Đừng Để Hối Tiếc

0
239

Cô giáo của một lớp học bổ  túc gồm hai mươi học trò rên ba mươi lăm tuổi, quá   nửa là đàn ông, đã ra cho họ bài tập về nhà: Hãy thổ lộ tình cảm của bạn với người mà bạn yêu thương nhất, người đó đã lâu bạn chưa bày tỏ tình cảm.

Đối với những đứa trẻ, bài tập này chẳng khó khăn gì nhưng với những học trò lớn tuổi ấy thì thật khó lòng cho họ, có thể sẽ quá mức với một số người.

Tuần sau, đến giờ trả bài, cô giáo chỉ hỏi thử trong lớp xem có ai muốn kể lại câu chuyện mình đã làm trong bài tập ấy. Có một học trò nam đứng lên trình bày câu chuyện của mình như sau:

Thật ra, tôi không có ý định nói câu chuyện riêng tư của tôi ra đây. Cô có biết người tôi phải nói lời yêu thương là ai không? Năm năm trước, vì một lý do không đâu, tôi giận cha tôi. Chúng tôi tránh mặt nhau, có việc gì cần, tôi và cha đều nhắn qua mẹ tôi. Mẹ tôi tìm cách giảng hòa nhưng không có kết quả. Cô biết không? Khi tôi đọc đề bài tập của cô, đêm hôm ấy, tôi đã có quyết định giảng hòa với cha tôi. Mẹ và vợ tôi biết được tin này họ vui mừng khôn tả.

Tôi gọi điện xin được gặp cha ngay tối hôm đó để nói với ông một việc quan trọng, và ông đã đồng ý. Trong người tôi tự dưng nhẹ nhõm như quẳng được cục đá đè nặng trên ngực suốt 5 năm nay.

Trước giờ ăn tối, tôi đến nhà cha mẹ, song thân tôi vui mừng đón tôi trước cửa. Tôi ngập ngừng:

– Cha, con đến đây chỉ để nói…

Tới đây bỗng nhiên giọng tôi nghẹn lại. Tôi hít một hơi thật mạnh và nói nốt câu:

– Để nói rằng con yêu cha vô cùng!

Cha tôi run run đáp:

– Ta cũng vậy con ạ!

Tôi ôm chầm lấy cha một bên, mẹ một bên và khóc thút thít như một đứa trẻ.

Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất tôi muốn nói. Hai ngày sau cuộc gặp, cha tôi đột ngột qua đời vì một cơn đột quỵ tim. Nếu tôi không nói ra tình cảm của tôi, thì bây giờ cha con tôi kẻ đi người ở đều cảm thấy đau khổ. Vậy nên chớ chần chờ những việc cần làm, nếu không một ngày kia bạn sẽ hối tiếc! Tôi xin cám ơn cô giáo kính yêu của tôi rất nhiều. Nhờ đề bài tập của cô mà tôi làm nên được một chuyện rất có ý nghĩa trong cuộc đời của tôi.

(Theo Học làm người)

—o0o—

BÀI HỌC ĐẠO LÝ

Trong một chuyến vi hành đầu xuân, vua Lê Thánh Tôn đi ngang qua miếu bà Trương, vua thương cảm người thiếu phụ Nam Xương tên là Vũ Thị Thiết, vua đề một bài thơ rất hay lưu truyền đến hôm nay: “Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương/Miếu ai như miếu vợ chàng Trương/Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ/Làn nước chi cho lụy đến nàng/Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt/Giải oan chi mượn đến đàn tràng/Qua đây mới biết nguồn cơn ấy/Khá trách chàng Trương khéo phụ phàng” (Đề miếu bà Trương).

Đọc bài thơ chúng ta không khỏi ngậm ngùi, thương cho người thiếu phụ có ông chồng họ Trương đi chinh chiến miền biên ải xa xôi. Đêm đêm chong đèn chờ chồng về, nàng dỗ con chỉ vào bóng mình trên vách nói với con rằng cha đã về. Con đã quen hình ảnh cha là cái bóng ấy. Đến khi cha thật trở về thì oan nghiệt thay! “Con chê cha thật, cha quay quắt ngờ/Van chàng chàng cứ làm ngơ/Xua tay chàng dẫm nát bờ xanh rêu”.Mượn dòng nước xiết nàng liều quyên sinh. Đến khi chàng hiểu sự tình, muộn rồi nàng đã hồn lìa khỏi xác. Chỉ vì tri giác sai lầm, một nghi mười ngờ, một ngờ mười tội; bằng cái sảy nảy cái vung; chuyện bé xé ra to và kết quả là nỗi oan khiên cho kẻ ra đi và điều hối tiếc cho người ở lại.

Hai cha con trong câu chuyện cũng vậy, người con trai trong cơn giận đã mất khôn, chuyện nhỏ không đâu vào đâu đã thành chuyện lớn, cha con họ phải tránh mặt nhau trong 5 năm dài đằng đẵng. Người con trai chưa thể chấp nhận một giải pháp giảng hòa nào, kể cả giải pháp của mẹ. Thật ra, trong lòng người con trai rất yêu cha nhưng vì cái giận nó mạnh quá, nặng quá! Như là đá tảng đè lên ngực người con trong suốt ngần ấy năm, chưa có cách gì để buông ra được. May sao đề bài luận văn của cô giáo như một phép mầu, thức tỉnh người con trai nhận biết được chính mình bấy lâu nay đang sống trong tri giác sai lầm, mở ra một giải pháp tối ưu nhất kết nối liên lạc với người cha kính yêu đang ngày đêm mỏi mắt chờ trông người con trai suy nghĩ lại.

Chúng ta nguyện tu học để có được sự hiểu biết lớn và tình thương lớn. Sự hiểu biết lớn là để hiểu hết ngọn ngành gốc rễ của sự việc, tránh xảy ra sai lầm đáng tiếc; tình thương lớn là để tha thứ được những lỗi lầm khó có thể tha thứ. Và, chúng ta cũng rất cần những người thầy giỏi như cô giáo trong câu chuyện trên, “không thầy đố mày làm nên”, để khi gặp rắc rối như chuyện của chàng Trương hoặc của người học trò đáng yêu kia thì chúng ta không còn bối rối vì đã có thầy chỉ dạy lời vàng ngọc giúp ta tìm ra được cách tốt nhất để giải quyết sự việc một cách êm ái dễ dàng và không để lại một sự hối tiếc nào cả.

LÊ ĐÀN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here