Phật Giáo có chủ trương khổ hạnh?

0
225

Trước khi giải đáp vấn đề này, hãy nên làm rõ nghĩa hai chữ “khổ hạnh”. Thông thường người ta hiểu khổ hạnh là dùng phương pháp tự làm khổ mình để đạt mục đích giải thoát. Đứng về nguyên tắc mà nói thì không sai, nhưng đứng về xuất phát điểm mà nói thì sự khác biệt lớn. Có người làm khổ mình một cách mù quáng, có người làm khổ mình vì lý tưởng. Kẻ tự làm khổ mình một cách mù quáng, vừa không có căn cứ lý luận, vừa không có mục đích nhất định, cũng giống như kẻ luyện cát để làm dầu mỏ. Vậy trong số những người tự làm khổ mình vì lý tưởng cũng nên phân biệt : Có người chỉ là mê tín, có người hành động dựa vào lý tính. Có người mê tín tu khổ hạnh thì cho rằng nếu giữ giới làm trâu ăn cỏ, làm chó ăn phân, làm cá tắm mình luôn luôn dưới nước, thì sau khi chết, sẽ được sinh lên các cõi Trời. Nhưng người tu khổ hạnh có lý tính cũng chia làm 2 loại : Một loại dùng phương pháp tu trì hợp lý để mình được giải thoát. Một loại lợi dụng thân tâm như là phương tiện để giải thoát khỏi cái Ta, để hỗ trợ người khác (chúng sinh) cùng được giải thoát.

Ngoài phương pháp khổ hạnh có lý tính ra các phương pháp khác đều là khổ hạnh ngoại đạo.

Có những người gần đây cho rằng, Phật giáo không chủ trương khổ hạnh, cho rằng Phật giáo chủ trương lập trường Trung đạo, điều hòa vui và khổ. Đúng là Phật Thích Ca thành Phật, là sau khi từ bỏ lối tu 6 năm khổ hành, phục hồi sức khỏe lại cho thân thể đã bị suy nhược [Tăng nhất A Hàm, Tăng thượng phẩm]. Bất quá, chúng ta cần thấy rõ, Phật đã bỏ lối tu khổ hạnh mù quáng và mê tín, nhưng lại nhấn mạnh lối tu khổ hạnh có lý tính. Lối tu khổ hạnh của Tiểu thừa là nhằm giải thoát cho bản thân mình, còn hỗ trợ cho chúng sinh cùng giải thoát là khổ hạnh của Đại thừa.

Vì vậy, trong Trường A Hàm, quyển 8, có đoạn văn như sau :

Phật nói với Bà la môn Ni Câu Đà : “Điều các Người thực hành là thô lậu đê tiện, bỏ hết quần áo sống lõa lồ, lấy tay che; ăn phân bò, hay phân hươu, hay rễ cây, cành lá, trái quả. Có người giơ tay lên, hoặc không ngồi giường, chỉ quỳ gối, hoặc có người nằm trên gai góc, hoặc có người nằm lõa lồ giữa đống phân bò. Có người một ngày tắm 3 lần, hay một đêm tắm 3 lần, chịu thống khổ vô lượng, đầy đọa thân xác này…”.

Những loại khổ hạnh như vậy đều bị Phật cực lực phản đối, bởi vì làm như vậy, chỉ làm khổ thân xác mà không được lợi ích gì. Đã không tu thân, nuôi dưỡng sự sống được, cũng không tu tâm nhập định được, còn nói gì tu hành, đem lợi ích cho người khác. Tiếp theo đó, Phật giảng về lối sống khổ hạnh của Phật giáo cho Bà la môn Ni Câu Đà : “… Khi được cúng dường, thì cung kỉnh lễ. Được cúng dường rồi, tâm không tham đắm, hiểu rõ phương pháp viễn ly xuất thế. Nghe người khác nói chính nghĩa thì hoan hỷ tán đồng, không tự khen mình, không hủy báng người khác. Không sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói chia rẽ, nói ác, nói dối, nói lời vô nghĩa, không tham lam, ghen tị, tà kiến… tinh tấn không ngừng, khéo tập thiền định, siêng tu hành, bồi dưỡng trí tuệ, không kiêu căng tự đại… thường giữ tín nghĩa, thường xuyên tự phản tỉnh, giữ giới trong sạch, chịu khó học hỏi, thường làm bạn với người thiện, làm việc thiện lành không ngừng, không tức giận, không dối trá, không cho rằng mọi ý kiến của mình là đúng, không nói khuyết điểm của người khác, không có tà kiến (không tin lý nhân quả là tà kiến), cũng không có biên kiến (không có quan điểm trong đạo đức là biên kiến, như tin rằng có linh hồn vĩnh hằng bất biến, và cho rằng, chết là hết tất cả). Đó chính là phương pháp khổ hạnh thanh tịnh”.

Chúng ta đọc đoạn văn kinh nói trên, cảm thấy thân thiết vô hạn; nội dung của nó không có gì ngoài giới, định, tuệ là pháp giải thoát, đồng thời cũng là pháp xử thế trong nhân gian, và còn là pháp môn cầu giải thoát theo lý tính. Các kinh Đại thừa lại càng khuyến khích bố thí lớn, xả bỏ lớn, chịu nhẫn nhục những điều khó nhẫn nhục, làm những việc thiện khó làm; có thể hy sinh tất cả để cứu độ chúng sinh, và còn phát nguyện sống đời này qua đời khác, hy sinh mình để cứu độ chúng sinh, thậm chí làm đến mức “Trong tam thiên đại thiên thế giới, không có hạt bụi nào không phải là nơi xả thân mạng của Bồ Tát”. Hành Bồ Tát như vậy phải chăng là pháp khổ hạnh vĩ đại ?

Vì vậy, đã là Phật tử chính tín thì phải biết chế ngự thân tâm, siêng năng khắc khổ, đối với người thì hậu, tự mình sống thì đạm bạc; chỉ có hạn chế đời sống vật dục mới đề cao được cuộc sống tinh thần, siêng năng tu đạo, làm cho sự nghiệp Phật giáo phát triển, cống hiến cho lợi ích của đại chúng, phát nguyện lớn, phục vụ cho toàn nhân loại, làm người bạn sẵn sàng của mọi chúng sinh, thậm chí hy sinh cả tự thân để cứu độ chúng sinh. Đó là khổ hạnh của Phật giáo. Nếu có người cho rằng, nhịn ăn cơm, không chịu sống như con người bình thường, làm các công việc kỳ lạ, kỳ quái, thì đó không phải là khổ hạnh của Phật giáo mà là khổ hạnh của ngoại đạo