Một hôm Phật cùng các đệ tử đi đến một con sông. Nước sông mênh mông, chảy xiết. Phật cúi xuống nhặt hòn đá khá to rồi quay lại hỏi các đệ tử:
– Các con hãy trả lời ta, hòn đá này ném xuống sông thì nổi hay chìm?
Vừa nói dứt lời Phật ném hòn đá xuống sông. Đương nhiên hòn đá chìm mất tiêu luôn. Đệ tử không hiểu ý thày hỏi là thế nào, thầm nghĩ: đá ném xuống nước tất nhiên phải chìm, đơn giản có vậy mà cũng hỏi. Nhưng thày hỏi thì đồ đệ vẫn phải trả lời. Họ đồng thanh thưa:
– Thưa Thế Tôn, đá chìm ạ.
Phật thở dài nói:
– Ôi! Hòn đá này mới vô duyên làm sao.
Nghe thày than thở, đệ tử càng ngơ ngác suy nghĩ: đá ném xuống nước phải chìm đấy là lẽ tự nhiên, làm gì lại có hòn đá vô duyên hay hòn đá có duyên.
Phật chậm rãi nói:
– Có hòn đá vuông mỗi chiều 3 thước, đặt xuống nước không những không chìm mà nó còn qua được bên kia vẫn khô ráo, các ngươi có thể nói cho ta biết vì sao không?
Đệ tử suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra lời giải đáp, xin thày giảng giải.
– Đơn giản quá, chẳng qua hòn đá ấy có thiện duyên, đấy là cái thuyền. Đá đặt trong thuyền trở qua sông rõ ràng không chìm mà cũng không ướt. Con người ta cũng như vậy thôi, nếu ai gặp thiện duyên thì mọi việc tốt đẹp, sẽ trở nên người tốt. Nếu không sẽ chẳng làm nên trò trống gì, trở thành kẻ ác. Vậy nên con người ta sinh ra trên đời phải chọn thày tốt mà học, chọn bạn tốt mà chơi, chọn điều tốt mà theo. Đấy chính là thiện duyên của con người vậy.
Đệ tử nghe Phật nói mới hiểu rõ đạo lý làm người nên ai nấy vui mừng khôn tả.
Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Mẹ Mạnh Tử chuyển nhà ba lần, chọn lân gia tốt để con mình có điều kiện học tập.