Sám hối là gì ?

0
250

Từ Sám, trong Phạn ngữ (Sanskrit) được gọi là Ksamayati, tiếng Anh dịch là repentance—ăn năn, hối hận, Hán dịch là hối quá—hối hận vì những lỗi lầm đã làm (sám kỳ tiền khiên) và ăn năn chừa bỏ (hối kỳ hậu quá). Do vậy, trên căn bản, sám hối bao gồm hai phần: Sám—ăn năn lỗi cũ, và hối—nguyện chừa bỏ lỗi sau (tức là hứa với lòng mình rằng sẽ không tái phạm nữa). Nói một cách ngắn gọn khi bạn sám hối có nghĩa là bạn ý thức rằng mình đã làm điều lỗi lầm; do ý thức như vậy, bạn ăn năn và hẹn với lòng mình rằng mình sẽ không bao giờ tái phạm hay làm điều tội lỗi nữa. Đó là ý nghĩa căn bản của sám hối. Tuy nhiên, khi thực hiện nghi thức sám hối, bạn phải trang nghiêm thân và nhất tâm cầu sám hối trước ba ngôi Tam Bảo. Với lòng thành kính thực thụ của bạn, sau khi sám hối, ba nghiệp—thân, miệng, và ý—của bạn sẽ được thanh tịnh. Mức độ chí thành của bạn càng sâu thẳm chừng nào thì tâm của bạn sẽ được nhẹ nhàng chừng đó, bất kể khi sám hối bạn đối trước Tam Bảo hay đối diện với chính mình. Đức Phật dạy rằng trên đời có hai hạng người cao qúy: một là hạng người vô tội, sống thánh thiện và không phạm phải bất kỳ một lỗi lầm nào, dù nhỏ nhoi; một hạng khác, là người có ý thức về tội lỗi, có nghĩa là khi phạm lỗi thì biết ăn năn và chí thành sám hối.