Có Những Món Quà Ngoài Ý Nghĩa Từ Thiện

0
408

Thành Quang

Vài bao gạo, mỗi bao hai mươi lăm ký; Chục thùng mì ba mươi gói; mấy chai dầu ăn, bột ngọt, bánh kẹo và vài món thực phẩm … là số quà mà Đại Đức Thích Minh Đăng – Chánh Đại Diện Huyên Hội Phật Giáo Huyện Cưmgar – Trụ Trì Chùa Hoa Nghiêm mang theo trên xe cùng vài Phật tử đi vào làng làm từ thiện .

Tôi ngạc nhiên hỏi thầy sao đi làm từ thiện mà quà ít thế. Thầy cười nheo mắt nhìn tôi như hỏi:  “vậy theo anh như thế nào thì mới gọi là nhiều”.

Buổi trưa miền quê yên lặng như chuyến đi vào làng của thầy vậy. Không xôn xao, không ồn ào .

Nói là vào làng nhưng thật ra thì thầy trò đi hơn hai mươi cây số mới tới nơi. Tìm đường vào nhà dì Lê Thị Gái – Pháp danh Nhuận Thiện ở thôn Hiệp Tiến, xã Quãng Hiệp để nhờ dì làm “hoa tiêu” cho chuyến đi. Dì Gái đi đâu đó qua hàng xóm. Trong lúc chờ dì về, thầy thắp nhang lên bàn thờ Phật, Thầy tấm tắc khen nhà dì Gái tuy nghèo, đơn sơ nhưng ấm cúng, thờ phượng trang nghiêm. Thầy chỉ lên bức vách bằng gỗ đã ố màu thời gian cho mọi người xem, hơn 10 lá phái quy y của gia đình dì Gái cả con lẫn cháu được treo ngay ngắn. Thầy nói: “các vị hãy noi theo tấm gương Phật Hóa Gia Đình của cô Nhuận Thiện nghe”.

Thầy tranh thủ qua thăm và cho quà vài hộ gia đình gần nhà dì Gái. Mấy hộ này chưa thờ Phật và cũng chưa biết đạo. Thầy ân cần hỏi han về đời sống và cho địa chỉ chùa, đồng thời mời họ bất cứ lúc nào thầy cũng sẵn sàng đón họ về với đạo Phật. Tôi bỗng thấy giữa thầy và họ như đã kết duyên lành từ thuở nào, như tâm đã truyền tâm.

Dì Gái mừng rỡ khi thấy thầy Chánh Đại Diện tới nhà, Dì rối rít thỉnh thầy ngồi uống nước nhưng thầy nói: “thôi! vì thời gian có hạn, hãy đưa thầy đến những nhà mà thầy đang cần đến”. Trước khi rời nhà dì Gái, thầy tán thán việc tinh tấn tu hành và Phật hoá gia đình của dì, nhưng thầy mong muốn ngoài gia đình mình thì Dì phải cố gắng giúp cho xóm giềng biết Phật pháp và đưa người về chùa để quy y, có như vậy thì mới đáp đền ơn Phật được.

Những nhà thầy đi thăm có người đã thờ Phật, có người chưa thờ. Nhưng có chung một điểm là nghèo và neo đơn. Xúc động nhất là khi thầy vào thăm và tặng quà cho nhà cụ bà Nguyễn thị Min pháp danh Nhuận Lâm và cụ ông Lý Văn Thanh ở thôn Hiệp Thịnh, xã Quãng Hiệp. Hai ông bà mừng quýnh khi thấy thầy vào, Bà cụ xúc động khóc và nói: “Thầy nhiều phật sự quá mà buổi trưa cũng ráng vào nơi xa xôi này thăm những người già chúng con. Con cầu Phật gia hộ cho thầy có nhiều sức khoẻ ”.

Sau khi cùng ông bà cụ lễ phật, thầy đã chia sẻ và động viên ông bà cụ ráng sống tinh tấn trong những ngày cuối đời, phải lo niệm Phật, giữ tâm thanh tịnh, phải làm gương cho lớp trẻ học tập tu hành. Thầy nói với mọi người: “Đạo Phật hôm nay là vậy, phải chịu khó thì mới mong đem tinh thần phật pháp đến với họ, không phân biệt sang hèn nghèo khó, ai đã theo Phật rồi thì ráng động viên để họ tu, ai chưa theo đạo Phật thì ráng truyền bá dẫn dắt cho họ về với mình. Đó mới là con Phật”.

Những món quà thật nhỏ không đáng là bao, chỉ để chia sẻ và động viên thôi. Nhưng tinh thần hoằng pháp độ sinh mới lớn gấp nhiều lần. Vượt qua mọi ý nghĩa vật chất của món quà từ thiện là ý nghĩa của tinh thần hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài. Là hình bóng của tăng già ở mọi nơi mọi chốn. Ở nơi an vui nhất và nơi khổ đau nhất. Tôi nhủ thầm chuyến đi trưa nay của thầy không phải là từ thiện mà là đi hoằng pháp .

Tôi bổng chợt hiểu ra cái cười nheo mắt của thầy: “vậy theo anh món quà như thế nào mới gọi là nhiều ” …

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here