Truyện ngắn của Phan Minh Đức (GNO).
Bà theo tôi vào thưa với thầy trụ trì.
Chú sa di Minh Nhẫn dẫn một người đàn bà độ ngoài sáu mươi, ăn mặc sang trọng, tay xách lồng chim vào trong đại sảnh. Có lẽ lần đầu tiên đến chùa nên bà ta có vẻ bỡ ngỡ; từ cổng tam quan vào, bà nhìn ngó khắp nơi xem chừng như mọi vật đều lạ mắt.
Vào đến đại sảnh, bà đặt cái lồng chim xuống rồi ngồi ở bàn tiếp khách. Phòng khách rộng lớn, không sang trọng lắm nhưng mọi vật đều ngăn nắp và được trang trí khá lịch sự. Trên tường cùng phía với bàn tiếp tân là bản kinh Pháp cú: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo” (Pháp cú I), “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình” (Pháp cú II). Người đàn bà chăm chú đọc mấy câu kinh, vẻ mặt trầm ngâm như suy nghĩ điều gì.
– A Di Đà Phật!
Tiếng thầy trụ trì cắt ngang dòng suy nghĩ của bà. Đứng dậy chắp tay, bà chào thầy trụ trì rồi nói:
– Thưa thầy, con muốn cầu siêu cho con trai con.
Thầy trụ trì mời bà ngồi xuống rồi nói:
– Bà có thể gởi tên tuổi con bà ở chùa, mỗi tối quý thầy tụng kinh cầu siêu cho nó.
– Ngày mai là thất thứ ba của nó, con muốn đem đến chùa làm lễ cầu siêu. Hôm nay con có mua chim để phóng sinh cầu siêu cho nó.
– Thế à, được vậy thì tốt lắm. Tôi sẽ hướng dẫn bà chuẩn bị mọi thứ cho buổi lễ ngày mai.
Thầy trụ trì nhìn cái lồng chim, không biết lũ chim bị nhốt từ lúc nào mà bây giờ đã cù rũ không con nào buồn kêu la. Thầy trụ trì hỏi:
– Bà định bao giờ phóng sinh?
Người đàn bà đáp:
– Con định chiều nay, lúc làm lễ khai kinh ạ.
Thầy trụ trì bảo:
– Chiều nay mới làm lễ, nhưng bây giờ lũ chim sắp chết rồi. Tôi nghĩ thả chúng bây giờ sẽ có phước hơn. Nếu muốn phóng sinh vào lúc làm lễ thì bà không nên mua sớm.
– Vậy không chú nguyện, không cầu siêu sao, thưa thầy? – Người đàn bà thắc mắc.
– Thả bây giờ nhưng tôi vẫn chú nguyện. Chú nguyện cho lũ chim và chú nguyện cho con bà. Đợi tới chiều thì chúng sẽ chết, chẳng những bà không được phước phóng sinh mà còn có tội giam cầm làm hại chúng. Nếu bà đã có lòng từ bi cứu mạng chúng thì bà đã tạo được phước báu rồi, chứ không phải đợi đến lúc thắp hương cầu khẩn mới có phước.
Nghe thầy trụ trì giải thích, người đàn bà vui vẻ vâng vâng dạ dạ theo lời.
Thầy trụ trì gọi chú Minh Nhẫn ra hướng dẫn người đàn bà mang lồng chim ra sau vườn chùa thả. Gọi mấy tiếng mà không thấy chú đâu cả, chỉ thấy ông tịnh nhân Viên Tánh từ ngoài hoa viên chạy vào. Viên Tánh là người coi sóc vườn chùa, nghe thầy trụ trì gọi mấy tiếng mà chẳng có ai lên tiếng đáp lại, nên chạy vào xem thầy có nhờ việc gì không.
Viên Tánh tuổi ngoài năm mươi, vốn là người trong làng, nhà ở cách chùa không xa lắm. Ông bỗng trở nên ngây ngô ngớ ngẩn sau một biến cố gia đình, rồi từ đó bỏ nhà xin vào chùa ở. Chư Tăng trong chùa làm việc ông cũng theo làm việc, chư Tăng tụng kinh ông cũng theo tụng kinh, chư Tăng ngồi thiền ông cũng bắt chước ngồi thiền, bất luận việc gì ông cũng làm y theo Tăng chúng. Có người nói chắc ông muốn đi tu, nhưng ông khật khờ thì làm sao cho xuất gia thọ giới được. Thế mà thầy trụ trì làm lễ xuất gia cho ông, đặt cho pháp danh là Viên Tánh, bảo ông học luật Sa-di trường hàng để chờ ngày thọ giới Sa-di. Ông được giao nhiệm vụ coi sóc vườn chùa, hàng ngày làm công việc sửa hoa kiểng, tưới nước bón phân, nhổ cỏ…
Không biết do lập dị hay đầu óc có vấn đề không tốt mà ông nói năng, làm việc không giữ phép tắc gì cả, đôi lúc có chút kỳ khôi, quái dị. Có một lần trên đường đi, ông gặp một người đàn bà bị trúng gió. Thấy không có ai cứu giúp, đường lại vắng tanh không đón được xe, ông bồng bà ta chạy một mạch đến bệnh xá, trên đường đi ai cũng trố mắt xì xầm. Có người đem chuyện thấy được về nói lại với thầy trụ trì, sợ sau này xảy ra việc tương tự thì người đời dị nghị. Thầy trụ trì chỉ cười rồi bảo với người kia: “Gặp hoàn cảnh đó, nếu không bồng người đó vào bệnh viện thì phải làm sao? Để cho người đó chết hay nên làm thế?”.
Chú sa-di Minh Nhẫn càu nhàu: “Sao thầy còn bênh vực ông ấy? Thầy không sợ người ta dị nghị sao? Thuở đời nay ông thầy tu mà bồng đàn bà chạy cời cời ngoài đường như vậy. Sao ông ấy không tri hô lên cho mọi người chạy đến giúp?”. Thầy trụ trì bảo: “Ông ấy tri hô nhưng không có ai đến giúp vì đường vắng, xung quanh lại không có cư dân. Người quân tử làm việc như nước chảy mây trôi, không câu nệ, cố chấp, miễn sao không hổ thẹn với lòng, không trái với đạo lý. Sao các con cứ muốn thầy khiển trách Viên Tánh vậy? Đâu phải làm trụ trì thì có thể tùy tiện hành xử không phân biệt phải trái được”. Nói gì thì nói, các điệu vẫn thấy ấm ức trong lòng, cứ cho rằng thầy trụ trì thiên vị Viên Tánh.
Nhiều lần khách đến viếng chùa, Viên Tánh đứng hầu chuông, hễ ai khấn to ông nghe được đều bị ông “vặn nài bẻ ống”.
Có một bà già nọ quỳ trước điện Phật khấn rất to: “Xin Đức Phật phù hộ cho con tai qua nạn khỏi, gia đạo bình an, làm ăn thịnh vượng, suốt năm tài lộc dồi dào…”. Ông nghe thấy, liền nói với bà ta: “Cụ ơi, sao cụ quá tham thế? Cụ mang cúng Phật một nải chuối mà muốn Phật làm cho lắm việc. Mỗi người một ý niệm, một việc làm khác nhau, dĩ nhiên thành quả không giống nhau. Làm thiện được quả báo tốt, làm bất thiện gặp quả báo không lành. Nếu Phật có thể độ người nào cũng vạn sự như ý thì chẳng phải lầm lỗi lắm sao? Cụ nên khấn nguyện thế này: Con nguyện gieo duyên với Phật, trưởng dưỡng tâm lành. Nguyện tu theo Phật, sống đời trong sạch, đức hạnh vẹn toàn…”.
Bà già nhìn gã nghĩ thầm: “Ở đâu ra ông thầy nói lăng nhăng như vậy”. Nghe ông bảo “nguyện tu theo Phật”, bà tỏ vẻ không bằng lòng, nói: “Tôi còn gia duyên bận bịu, chưa thể đi tu được đâu”. Ông cười rồi bảo: “Bà cứ mạnh dạn phát tâm đi, có ngày sẽ được như nguyện”. Nghe ông nói, bà già càng đâm ra sợ, thật sự dù thế nào thì bà cũng chẳng muốn đi tu. Đi tu có gì vui đâu, buồn chán chết, bà nghĩ như thế. Bất chợt ông cắt ngang dòng suy nghĩ mông lung của bà: “Tôi chỉ nói vậy thôi, chứ tu theo Phật không nhứt thiết phải xuất gia, bà đã hiểu lầm rồi. Ai cũng có thể tu được, tùy hoàn cảnh của mỗi người. Chỉ cần noi theo lời Phật dạy, sống đúng với Chánh pháp bà sẽ tự cảm thấy an vui, không cần cầu ai ban bố”.
Nói rồi ông quay lưng đi một nước, chẳng cần biết bà già nghĩ gì, có chấp nhận lời ông nói hay không. Ngoài thầy trụ trì ra, người trong chùa không ai hài lòng về ông cả. Ai cũng nghĩ người nào có duyên gặp ông thật không may, đến một lúc nào đó sẽ không còn tín tâm đi đến chùa cầu nguyện.
Vào đến nơi, ông chắp tay cung kính bạch thầy trụ trì:
– Thưa thầy, chú Minh Nhẫn vừa đi chợ. Có việc gì thầy cứ dạy con làm thay cho chú ấy.
Thầy trụ trì chỉ cái lồng chim, bảo ông:
– Con mang lồng chim này ra sau vườn chùa, thắp cho thầy ba nén hương, một lúc nữa thầy ra chú nguyện phóng sinh chúng.
Ông khẽ cúi đầu, dạ một tiếng rồi xách chiếc lồng chim đi. Thầy trụ trì nói với người đàn bà:
– Mời bà theo chú ấy ra đó trước.
Người đàn bà bèn đi theo ông. Ra đến nơi, ông hỏi:
– Bà phóng sinh cầu việc gì?
Người đàn bà đáp:
– Tôi muốn cầu siêu cho con tôi, đồng thời cầu an trong gia đạo.
Ông nói:
– Phóng sinh là một việc làm tốt. Kinh có dạy: người muốn bình an, trường thọ, nên gieo nhân phóng sinh; người muốn giàu sang nên gieo nhân bố thí. Nhưng cần phải làm những việc đó bằng cả tấm lòng thì mới được lợi ích lớn. Cần phải phát tâm hoan hỷ, phát khởi lòng từ. Việc phóng sinh phải đi đôi với tâm yêu thương loài vật, không muốn làm tổn hại bất cứ loài nào, muốn cứu khổ ban vui cho chúng. Việc bố thí phải đi đôi với tâm xả ly, không keo kiết bỏn sẻn, không tham lam muốn vơ vét chiếm đoạt; có sự cảm thông, có tình thương, lòng trắc ẩn muốn giúp đỡ người khác. Làm được như thế thì phước báu khỏi cầu tự dưng cũng có.
Người đàn bà dạ dạ vâng vâng, không biết bà có tán thành lời nói của ông không, nhưng trông bà có vẻ không vui lẫn chút sượng sùng.
Chú Minh Nhẫn đã đứng bên cạnh hai người từ lúc nào không hay, nghe ông nói, chú bĩu môi lẩm bẩm:
– Lại giở giọng sư tổ nữa rồi, gặp ai cũng thuyết pháp.
Không dằn được, chú tức bực:
– Thôi đi ông ơi, đừng ở đó ba hoa nữa. Thầy sắp ra rồi đó!
Vừa lúc đó thầy trụ trì đi tới, nghe giọng nói hằn học của chú, thầy hỏi:
– Có chuyện gì thế chú Minh Nhẫn?
Chú Minh Nhẫn khúm núm không trả lời, chỉ lắp ba lắp bắp:
– Dạ… dạ, không có gì ạ!
– Có chuyện gì cũng phải hòa nhã, từ tốn, chúng ta là người tu mà – Thầy trụ trì nói với chú.
Đoạn thầy trụ trì cầm ba nén hương đọc kinh và chú nguyện, sau đó bảo chú Minh Nhẫn mở lồng chim. Chiếc lồng được nâng cao lên và cửa lồng được mở cho những chú chim bay ra về lại khung trời cao rộng. Nhìn theo những cánh chim đập vội vì vui mừng sung sướng, thầy trụ trì nở nụ cười hiền hòa từ ái trên môi.
Phóng sinh xong, người đàn bà cáo từ ra về và hẹn chiều đến để làm lễ khai kinh. Thầy trụ trì hỏi Viên Tánh:
– Chú là người ở vùng này đã lâu, chú có biết người đàn bà ấy không?
– Dạ biết – Ông trả lời – Bà ấy là chủ tiệm cầm đồ Thịnh Phát trong thị trấn. Ngày xưa bà ấy có chồng là sĩ quan chế độ cũ, từng dẫn lính về làng bắt giết những người theo cách mạng. Cha con cũng là nạn nhân của chồng bà ta, vì bị tình nghi mà bị bắt về điều tra và hành hạ cho tới chết trong tù. Sau giải phóng bà ấy nhờ giấu được một số của cải nên dần dần gầy dựng lại sự nghiệp và cũng lấy chồng khác. Bây giờ bà ấy làm nghề cho vay và mở tiệm cầm đồ. Mới đây thằng con trai độc nhất của bà ta đã chết trong một tai nạn vì đua xe tốc độ. Do đó bà ta mới đến chùa này.
– Vậy chắc con oán hận chồng bà ấy lắm? – Thầy trụ trì hỏi ông.
– Ngày xưa thì có, nhưng bây giờ thì không. Con nghĩ tất cả chỉ là duyên nghiệp. Đức Phật có dạy: “Lấy ân báo oán, oán mới tiêu; Lấy oán báo oán, oán không dứt” – Ông trả lời, rồi chắp tay xá thầy trụ trì – Xin phép thầy, con vào trong tiếp tục công việc.
Nhìn theo Viên Tánh, thầy trụ trì nói với chú Minh Nhẫn:
– Đừng đánh giá người khác qua hình tướng bên ngoài. Các con hãy học hạnh của Thường Bất Khinh Bồ-tát.
Chú Minh Nhẫn phàn nàn:
– Thầy không biết đâu, có nhiều lúc ông ấy nói chuyện trên mây trên gió như thể mình là cao tăng đắc đạo, có khi lại làm chuyện đặc dị kỳ khôi như bậc xuất trần thượng sĩ. Thầy nghĩ coi, ông ấy chỉ là một tịnh nhơn thôi mà nói năng như vậy, nếu không phải là đầu óc có vấn đề không bình thường thì cũng là hàng tăng thượng mạn.
Thầy trụ trì cười bảo:
– Con đừng nói thế. Nếu ông ấy nói với tâm ngã mạn thì sai quấy, còn nói sự thật mình biết, mình kinh nghiệm để trao đổi học tập với nhau là điều rất tốt. Đức Phật dạy, ai cũng có khả năng giác ngộ, và Ngài dạy không nên xem thường những người tu hành trẻ. Dù là kẻ mới đến chùa nhưng nếu ngộ tánh cao thì vẫn có thể giác ngộ, đắc đạo trước những người đã tu lâu năm.
Đức Phật dạy: “Có bốn điều không thể coi thường: một vị vương tử bé, một con rắn độc nhỏ, một đốm lửa, và một vị tu sĩ trẻ. Vị vương tử tuy còn bé nhưng cũng có vương tính của một vị vua. Một con rắn độc dù nhỏ cũng có thể cắn chết người. Một ngọn lửa nhen nhúm thôi cũng có thể thiêu rụi hàng trăm căn nhà hay một khu rừng rộng lớn. Và một vị tu sĩ dù tuổi đời hay tuổi đạo còn trẻ, nhưng siêng năng tu tập vẫn có thể chứng đắc Thánh quả. Các con phải ghi nhớ điều này và gắng công tu học. Thôi, bây giờ con vào trong làm việc đi nhé!
Chú Minh Nhẫn chắp tay cung kính vái chào thầy rồi lẳng lặng đi vào trong. Tiếng chuông chùa chợt vọng xa đưa trong nắng mai ấm áp, tiếng chim ríu rít trên cành, không gian chan hòa điệu sống trong buổi sáng đẹp trời êm ả.