Cho Và Nhận

0
224

Có một tiền phu lên núi đốn củi. Đến trưa, ông nghỉ dưới gốc cây, lấy cơm ra chuẩn bị dùng bữa. Ngay lúc đó có một con khỉ chạy tới, ngồi xuống, nhìn ông bằng cặp mắt xin ăn. Ông thấy tội nghiệp, bảo nó:

– Mi đói lắm hay sao mà dòm ta thảm thế? Không kiếm được cái gì bỏ vào bụng à?

Con khỉ càng nhìn ông với vẻ tha thiết hơn.

– Thiệt tội nghiệp! Cho mi nè…

Tiều phu sớt phần ăn ra làm hai, đưa cho con khỉ. Nó mừng rỡ, chụp lấy ăn ngấu nghiến.

Từ đó, ngày ngày mỗi khi tiều phu dùng trưa, con khỉ đều chạy tới; thấy con khỉ dễ thương nên tiều phu thường cho nó ăn ké. Lòng cảm thấy vui vì bữa trưa có nó bầu bạn. Trải qua thời gian lâu, tình bạn hai bên trở nên thắm thiết.

Ngày nọ, tiều phu có chuyện cãi vã với vợ, đang buồn bực, ông cầm rìu đi thẳng lên núi mà không giở cơm theo. Đến trưa ông vẫn còn đốn củi, nhưng con khỉ thì đúng giờ là chạy đến. Như thường lệ, nó ngồi dưới gốc cây đợi ông chia phần.

Tiều phu đang bực trong lòng, cáu kỉnh bảo nó:

– Hôm nay ta không mang cơm theo, về đi!

Con khỉ không hiểu lời ông, nó kêu chí chóe, làm ầm cả lên, ý đòi ông lấy cơm ra cho nó.

Tiều phu hét to:

– Ta không đem cơm theo! Mi không nghe thấy sao hả?

Con khỉ bực bội vì không được ăn, nó nhăn nhó, la lối và sốt ruột đưa tay xốc xốc kiểm tra cái túi vải của tiều phu. Không tìm thấy gì, nó chạy tới ông lục lọi túi áo, túi quần, nghi là ông giấu thức ăn đâu đó trong người.

Cử chỉ của nó làm tiều phu điên tiết, ông quát:

– Cút! Biến ngay!

Con khỉ không hiểu, càng khám xét già, tiều phu bèn lượm que củi quất mạnh… ý muốn doạ cho nó sợ mà chạy đi, nào ngờ quất trúng ngay chỗ hiểm, con khỉ ngã xuống chết liền.

Tiều phu thất kinh, cơn giận vụt tắt. Ông hối hận đã không mang cơm theo, thầm trách mình nổi khùng vô lý. Nếu ông đừng tức giận, không đánh nó thì đâu xảy ra chuyện thương tâm như thế này? Nhìn xác con khỉ, nước mắt ông tuôn thành dòng…

(Kể theo “Nhân sinh phương hướng” của Lâm Thanh Huyền)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Chuyện bố thí, biếu tặng… không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhất là khi người nhận đòi hỏi quá độ, làm ta dễ thối tâm, để rồi cuối cùng kẻ thí, người nhận đều phiền não, tổn thương; người thí không còn tâm hoan hỷ cho như ban sơ và người nhận cũng đánh mất tâm khiêm tốn, tri ân, lịch sự.

Con khỉ mới đầu được cho rất e dè, ngại ngùng, hoan hỷ. Đấy là cái tâm dễ thương của buổi đầu. Nếu khi nhận, lúc nào ta cũng có được cái tâm biết cảm động, tri ân, tri túc… thì rất hay.

Nhưng thường tình, khi ta được người cho quen đến thành lệ, thì cái tâm ngại ngùng ban sơ biến mất, chỉ còn lại cái tâm dửng dưng, thậm chí ta còn nghĩ hành động hiến tặng của người là đương nhiên, là bổn phận bắt buộc phải như thế. Bởi vậy ta mới ngóng chờ, đòi hỏi, yêu sách, thậm chí bực bội (giống con khỉ) khi không được đáp ứng đúng yêu cầu. Niệm xấu đã khởi lên kèm theo tính nóng nảy thì rất dễ xảy ra việc đáng tiếc.

Bố thí là nghĩa cử đẹp, chan hoà từ tâm. Có lẽ người xả thí cần luyện thêm cho mình tính nhẫn nại, bình thản để khỏi phải “rút củi ra quất”… hầu tránh được sai sót khi phải đối mặt với những điều phiền lòng. Còn người nhận, đừng đánh mất niệm lành ban sơ, hãy biết tri ân, cảm động và trân trọng tấm lòng hy sinh, chia sẻ của người cho, hiểu đấy không phải là bổn phận hay nhiệm vụ đương nhiên, mà là nghĩa cử phát xuất từ tấm lòng cao đẹp.

Chuyện tiều phu và con khỉ tuy là ngụ ngôn, song diễn tả rất thực trạng huống giữa cho và nhận. Qua đây, ta có thể rút tỉa cho mình kinh nghiệm sống hoàn chỉnh hơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here