âm của thánh Ma Thiên là viết tốt hơn cả.

Đặc sắc của kinh Phật là dùng thể tài cố sự [truyện xưa] để mô tả tư tưởng và cảnh giới Phật giáo, khéo dùng hình tượng và thí dụ để nói lên những đạo lý siêu hình và trừu tượng; vì vậy, Hồ Thích cho rằng, lời văn của Kinh Phật Hán dịch, so với văn xuôi Trung Quốc [văn biền ngẫu] chân chất hơn nhiều. Ông nói : “Vì kinh sách Phật giáo chú trọng truyền đạt sự thật, cho nên lời lẽ chú trọng tính chính xác, không chú trọng văn vẻ, chú trọng làm cho người đọc dễ hiểu mà không chú trọng lời đẹp và cổ xưa. Cho nên các đại sư phiên dịch Kinh Phật đều khuyến khích nhau “Không thêm văn sức, cốt làm cho dễ hiểu, không dễ mất ý nghĩa cơ bản của nguyên tắc”. Lại viết : “Trong các bộ Kinh do Cưu Ma La Thập dịch, quan trọng nhất là bộ Đại phẩm Bát Nhã, nhưng lưu hành nhiều nhất, có ảnh hưởng văn học nhiều nhất lại là ba bộ Kinh Kim Cương, Pháp Hoa và Duy Ma Cật”. Hồ Thích đặc biệt đề cao Kinh Duy Ma Cật là “tác phẩm nửa tiểu thuyết, nửa hý kịch, sau khi dịch xong đã gây ảnh hưởng rất lớn trong giới văn học và giới mỹ thuật”. Lại viết : “Kinh Pháp Hoa tuy không phải là tiểu thuyết, nhưng là cuốn sách có nhiều ý vị văn học, trong đó có một số truyện ngụ ngôn, có thể nói là thuộc những truyện ngụ ngôn đẹp nhất trong văn học thế giới. Và cũng đã tạo ảnh hưởng không nhỏ đối với nền văn học Trung Quốc”. Lại viết : “quyển “Phật sở hành tán” là kiệt tác của nhà thơ vĩ đại Mã Minh, dùng văn vần kể lại cuộc đời của Phật”. Thiên cuối cùng của Kinh Hoa Nghiêm, có phẩm “nhập pháp giới” chiếm hơn 1/4 toàn bộ cuốn Kinh kể truyện Đồng tử Thiện Tài đi cầu pháp, lần lượt đến thành nọ thành kia, gặp pháp sư này, pháp sư kia, tạo ra cả một pho trường thiên tiểu thuyết”. [Trích dẫn : “Bạch thoại văn học sử” chương 9 và chương 10]. Chúng ta biết rằng, Hồ Thích không tin Phật, chúng ta không thể nhất trí được với kiến giải của Hồ Thích đối với Phật Pháp; nhưng ông ta là một trong những vị Tổ khai sáng ra phong trào văn học bạch thoại của nước Trung Quốc cận đại. Ông cho rằng Kinh điển Phật giáo có giá trị cao quý về loại văn học “nói chuyện”. Vậy thì hãy hỏi “Kinh Phật có thực là khó đọc hay không ? Trừ phi là anh vốn có thành kiến, còn thì anh không thể trả lời là khó đọc !

Tuy nhiên, nếu đọc đến các bộ Luận Đại thừa và Tiểu thừa thì quả là các vị phải đau đầu nhức óc ! Đặc biệt là các bộ Luận của Đại thừa Hữu Tông. Trong các bộ Luận của Hữu Tông, có những danh từ tân kỳ, kết cấu bộ Luận rất chặt chẽ, tư tưởng thì cao xa thâm thúy, đối với những người thiếu trình độ Phật học thì những bộ luận đó không khác gì các “thiên thư” (sách trời) ngay những nhà Phật học đã có kinh nghiệm học Phật hàng chục năm, nếu không có trình độ tu dưỡng nhất định về tư tưởng triết học và phương pháp khoa học, thì cũng chỉ nhìn sách và than thở mà thôi. Cũng như một người mê đọc tiểu thuyết võ hiệp mà bây giờ chuyển sang đọc sách Hegen và Kantơ thì không thể đọc “vào được”. Thử hỏi đối với những sách Phật như vậy, có nên đọc hay không đọc ? Trừ phi anh là một người có trình độ văn hóa thấp, còn thì anh không thể trả lời “phủ định” được.

Nhiều người cho rằng, kinh sách đạo Gia Tô dễ đọc hơn, kỳ thực, nếu đọc các sách Thần học – sách triết học kinh viện của họ, các anh cũng không hiểu ra sao cả. Các giáo sĩ Gia Tô thời Trung Cổ, với ý đồ điều hòa thần khải với lý trí con người, nên khoác lên thần thoại một bộ áo triết học, đặt tất cả mọi vấn đề trong một tay quyền uy của chúa.

Vấn đề sách Phật khó đọc hiện nay, tôi cho rằng đó là do tác phong của một số ít người. Ví như có một số nhà Phật học, đọc sách xưa không thể tiêu hóa được, họ không động não, chỉ làm các việc sao đông chép tây, rồi cũng viết thành bài văn mà chính bản thân họ cũng hiểu không rõ, thì làm sao người đọc lại có thể hiểu được ! Điều may là theo chỗ tôi khảo sát, loại văn chương đó ngày nay đã bớt nhiều. Bởi vì, loài người gọi là bác cổ nhưng không thông kim, ngày nay cũng tự thấy mình đã đến tuổi về hưu rồi !

Còn các bài luận văn học Phật học, có tính tư tưởng là nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, cho nên không thể đòi hỏi tác giả phải viết như sách Tây du ký hay Thủy Hử được. Tuy nhiên, giới Phật giáo của Nhật Bản cận đại, đã thử dùng danh từ triết học tây phương để truyền đạt tư tưởng Phật giáo, nhưng cũng không thể Tây phương hóa toàn bộ, nếu không thì sẽ không thành ra Phật giáo nữa và đánh mất bộ mặt Phật giáo.

Nói chung lại, đứng về phương thức truyền bá mà nói, Phật giáo hoàn toàn tán thành văn nghệ hóa và thông tục hóa. Nếu đứng về mặt nghiên cứu tư tưởng lý luận mà nói thì Phật giáo không thể không đòi hỏi phải thâm thúy, phải tinh mật. Do đó, chúng ta cố nhiên phải đề cao sự thông tục, nhưng cũng không được trách cứ sách Phật khó đọc.