Mua Kính Đọc Chữ

0
183

Có một anh chàng không  biết chữ, thấy người ta  mang kính đọc sách báo  thì ngỡ rằng mang kính có thể đọc chữ được. Anh ta bèn ra chợ đến chỗ tiệm kính để mua cho mình một cặp kính.

Đến cửa hàng bán kính, anh ta mang cặp kính nào vào cũng không đọc được chữ. Cầm quyển sách trên tay xoay đi xoay lại mãi cũng không đọc được, anh ta tức giận càu nhàu:

– Kính nào cũng không đọc được chữ.

Người chủ cửa hàng kính hỏi:

– Sao lại không đọc được? Đúng độ thì đọc được thôi.

Anh ta cáu gắt:

– Nếu kính tốt thì đã đọc sách được rồi!

Người chủ cửa hàng hỏi liều:

– Hay là anh không biết chữ?

Anh ta càng bực dọc:

– Nếu biết chữ thì tôi đâu cần phải mua kính!

(Phan Minh Đức – Kể theo Truyện cười dân gian Việt Nam)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Nếu đeo kính mà biết chữ thì người ta đâu cần phải đi học. Sự ngộ nhận của anh chàng trong câu chuyện đã khiến cho người khác tức cười. Tuy nhiên cũng tội nghiệp cho anh ta, bởi vì đó chỉ là sự ngộ nhận, hiểu lầm, mà trong cuộc đời này còn biết bao sự hiểu lầm như thế, vì hiểu sai nên đã làm sai…

Rất nhiều người trong xã hội cứ nghĩ rằng cầm tấm bằng này bằng nọ trong tay là họ có thể giải quyết được việc làm và các nhu cầu khác của bản thân và xã hội. Vì thế, họ ra sức kiếm tìm bằng mọi cách: Nếu không học tập đàng hoàng thì chạy vạy, xin xỏ hoặc đánh đổi hay bỏ tiền ra mua v.v…

Nhưng khi nhập cuộc, tiếp xúc với công việc thì không có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, không cáng đáng nổi, không đảm nhiệm được trọng trách mà mình được giao phó. Một khi không có thực tài, thực học thì bằng cấp, chứng chỉ cũng vô dụng, chẳng giúp được gì cho mình mà trái lại còn làm hại bản thân, hại tập thể, xã hội, chẳng khác nào người không biết chữ thì dù có mang kính tốt cũng chẳng đọc được sách bao giờ.

Người tu học Phật cũng vậy, không phải có bằng cấp, học vị cử nhân, tiến sĩ là có thể giải quyết được vấn đề sinh tử, khổ đau cho mình và người khác. Người đệ tử Phật phải thực học, thực tu, thực chứng thì mới có thể giác ngộ, giải thoát làm lợi ích cho bản thân và nhân quần xã hội, giải quyết được các vấn đề cấp bách mà người đi tìm chân lý đặt ra.

Người ta nói, “chiếc áo không làm nên nhà tu” cũng không ngoài ý này. Cũng như đeo kính giúp cho người ta đọc chữ được rõ ràng hơn chứ không phải nhờ đeo kính mà đọc được chữ. Do vậy, cần phải nhận ra điều chính yếu, cốt tủy nhất để thực hiện. Hay nói cách khác muốn đọc được chữ thì phải đi học chứ không chạy đi mua kính.

Muốn đạt được giải thoát, an lạc cần nỗ lực tu học và thành tựu Giới – Định – Tuệ chứ không phải học vị cao, danh phận lớn. Chạy theo hình thức bên ngoài mà chểnh mảng sự hoàn thiện và trang nghiêm bên trong, xét cho cùng cũng lố bịch và nực cười giống như anh chàng đeo kính để mong đọc được chữ vậy.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here