Tại sao nói sinh tử tức Niết bàn?

0
221

Sinh tử tức Niết bàn là một cách ngôn của tư tưởng Phật giáo phát triển. Nội dung của nó nhấn mạnh đến việc xây dựng Niết bàn tại nhân gian, hay nói khác hơn là sống đời sống Niết bàn tại con người sinh tử này và ngay tại thế giới sinh tử này. Đấy là một cảnh tỉnh cho những ai mang tư tưởng bi quan sai lầm rằng phải lìa bỏ thế gian mới có thể vào Niết bàn. Thực tế cho thấy rằng Đức Thế Tôn và các bậc Thánh A la hán đã sống đời sống Niết bàn giữa thế gian để làm lợi ích cho thế gian. Trong Phật giáo phát triển, các vị Bồ Tát còn phát nguyện liên tục tái sinh để hóa độ vạn loại hữu tình chúng sinh. Đấy là bi tâm vĩ đại của một bậc Thánh giả. Trên một bình diện khác, cũng cần hiểu rằng, lìa sinh tử thì không có Niết bàn, vì sinh tử là nền tảng mà qua đó Niết bàn được chứng nghiệm. Nói khác đi, Niết bàn là đời sống phúc lạc của sự giải thoát và tự do tuyệt đối; do đó hành giả sống Niết bàn luôn tự tại trong ba cõi.