Đốt Trầm Hương

0
174

Lời dẫn: Trong cuộc sống, những đồ dùng giá rẻ thì được mọi người mua nhiều, được nó rất dễ dàng; nhưng hàng cao cấp, đắt giá thì rất ít người mua. Con người có người giàu sang và kẻ nghèo hèn. Người nghèo qua lại với nhau thân thiện, gần gũi. Người giàu sang đi lại với nhau thật là khó.

Chúng tôi nói về học vấn, tri thức, tài nghệ. Có những môn học dễ thì khi đi làm kiếm tiền không được nhiều. Co những môn học khó thì giá trị đương nhiên cao hơn, và đi làm kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng thế gian có rất nhiều người khăng khăng thích làm việc dễ mà cãi nhau ồn ào. Họ không muốn làm việc khó nhọc tốn nhiều công sức.

Ngày xưa có một thương nhân muốn ra biển tìm châu báu, nên rủ rất nhiều người và tốn thời gian rất lâu mới đóng xong thuyền, lại chuẩn bị lương thực dùng trong hàng ngày. Họ xuất hành đi đến hải đảo rất xa. Họ đi tìm khắp mọi nơi thì phát hiện trên hải đảo có cây trầm hương. Thương nhân bảo mọi người đốn chặt những cây trầm hương ở trên đảo, chất đầy thuyền rồi mới trở về. Vừa về đến nhà, mọi người lập tức chở ra chợ bán; nhưng trải qua mấy ngày chẳng có người nào đến mua.

Một hôm, thương nhân thấy người bên cạnh bán than; anh ta bán rất đắt. Hắn nghĩ: “Tại sao chúng ta không đốt trầm hương thành than, để bán đắt như than?”. Do đó, hắn bảo những người bạn đem trầm hương đốt thành than. Quả nhiên, chỉ qua mấy ngày tất cả than trầm hương đều bán sạch, tất nhiên bán theo giá tiền than củi. Vậy mà, hắn đắc chí cho mình là người thông minh, mới nghĩ ra cách này.

Bài học đạo lý

Ở đời có những người được cha mẹ nuôi dưỡng suốt mấy mươi năm cực khổ, nhưng họ lại xem cha mẹ không ra gì. Lương tâm, bản tính của chúng ta, từ vô thỉ đến nay luân hồi trong sáu đường, bị năm dục phiền não che lấp; cho nên, tạo nghiệp luân hồi sinh tử, chịu rất nhiều khổ báo, thật không dễ gì gặp được Phật pháp khai thị phát tâm Bồ-đề. Nhưng chúng ta thường vì một chút lợi ích- vì kiếm vài đồng tiền mà bán rẻ lương tâm; chẳng phải là việc đáng tiếc hay sao?

Có những người rất muốn học tập, muốn học theo thánh hiền. Ban đầu, họ rất tinh tiến chuyên cần, hi vọng tương lai làm được việc lớn đem lại lợi ích cho xã hội. Nhưng chính nhân quân tử rất khó học, phải có đạo đức và nhân cách, có chí hướng rộng lớn và phải có tiết tháo thanh liêm, không tùy tiện v.v… rất khó làm được. Vì vậy, lâu ngày họ sinh ra chán nản, dần dần lười biếng, trở lại một người bình thường thích cặp bồ gái đẹp, cờ bạc, ăn chơi trác táng. Cần gì khép mình theo quy củ cho mệt?

Bởi vì trí thức, tư tưởng, nghề nghiệp của mọi người đều không giống nhau; cho nên cách nhìn sang-hèn của mỗi người cũng khác nhau. Cổ đức dạy: “Mỗi nghề nghiệp đều xuất hiện nhân tài”. Nguyên nhân thành công của mọi người rất nhiều, phương pháp làm việc cũng có sai khác, đối với mỗi sự việc đúng hay không đúng, quan niệm của mỗi người cũng có khi giống nhau. Có kẻ nói: “Một cân đạo đức giá bao nhiêu tiền?”. Có kẻ cho rằng: “Tâm thiện không thể làm ra cơm ăn, áo mặc”. Nhưng cũng có người thà hi sinh tính mạng để bảo vệ tiết tháo và đạo nghĩa.

Nghề nghiệp không có sang hèn, chỉ có tư tưởng và quan niệm của mỗi người mới là then chốt sang-hèn. Nếu như tư tưởng, quan niệm bất chấp đạo đức và nhân nghĩa thì làm bất cứ việc gì cũng là thấp hèn. Còn như tư tưởng, quan niệm cao thượng có tiết tháo thì việc gì cũng đều cao quý. Vì thế, làm người trước tiên phải có lòng tự trọng rồi sau mới được mọi người tôn trọng mình. Chúng tôi nói cách khác, tự mình thấp hèn rồi mới đến người thấp hèn. Việc này không phải lẽ bất di bất dịch hay sao?