Chữ vạn có ý nghĩa gì ?

0
249

Chữ Vạn là một trong 32 tướng tốt của Phật. Theo kinh “Trường A Hàm” thì đó là tướng tốt thứ 16 nằm trước ngực của Phật. “Đại Tất Già ni càn tử sở thuyết kinh” quyển 6 nói đó là tướng tốt thứ 80 của Thế Tôn Thích Ca, nằm trước ngực. Trong “Thập địa kinh luận” quyển 12 có nói, khi Bồ Tát Thích Ca chưa thành Phật, giữa ngực có tướng chữ Vạn kim cương, biểu thị công đức trang nghiêm. Đó chính là tướng công đức trước ngực mà người ta thường nói. Nhưng “Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm” quyển 3 có nói đầu tóc của Phật cũng có 5 tướng chữ Vạn. Trong “Hữu bộ Tỳ nại Da tạp sự” quyển 29 nói : Ở lưng của Phật cũng có tướng chữ Vạn. Chữ Vạn chỉ là phù hiệu mà không phải là chữ viết. Nó biểu thị điềm lành tuyệt diệu không gì so sánh được, gọi là điềm lành hải vân. Vì vậy, trong kinh “Đại Bát Nhã” quyển 381 nói rằng : chân tay và trước ngực của Phật đều có “Cát tướng hỷ toàn” để biểu thị công đức của Phật.

Phù hiệu chữ Vạn có chữ ngoặc sang bên phải, có chữ ngoặc sang bên trái. Theo “Tuệ lâm âm nghĩa” quyển 21. “Tuệ Uyển âm nghĩa” và kinh “Hoa Nghiêm” thì tất cả có 17 chỗ nói tới hình chữ Vạn ngoặc sang bên phải. Trong cuốn “Đà La Ni tập kinh” quyển thứ 10 có in tượng “Ma Lợi chi Thiên” tay cầm quạt vẽ hình chữ vạn ngoặc sang bên trái, còn có hình chữ Vạn dưới chân Phật Dược Sư ở chùa Dược Sư Na Ra Nhật Bản cũng ngoặc về bên trái. Nhưng hình vẽ phần lớn là ngoặc về bên phải. Thời kỳ xa xưa, các giáo chủ Ấn Độ giáo, như Tỳ Thấp-Nô-Cập-Khắc-Lợi Tân-Na đều có hình chữ vạn trên ngực. Theo truyền thuyết Ấn Độ cổ, phàm là những Thánh vương chuyển luân cai trị thế giới đều có 32 tướng tốt. Phật là một thánh vương trong Pháp cho nên cũng có 32 tướng tốt. Điều này đã được ghi trong kinh “Kim Cương Bát Nhã”.

Gần đây, thỉnh thoảng có sự tranh luận về chữ Vạn ngoặc sang phải hay ngoặc sang trái, đại đa số đều cho rằng ngoặc sang phải là đúng, ngoặc sang trái là sai. Nhất là trong những năm 40 của thế kỷ 20, Hít-le của Châu Âu cũng dùng hình chữ Vạn để làm phù hiệu cho chủ nghĩa quốc xã. Sau đó thì có nhiều cuộc tranh luận hơn, có người nói, Hít-le dùng chữ Vạn ngoặc bên trái, Phật giáo dùng chữ Vạn ngoặc sang bên phải. Thực ra thì ở thời đại Vũ Hậu Tắc Thiên đời Đường đã có chữ Vạn rồi, đọc là chữ “Nhật” tượng trưng cho “mặt trời”, chữ ấy ngoặc sang bên trái. Hít-le dùng chữ Vạn hình góc nghiêng, Phật giáo dùng chữ hình vuông. Còn Ấn Độ giáo thì lấy chữ ngoặc sang bên phải biểu thị thần nam giới, ngoặc sang bên trái biểu thị thần nữ giới, còn Đạo Lạt-Ma ở Tây Tạng thì dùng chữ ngoặc sang bên phải, đạo Bon-pa thì dùng chữ ngoặc sang bên trái.

Căn cứ vào công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Quang Đảo Đốc ở trường đại học Quốc Sĩ Quán Nhật Bản thì chữ Vạn vốn không phải là chữ viết, bắt đầu từ thế kỷ 8 trước Công Nguyên đã thấy ghi trong đạo Bà-la-môn ở lồng ngực của thần chú Tỳ Thấp Noa với ký hiệu là vátsa, chứ không phải là chữ viết, cho tới bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên mới được dùng trong kinh Phật. Đến thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên lại đổi tên là svastiko, vốn là tướng hình trôn ốc túm lông đầu con trâu, lại biến thành lông ngực của thần chủ Tỳ Thấp Noa, sau đó trở thành một trong 16 tướng tốt, rồi lại thành một trong 32 tướng tốt.

Tóm lại, trong Phật giáo, dù là ngoặc sang bên phải hay ngoặc sang bên trái, chữ Vạn đều dùng để tượng trưng trí tuệ và lòng từ bi vô hạn của Phật. Chữ Vạn ngoặc ra hai bên biểu thị sự vận động vô hạn của Phật lực, kéo dài vô hạn tới bốn phương, mở rộng vô cùng tận, luôn luôn không ngừng tế độ chúng sinh vô lượng ở thập phương, cho nên cũng chẳng nên chấp hình chữ Vạn ngoặc phải hay ngoặc trái