Vô thần là một danh từ chuyên môn của môn tôn giáo học. Có hai loại vô thần luận, một là duy vật vô thần luận, hai là Phật giáo vô thần luận.
Duy vật vô thần luận phủ nhận mọi sự tồn tại độc lập của tinh thần, cũng không tin có thế giới quỷ thần, còn vô thần luận của Phật giáo thì cho rằng mọi pháp đều do nhân duyên sinh tạo thành. Phật giáo thừa nhận có quỷ thần, có tinh thần, nhưng không công nhận có một vị thần duy nhất, tối sơ mà cũng là tối hậu, toàn trí toàn năng làm chúa tể và sáng tạo ra vũ trụ, như Nhất thần giáo chủ trương.
Môn tôn giáo phân biệt thành những tín ngưỡng đa thần, nhiều thần nhất thần, nhị thần và vô thần.
Tín ngưỡng đa thần là tín ngưỡng dân gian nói chung, không có tổ chức, không có hệ thống, là hình thái tôn giáo của dân tộc nguyên thủy, là hình thái tôn giáo có tính địa phương. Tỉ dụ, ở Trung Quốc các vị thần dân gian chia làm thần địa phương, thần quốc gia. Thần địa phương lại chia làm thần tổ tiên và thần tự nhiên. Danh hiệu và tướng mạo các vị thần này có thể khác biệt tùy theo thời đại và địa phương. Còn các vị thần quốc gia là các vị thần nguyên tố của cả nước, cả dân tộc, hoặc là thần núi, thần sông, thần mặt trăng, thần mặt trời.
Tín ngưỡng nhị thần chia thiện và ác thành hai thế lực. Lúc đầu là hai dân tộc chống đối nhau. Dân tộc này gọi thần của dân tộc chống mình là ác thần, và tôn xưng thần của dân tộc mình là thiện thần. Về sau khi hai dân tộc đó thống nhất lại rồi thì họ gọi ác thần là ma, và suy tôn thiện thần là thượng đế. Trên thế giới chỉ có Ba Tư giáo là vừa sùng bái ma quỷ, vừa sùng bái Thượng đế. Cơ-đốc giáo thì tin rằng cả Thượng đế và ma quỷ đều tồn tại vĩnh cửu, nhưng chỉ sùng bái Thượng đế mà không sùng bái ma quỷ. Nói tóm lại tức là có nội dung nhị thần giáo, nhưng lại theo hình thức Nhất thần giáo.
Nhất thần giáo cho rằng vạn vật là do một vị Thần sáng tạo ra, khống chế, hủy diệt, đó là vị thần có quyền năng lớn, làm chủ tế vạn vật, như ở Trung Quốc gọi là đấng tạo vật. Tuy rằng, Cơ-đốc giáo tin có Thiên sứ, Thiên nữ, Thiền thần, nhưng đều là bộ thuộc của vị Thượng đế duy nhất, chứ không thể là người kế vị Thượng đế hay là bình đẳng với Thượng đế được.
Phiếm thần là một khái niệm triết học. Đó là bản thể của vũ trụ, là phép tự nhiên, không có nhân cách, là nơi sinh ra và quy về của vạn vật. Thần không thể có ý chí để thương người. Người lại có trách nhiệm và nghĩa vụ phục tùng và kính yêu thần.
Về thuyết vô thần thì như đã nói ở trên, có hai thuyết vô thần. Một là thuyết duy vật vô thần, cho rằng mọi hiện tượng nhân sinh vũ trụ đều do vật chất vận hành sinh ra, ngoài hoạt động của vật chất ra không có một linh thể nào có thể tách rời vật chất mà tồn tại được. Con người trước khi sinh ra, không có quá khứ, sau khi chết đi cũng không có vị lai. Mà nếu có chăng nữa thì cũng chỉ là những dạng vật chất di truyền hay là tàn dư mà thôi. Đối với cá nhân người mà nói, người chết cũng như ngọn đèn tắt vậy. Nếu thừa nhận con người đó, trong thế gian có phát huy ảnh hưởng tinh thần nhất định, như trong các lĩnh vực học thuật, chính trị, nghệ thuật v.v… thì ảnh hưởng đó lưu lại hậu thế, cũng là vật chất, chứ không phải tinh thần. Con người có thể nhớ tới cổ nhân, nhưng cổ nhân không biết rằng mình được nhớ tới, vì họ không còn tồn tại nữa. Nhớ cổ nhân không phải là để an ủi linh hồn họ mà là để tự động viên mình, động viên người làm được như cổ nhân.
Vô thần của Phật giáo đặt cơ sở trên thuyết mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên sinh, chúng sinh tồn tại là do quả báo của nghiệp do chính chúng sinh tạo ra. Chúng sinh tự mình tạo nghiệp, tự mình chịu báo. Số đông chúng sinh trong quá khứ tạo ra vô lượng, vô số kiếp. Vì nghiệp nhân giống nhau nên hoàn cảnh sống hiện nay như là giống nhau.
Thế giới chúng ta đang sống nằm trong phạm vi Thái dương hệ. Thế giới sinh ra là do nghiệp cảm của chúng sinh tạo ra cả, chứ không phải do một Thượng đế nào tạo ra.
Nhận thức về thần linh, nhu cầu về thần linh, thực tế là nhu cầu của người mà sinh ra cả. Phật giáo không công nhận có một vị thần toàn tri, nhưng Phật giáo không giống như Vô thần luận. Đối với người có đức tin thì có thần, có thể có một vị thần có uy lực lớn nữa, có phúc đức lớn nữa. Và có nhiều vị thần chứ không phải có một thần. Có những vị thần là loài trời ở thế giới khác đến. Những người tin theo nhất thần giáo hình dung vị thần của họ dưới những hình dạng khác nhau. Cái gọi là Nhất thần giáo, thực ra là do đa thần giáo “cải tiến thăng hoa” lên mà thôi.
Vô thần luận Phật giáo không phủ định tác dụng của tín ngưỡng đa thần, một vị thần hay hai thần v.v… nhưng cái khác là, đối với Phật giáo, thần cũng chỉ là một loại chúng sinh mà thôi. Vì vậy, trong các kinh “Hoa Nghiêm”, “Địa Tạng”, thậm chí cả “A Hàm” nữa đều nói tới quỷ thần. Phật giáo không phải chủ trương không có quỷ thần, mà chỉ phủ nhận không có một vị thần duy nhất, chúa tể và sáng tạo ra thế giới, vũ trụ