Phật Giáo tin có Diêm Vương hay không?

0
225

Về đại thể mà nói, Phật giáo tin có Diêm Vương. Vì trong nhiều kinh Phật, có nói tới Diêm Vương (như kinh Thiên sứ quyển 12 Trung A Hàm).

Nhưng Diêm Vương không phải là do Phật giáo đầu tiên phát hiện ra; Phật giáo chỉ tiếp thu và “Phật giáo hóa” quan niệm về Diêm Vương của tôn giáo Ấn Độ cổ đại.

Trong sách Vệ Đà xưa, vũ trụ được chia thành 3 giới là Trời, Hư không và Đất. Thiên giới có Thiên Thần. Hư không giới có Hư không thần; Địa giới có Địa thần. Khái niệm tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) của Phật giáo có thể đã chịu ảnh hưởng của thuyết 3 giới của tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Sách Vệ Đà gọi Diêm Vương là Yama (Dạ Ma). Dạ Ma vốn là một thiên thần, về sau biến thành ông tổ đầu tiên của loài người, và cũng là người chết đầu tiên, nhưng lại sống ở trên cõi trời. Vì vậy, sách Rig-veda (Lê Câu Phệ Đà) nói, sau khi con người chết, phải lên Trời trình diện với thần Dạ Ma và ông thần Tư pháp là Baluna. Về sau, sách Atharvaveda (A Thát Bà Phệ Đà) nói Thần Dạ Ma cải quản những người chết, và có quyền phán xử đối với người chết. Thần Dạ Ma ở trên trời có điểm giống với thượng đế của Gia Tô giáo; đến Phật giáo thì có sự phân biệt giữa thần Dạ Ma ở trên cõi Trời (tức cõi Trời thứ 3 của Dục giới) với vua Diêm Vương ở địa ngục.

Diêm Vương có quyền thẩm vấn, xét xử những người đã chết. Địa vị của Diêm Vương ở địa ngục tương đương với địa vị của Thượng Đế ở trên các cõi Trời. Phật giáo đã không sùng bái Thượng Đế, tất nhiên cũng không sùng bái Diêm Vương. Đồng thời, tuy rằng đạo Phật tùy theo thế tục, để phương tiện giáo hóa chúng sinh mà cũng tin có Diêm Vương tồn tại, nhưng về bản chất, không thừa nhận Diêm Vương có tính độc lập, cho nên có bộ phái Phật giáo cho rằng Diêm Vương và ngục tối đều do cảm ứng của nghiệp lực chúng sinh mà tồn tại, là do tâm thức của chúng sinh ở địa ngục hiện ra (duy thức hiện).

Lại nói, Phật giáo chính tín cũng không tin rằng, người ta chết rồi, bị Diêm Vương xử tội; chỉ thừa nhận có các cõi sống như cõi Địa ngục và cõi quỷ có quan hệ với Diêm Vương. Còn việc Diêm Vương sai ngục tốt đến bắt bớ người sắp chết, chỉ là truyền thuyết dân gian. Trên quan điểm duy thức, Phật giáo cũng không bác bỏ truyền thuyết đó, đó là do tâm thức biểu hiện, cho nên sách Phật cũng chép những truyện tương tự như thế.

Đời nhà Thanh, ông Kỷ Hiểu Lam trong sách bút ký của ông nói rằng, tin nhưng không hiểu chuyện Diêm Vương và ngục tối. Ông nói thế giới rất to lớn, có người ở trong nước ở ngoài nước, ở phương Đông và phương Tây, vì sao chỉ có tin tức về người Trung Quốc từ ở cõi âm trở về, không thấy có những người khác ? Phải chăng cõi âm của Trung Quốc và cõi âm của ngoại quốc là 2 thế giới khác nhau ? Thực ra, nếu ông Kỷ Hiểu Lam hiểu được đạo lý “Duy thức biểu hiện” của Phật giáo thì sẽ hết nghi. Trong nội tâm của người Trung Quốc, chỉ tồn tại mô hình cõi âm của người Trung Quốc mà thôi, làm sao có thể hiện ra mô hình cõi âm của Liên hiệp quốc được !