Phật Giáo có tin Thiên Đường và Địa Ngục hay không?

0
188

Có tin, Phật giáo không hoài nghi có tồn tại thiên đường và địa ngục, bởi vì thiên đường, địa ngục đều cùng nằm trong phạm vi luân hồi, sinh tử. Phật giáo cho rằng, con người khi chưa thoát khỏi giới hạn của sinh tử luân hồi thì vẫn có khả năng thực nghiệm thiên đường và địa ngục, thậm chí có thể nói, mọi người đều đã từng sống qua ở thiên đường và địa ngục. Sống theo 5 giới và 10 thiện ở cấp cao thì sẽ sinh ở thiên đường. Phạm các tội lớn như 10 ác, 5 nghịch thì đọa địa ngục. Chịu khổ báo hết rồi, chúng sinh ở địa ngục vẫn có thể sinh lên thiên đường. Ở thiên đường, hưởng phúc báo hết rồi, chúng sinh ở thiên đường lại có thể xuống địa ngục. Vì vậy, Phật giáo cho rằng thiên đường tuy là cảnh giới sung sướng, nhưng không phải là nơi an lạc cứu kính, địa ngục tuy là cảnh giới khổ, nhưng cũng có ngày thoát khổ.

Đồng thời, tu thiện nghiệp có cao thấp khác nhau, cho nên thiên đường cũng có thứ bậc. Do ác nghiệp cũng có nặng nhẹ khác nhau, cho nên địa ngục cũng có đẳng cấp.

Thiên đường của Phật giáo chi làm 28 cõi Trời, thuộc 3 giới. Có sáu cõi Trời Dục giới, gần gũi với cõi người. Cao hơn nữa, có 18 cõi Trời thuộc Sắc giới. Và ở trên Sắc giới, có 4 cõi Trời thuộc Vô sắc giới. Trên sự thực, làm người mà tu thiện nghiệp chỉ có thể sinh ở 6 cõi trời và Dục giới. Trong các cõi Trời thuộc Sắc giới, trừ cõi trời Tịnh cư thiên ở Sắc giới, còn thì tất cả các cõi trời khác đều là những cảnh giới thiền định, do tu thiền mà đạt được.

Địa ngục trong Phật giáo, lớn nhỏ có rất nhiều, không kể xiết, do khổ báo của chúng sinh ở địa ngục có khác biệt, chủ yếu phân thành 3 loại địa ngục lớn : Căn bản địa ngục, cận biên địa ngục và cô độc địa ngục. Loại địa ngục thường được nói tới trong kinh Phật là căn bản địa ngục. Căn bản địa ngục lại chia thành tám địa ngục đại nhiệt (nóng dữ) và tám địa ngục đại hàn (lạnh giá). Chúng sinh, tùy theo tội ác đã phạm mà đọa vào các cấp địa ngục khác nhau. Người thế gian nói rằng, người làm ác bị quỷ sứ ở địa ngục bắt trói nhưng thực ra, lên thiên đường hay xuống địa ngục, đều do nghiệp lực thúc đẩy, dắt dẫn. Nghiệp lực hướng lên các cõi trời thì được sinh lên các cõi trời để hưởng phúc. Nghiệp lực hướng xuống địa ngục, thì đọa xuống các địa ngục để chịu khổ