Tốt nhất nên tu học theo tông phái nào?

0
164

Đoạn trước đã nói, sở dĩ có nhiều tông phái Phật giáo là do căn tính khác nhau và thời đại hoàn cảnh khác nhau của những người học Phật.

Nếu phải đứng trên lập trường căn bản của Phật giáo mà nói rằng các tông phái là thừa, và nếu chấp nhận như vậy, thì đó không những thiệt thòi cho cá nhân người học Phật mà cũng là điều bất hạnh cho Phật giáo nói chung. Cũng như người Ninh Ba ở Triết Giang thích ăn thức ăn hôi, người Hồ Nam thích ăn rất cay. Người Sơn Đông thức ăn cay vừa phải, người Sơn Tây thích ăn chua… Vậy thì giải quyết vấn đề nên ăn và không nên ăn món ăn gì nào ?

Nội dung Phật giáo là bao la rộng rãi. Tuy không phải là khoa học nhưng không phản lại khoa học, tuy không phải là triết học nhưng siêu việt học, tuy không phải là văn học, nhưng lại có văn học, tuy không phải là mỹ học, nhưng sáng tạo và biến đổi cả mỹ học; tuy không phải là tôn giáo, nhưng không thiếu tố chất tôn giáo.

Chúng ta tu học Phật pháp, nên chọn tôn phái gần gũi với căn tính của mình, tôn phái mà mình cảm thấy hứng thú, dùng tôn phái đó làm phương tiện nhập môn. Trong 8 tông Đại thừa của Trung Quốc, thì Duy Thức gần gũi với khoa học, Tam Luận gần triết học, Hoa Nghiêm, Thiên Thai gần văn học, Chân Ngôn, Tịnh Độ gần mỹ học. Còn Thiền tông là cốt lõi trung tâm của Phật pháp, vì vậy mà đại sư Thái Hư nói : “Đặc chất của Phật giáo Trung Quốc là thiền”. Bất cứ một tông phái nào cũng đều có thể quy về tinh thần Thiền. Còn Luật tông là cơ sở của toàn bộ Phật giáo. Tầm quan trọng của nó đối với toàn bộ đạo Phật cũng giống như “Lục pháp toàn thơ” đối với nước Trung Quóc vậy. Vì vậy, nghiêm túc mà nói, Luật tông không nên lập thành tông phái riêng. Luật tông nên thuộc về tất cả các tông; còn nói về tố chất tôn giáo thì tông phái nào cũng có.

Ở Trung Quốc, từ cuối đời nhà Đường về sau, Thiền tông đặc biệt hưng thịnh. Sau đó Thiền Tịnh hợp nhất lại. Gần đây, Thiền Tông có 2 đại sư là Ký Thiền và Hư Vân Tịnh độ tông có ngài Ấn Quang. Luật tông có ngài Hoằng Nhất. Thiên Thai có ngài Đế Nhàn, Hoa Nghiêm có ngài Nguyệt Hà. Duy Thức có ngài Âu Dương Kính Vô (Tiệm).

Thế nhưng, đại thể mà nói, trong dân gian, hai phái Thiền và Tịnh có ảnh hưởng mạnh nhất. Còn trong giới học thuật thì ảnh hưởng của Tông Duy Thức tương đối lớn. Mật Tông tuy cũng thịnh hành, nhưng rất tạp loạn.

Đáng chú ý nhất là việc làm của đại sư Thái Hư và các học trò của ông. Họ không câu nệ vào một tông, một phái, mà dựa vào tinh thần cơ bản của Phật pháp, xem xét lại các tông phái, phá bỏ giới hạn giữa các tông phái, trả mỗi tông phái về địa vị vốn có của nó. Đại sư Thái Hư dùng 3 hệ thống lớn, thâu nhiếp các tông phái Đại thừa; tức là :

– Pháp tướng duy thức tông

– Pháp tính không tuệ tông

– Pháp giới viên giác tông

Do đó, trừ 2 tông Duy Thức và Tam Luận ra [mỗi tông thành một hệ], các tông phái còn lại đều thuộc về pháp giới viên giác tông. Học trò Thái Hư là pháp sư Ấn Thuận sửa đổi lại 3 hệ của Thái Hư như sau :

– Tính không duy danh luận

– Hư vọng duy thực luận

– Chân thường duy tâm luận

Đại sư Thái Hư cho rằng Pháp giới viên giác là hoàn thiện nhất. Pháp sư Ấn Thuận cho rằng Tính không duy danh là rốt ráo nhất. Thái Hư cả đời đề cao Khởi tín luận và kinh Lăng Nghiêm. Ấn Thuận thì dựa vào giáo nghĩa các bộ A Hàm, quán triệt tư tưởng không của Bát Nhã. Mọi người nói ông theo Tam Luận tông, nhưng ông cho là không phải, bởi vì Tam Luận tông của Trung Quốc chịu sự chi phối của tư tưởng Trung Quốc; không còn có sắc thái không tôn của Ấn Độ nữa.

Sự thực, dù là gọi bằng danh từ nào, hay là đặt ở chỗ nào thì hoa thơm vẫn là hoa thơm; các bậc cổ đức xưa nay phán giáo hay nhiếp giáo, đều chỉ nhằm giúp mọi người hiểu rõ nội dung của Phật pháp, phương pháp và hệ thống của sự nghiên cứu mà thôi. Nếu đã muốn tu học, đã bắt tay tu tập thì “các phái đều dẫn đến Niết Bàn”. Bởi vì trong Phật pháp, chỉ có sự khác biệt về sâu hay nông, thiên lệch hay là tròn đầy, chứ không chuyện thị hay phi, tốt hay xấu. Nông chính là cơ sở của sâu; sâu là do từ nông tiến lên. Thiên lệch là bộ phận của tròn đầy; tròn đầy chính là sự tổng hợp của mọi cái thiên lệch; thế nhưng đã bắt tay nghiên cứu thì đường hướng phải phân minh; vì vậy mà phải có phán giáo và nhiếp giáo.

Thế nhưng, đến nay, chúng ta cần chú ý là tám tông phái Đại thừa đã rút xuống thành ba tông. Ranh giới giữa tám tông đã bị xóa bỏ; cả đến giới hạn giữa Đại thừa và Tiểu thừa cũng không còn tồn tại. Toàn bộ Phật giáo đã thống nhất lại. Nếu có một người nào đó muốn tu theo một lòng, một phái với hy vọng trở thành Tổ sư thuộc thế hệ mấy đời của Tông phái mình thì đó quả là chuyện không cần thiết.

Trên thực tế, các cao tăng đời trước, không phải người nào cũng là Tổ sư của các tông phái, và dù cho môn đệ của ông ta có ghi tên ông vào sách “Tự pháp môn nhân” [Học tu được truyền pháp] thì ông ta cũng không chắc là một cao tăng có chứng ngộ. Còn sự phân biệt Đại thừa và Tiều thừa cũng không được Thượng tọa Bộ Phật giáo Nam truyền hoan nghênh. Người Trung Quốc gọi họ là Tiểu thừa, thì họ nói Đại thừa không phải là Phật giáo – Cái lối chia thành các khúc sông ra để uống nước như vậy, không thể gọi là hợp lý được.

Đương nhiên, đối với một người mới vào đạo Phật, hay là chuẩn bị vào đạo Phật thì việc lựa chọn là cần thiết. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì Tỳ kheo và tỳ kheo ni mới xuất gia trước hết phải học Luật nghi của Tăng Ni, nhưng không cần thiết phải tham gia Luật tông. Cư sĩ tại gia lớn tuổi nên chuyên tâm niệm Phật, nhưng cũng không cần thiết phải dựa vào Tịnh Độ tông; cũng bất tất phải niệm danh hiệu Phật A Di Đà; bởi vì còn có Phật Di Lặc ở nội viện Đâu Xuất, Phật Dược Sư và Phật A Sơ ở phương Đông v.v… còn nếu các vị muốn tiếp cận Phật giáo về mặt tư tưởng học thuật, thì nên nghiên cứu hai hệ tư tưởng lớn “Bát Nhã không” và “Duy Thức hữu”, bao hàm nhiều chân giá trị tư tưởng phong phú xứng đáng được tìm hiểu khai thác.

Đứng về hành trình tu học đạo mà nói, có thể chia làm hai loại : Một loại là đạo khó thực hành, một loại là đạo dễ thực hành. Thế nào là đạo khó thực hành ? Từ khi mới phát Bồ đề tâm, từ đời này qua đời khác, hành Bồ Tát đạo, hy sinh bản thân mình để cứu độ chúng sinh. Đó là dựa vào nguyện lực của tự thân, tiến hành công tác độ sinh từ kiếp này sang kiếp khác. Đó là con đường tu hành phi thường gian khổ; nếu nguyện lực không đủ kiên cường, thì tái tam ba bận, nửa đường thoái lui. Nhưng nếu so với hành trình của những người theo đạo dễ thực hành, thì hành trình nói trên lại nhanh chóng đưa người tu hành đến quả vị Phật hơn. Đạo dễ thực hành là con đường tu hành cầu vãng sinh vào các cõi Phật (Tịnh độ) hình thành nhờ nguyện lực của chư Phật, đi bồi dưỡng trí tuệ của mình, tức là vẫn giữ thân phận phàm phu mà vãng sinh về cõi Phật rồi ở cõi Phật mà bồi dưỡng trí tuệ, dần dần đạt trình độ “bất thoái” cho tới quả vị Thánh; sau đó mới trở lại phàm giới, hành đạo Bồ Tát, độ khắp chúng sinh. Hành đạo theo lối này thì tương đối an toàn vững chắc, nhưng lại chậm chạp đi vòng.

Người không có lòng tự tín, hay là đức tin và nguyện lực không đủ kiên quyết, thì tốt nhất nên tu đạo dễ hành.

Giá trị tôn giáo và tác dụng của đạo dễ hành có thể nói là tương đương với phép tu cầu lên Thiên đàng của đạo Gia Tô; tuy rằng nội dung phép tu hai bên có khác nhau, thế nhưng cả hai bên đều nhấn mạnh đức tin. Hơn nữa, đạo Gia Tô nói “tin tưởng, hi vọng, tình thương”, Phật giáo thì nhấn mạnh “niềm tin, phát nguyện, hành động”; đạo Phật và đạo Gia Tô đều nói thế ba chân của một cái vạc như vậy. Còn Phật giáo thì lấy sức mạnh của bản thân chúng sinh, cảm thông với chư Phật để được sinh vào cõi Phật, cùng ở với Phật. Vì vậy, ngoại trừ niềm tin mù quáng ra, còn có sự cần thiết phải thuận theo nguyện lực của chư Phật, mới có thể vãng sinh xứ Phật. Về điểm này, hiện nay, những người niệm Phật cầu vãng sinh về cõi Phật rất ít chú ý; đồng thời, khi chúng ta tu học Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn dễ tu, chúng ta phải biểu hiện lòng chí thành khẩn thiết trong lời nói và hành vi sinh hoạt hàng ngày. Chúng sinh ở cõi Phật, có ý nghĩ, lời nói và hành động đều trong sạch. Chúng ta làm phàm phu, không thể tuyệt đối thanh tịnh được thì cũng phải cố gắng hết sức giữ thân tâm thanh tịnh, tức là giữ năm giới mười thiện. Nếu tâm cần vãng sinh cõi Phật mà thân hành lại không trong sạch thì hy vọng khi lâm chung được vãng sinh cõi Phật thì đó là chuyện còn rất đáng ngờ !

Bản chất của đạo Phật là coi trọng trí tuệ, nhưng đứng trên lập trường tôn giáo mà nói, trí tuệ không phải chỉ là phương pháp nhập đạo mà là mục đích của việc tu học Phật Pháp. Cố nhiên, có người tiến từ hiểu biết đến tín ngưỡng và hành động thực tiễn; nhưng lại có một số người đông hơn, tin Phật, học Phật, mà không trải qua sự khảo nghiệm của hiểu biết giáo nghĩa, và chỉ qua thực tiễn của tín, nguyện, hành mà cũng đạt được mục đích như mong cầu. Bản thân tín, nguyện, hạnh lại không cần có sự hỗ trợ của hiểu biết bằng trí tuệ. Do đó, những người không hiểu giáo nghĩa, hay là không có khả năng lãnh hội giáo nghĩa, cũng có thể tin Phật, học Phật. Tuy họ không hiểu giáo nghĩa, nhưng vẫn đạt được ích lợi thực tế của tín ngưỡng tôn giáo; cùng người tu Tịnh độ có đủ cả 3 loại trình độ cao thấp và trung bình thậm chí cũng có người học rất giỏi, thế nhưng về đại thể mà nói, thì việc tu học pháp môn Tịnh độ thuộc loại hình pháp môn dễ tu, dễ hành. Lại như Thiền tông Trung Hoa chủ trương “bất lập văn tự”, chủ trương “triệt đường ngôn  ngữ, bỏ hết tư duy”. Thiền tông không đòi hỏi tri thức phong phú, chỉ nhờ siêng năng tu hành, mà có được ánh sáng trí tuệ, được “khai ngộ”. Chính vì vậy mà Thiền tông thích hợp với người Trung Quốc không cần “hiểu biết sâu”, chú trọng thực tiễn. Thiền tông không phải là mê tín. Trong ngữ lục của các cao tăng thuộc Thiền tông, không một chữ, một lời nào không phải là kết tinh của trí tuệ !

Vì vậy, hai tông Thiền và Tịnh là hai tông được người Trung Quốc hoan nghênh nhất từ hơn 1000 năm nay; chúng không đòi hỏi một sự hiểu biết giáo nghĩa sâu sắc để nhập đạo, thế nhưng cũng do vậy mà sinh ra một số tệ lậu, khiến cho một số người trình độ thấp, tu học mù quáng, tự cho rằng chỉ có mình là đúng, còn mọi người khác đều sai tất cả !