TỨ DIỆU ĐẾ LÀ GÌ?

0
1257

   asalha-puja-1

     Hầu như bất cứ một tôn giáo nào khi ra đời đều có giáo lý riêng để giải thích về nguyên nhân sự sống. Phật giáo cũng không ngoài thông lệ ấy. Tuy nhiên, khai giáo của Phật Tổ Gotama không phải là một hệ thống giáo điều cứng nhắc phát xuất từ đấng thần linh nào ở trên cao mà là một bộ giáo lý bắt nguồn từ chính cuộc sống của con người. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thân phận con người được đem ra phân tích một cách tường tận. Khai giáo ấy chính là Tứ Diệu Đế – bộ giáo lý nền tảng chính yếu cho toàn bộ hệ thống giáo lý sau này mà một Phật tử không thể thiếu sự tìm hiểu.

     Theo thông sử, trước đức Phật hàng ngàn năm, người dân Ấn Độ bị khuôn nắn số phận mình trong bốn giai cấp và Bà la môn giáo – với tín ngưỡng Phạm Thiên – đã trở thành niềm tin tôn giáo độc tôn. Trong khi đó, giáo pháp Đức Thế Tôn vừa chứng ngộ hoàn toàn không có bóng dáng thần linh nào lãng vãng trong đó. Điều này khiến đức Phật có ý ngần ngại không muốn đem giáo pháp ấy ra thuyết giảng. Sau ba lần thỉnh pháp của Phạm Thiên Sahampati, Đức Phật đã phương tiện khai giáo ở Lộc Dã Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như. Sau thời pháp này, năm vị đều chứng quả. Từ đó, bánh xe pháp được chuyển quay trên suốt lưu vực sông Hằng trong 49 năm.

     Bài pháp đầu tiên này, tiếng Phạn là Arya Saccani, Tàu dịch là Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế. Tứ là bốn; Diệu là hay, là khéo, là hoàn hảo, là toàn diện; Đế là sự thật chắc chắn, rõ ràng, không thể phủ nhận được. Tứ Diệu Đế là bốn chân lý chắc thật, bốn sự thật vững chắc, quý báu, toàn diện, không có giáo lý nào sánh kịp. Nó là sự thật bao trùm tất cả sự thật khác và muôn đời bất di bất dịch. Còn gọi là Tứ Thánh Đế bởi nó có công năng đưa hành nhân từ địa vị phàm phu đi dần lên Thánh vị một cách rốt ráo, như ngọn đuốc soi đường cho khách lữ hành trong đêm tối tăm để về đến đích. Đồng thời, nó cũng nói lên giáo pháp như thật của đức Như Lai: “Bốn Thánh Đế, này các Tỳ Kheo, là như thật, không ly như thật, không khác như thật. Do vậy, được gọi là Thánh Đế”. (Tương Ưng, quyển V). Điều đó đã chứng minh rằng Tứ Diệu Đế là nguyên tắc chỉ đạo cho thái độ nhận thức của con người và thực hiện đời sống Thánh trí của mình ngay giữa lòng xã hội. Nó hàm chứa bốn sự việc: khổ, nguyên nhân của khổ, Niết – bàn an vui và con đường thực hiện nguồn an lạc vĩnh hằng ấy.

     Khổ là trạng thái tâm lý bất như ý, mọi khát vọng bị bác bỏ, mọi mong cầu đều bị thiếu hụt. Luận về khổ ở thế gian thì vô cùng nhưng nếu phân tích thì nó nằm ở hai phương diện: khổ vật chất và khổ tinh thần. Khổ vật chất hay thể xác là do thân ngũ ấm sinh ra. Đây là sự khổ mà bất cứ một hữu tình nào cũng đều đã hơn một lần thể nghiệm được. Song song với thân thể vốn được kiến tạo bằng những vật liệu của khổ đau, hệ lụy là nỗi khổ do ngoại cảnh tác động vào như nóng, lạnh, đói, khát,… chồng chất thêm lên. Khổ tinh thần là trạng thái tâm lý bức bách, ngột ngạt do vô minh gây ra. Nó chỉ được gội sạch khi có ánh sáng trí tuệ soi vào. Theo giáo lý Phật Đà, khổ được chia làm ba thứ (tam khổ): Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ hay tám thứ (bát khổ): sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tăng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Tuy nhiên, cái khổ ghê gớm nhất, nguy hại nhất vẫn là cái khổ do sanh tử luân hồi. Bao nhiêu kiếp sống đã trôi qua, chúng sanh mãi quay cuồng trong cơn thác loạn của luân hồi. Thế nên, Đức Phật đã từng tuyên bố: “Nỗi khổ của lạc đà chở nặng đi qua sa mạc nắng thiêu đốt không gọi là khổ, mà cái khổ sâu sắc nhất chính là cái khổ bị kẹt thảm hại trong luân hồi tái sinh, không biết đường nào ra khỏi nó”.

     Tập là nguyên nhân tích nhóm của mọi khổ đau. Phần đông các giáo lý đều lập luận rằng: nguyên nhân của khổ là do vô thường chi phối. Thật ra, điều này chưa hoàn toàn đúng hẳn. Nguyên nhân của khổ đau là do 12 nhân duyên tập khởi và động cơ chính là ái và thủ. Từ những tư tưởng chấp thủ cho cái này là ta, cái này là tự ngã của ta rồi bám víu vào nó, khao khát nó đã khiến ta bện một sợi dây nghiệp thức buộc chặt vào bánh xe tái sanh để tiếp tục đi tìm sự thỏa mãn ở thân sau. Do đó, dù đã xả báo thân rồi mà ý thức vẫn dẫn dắt ta đi tìm thân khác để hiện hữu ở cõi đời này. Cứ như thế, nó kéo lôi ta đi mãi trong vòng sanh tử, không lúc nào dừng.

     Diệt là trạng thái đi ngược với tập đế. Nếu tập đế là tham ái thì diệt đế là tham ái diệt, khổ diệt hay Niết bàn. Nơi đây, mọi tham đắm, chấp thủ đều bị dập tắt. Lúc này, tâm hồn hành giả không còn bị tác động bởi ngoại duyên nữa mà nó trở về trạng thái tĩnh lặng, trong veo của thượng nguồn con nước.

     Đạo là biện pháp, là con đường thực hiện những động tác hữu hiệu, chính chắc nhất để đạt nguồn an lạc vĩnh hằng. Tiêu biểu là Bát chánh đạo – Tám con đường cao quý giúp hành giả hoàn thiện mục đích cuối cùng của mình. Cũng như toa thuốc mà vị lương y đã kê ra cho người bệnh mua và những lời chỉ dẫn mà bệnh nhân cần phải y theo để lành bệnh. Đạo đế cũng là nền tảng của giáo lý Phật giáo được xây dựng trên căn bản Giới – Định  – Tuệ. Có thể nói, đây là con đường tối thắng nhất trong việc tìm về với Niết bàn tịch tĩnh.

     Từ bốn nội dung trên đã khẳng định Tứ diệu đế là nền tảng của toàn bộ giáo lý Phật giáo vì nó đã làm lay tỉnh, chuyển đổi tâm hồn con người từ chỗ u tối tiến đến bình minh của hiểu biết chắc thật về vũ trụ và nhân sinh. Nó vạch cho chúng ta thấu ngộ mọi huyễn mộng của thế gian để thoát ly sự đắm say đối với năm trần dục. Nó không đề cập đến những triết học rỗng hay những hý luận hấp dẫn, mơ hồ mà chỉ dẫn thẳng cho ta một thực trạng trước mắt là khổ và con đường diệt khổ, đạt an vui ngay đây cho những ai làm được, đạt được một cách hùng mạnh, chắc thật với tầm tay chí nguyện của mình như Đức Thế Tôn đã từng lặp đi lặp lại trong các kinh: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”. Tôn giả Xá Lợi Phất thì tuyên bố: “Chư hiền giả, ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ Thánh đế” (Trung Bộ I – Tượng Tích Dụ Đại Kinh). Điều này mang ý nghĩa toàn bộ giáo lý đều được quy vào, thu vào trong Tứ diệu đế. Nói cách khác, dù kinh điển Bắc tông hay Nam tông, Tiểu thừa hay Đại thừa, Thinh Văn hay Bồ Tát khi bàn đến chứng ngộ chân tâm cũng không ra ngoài kết luận trên. Nghĩa là, giáo lý Phật giáo đặt căn bản trên Giới – Định – Tuệ thì phần giáo lý Đạo đế đã trình bày nên nói toàn thể giáo lý không ra ngoài giới vực Tứ diệu đế. Có lẽ vì thế mà trải qua không gian và thời gian, dù nhân loại đã bước những bước khá dài trên nền văn minh vật chất, Tứ diệu đế vẫn luôn là dòng chảy ngọt ngào, là la bàn cho hành giả giữa biển sanh tử trùng trùng.

2a-hoa-sen-vang-thiet-bi-do-luong

     Để trở thành một giáo lý căn bản, không phải nó được thiết lập bởi một Thiên sứ nào trên cao bay xuống cứu chuộc tội lỗi cho con người mà nó được xuất phát từ sự thật tu, thật chứng bằng đôi chân trần của một vị Sa môn. Do đó, nó là giáo lý thiết thực nhất chỉ cho con người xây dựng đời sống minh triết của mình ngay trong hiện tại. Đây là lần đầu tiên, thân phận con người được đem ra phân tích, đánh giá một cách sáng suốt rằng mọi thứ trong cuộc đời chỉ là khổ: tam khổ, bát khổ và luân hồi khổ. Cảm nhận được như thế, hành giả mới có sự khao khát truy tìm nguyên nhân và phương cách để thoát khỏi nó. Bằng trí giác tỉnh của mỗi tự thân, ta phải thấu đáo rằng nguyên nhân của mọi khổ đau ở đây chính là phát xuất từ mọi hành tác mà ta đã phóng ra bởi sự xúi giục của vô minh và vọng tâm đeo níu quá mạnh những khát ái của dương trần. Sau khi thấu ngộ được nguyên nhân rồi ta sẽ hướng tầm nhìn chánh kiến để phân định lối đi thích hợp. Đây là lúc ta không còn dại khờ lạc lối vào chợ đời ngũ dục với mọi quảng cáo ấm êm, tạm bợ nữa mà thắp sang lên ngọn đuốc trí huệ lung linh, vĩnh cửu trong tâm thức ta.

Phat-Thich-Ca-Mau-ni

     Như vậy, Tứ diệu đế là giáo pháp trang bị cho ta một thái độ nhận thức siêu tuyệt về nhân sinh. Nó trao cho ta một gói hành trang quý báu trong việc thực hiện cụ thể nhất, đúng nhất một đời sống cao quý bắt đầu từ chỗ chuyển hóa tâm hồn. Có an lạc, hạnh phúc thì bóng tối khổ đau, hệ lụy mới được đẩy lùi. Điều này trong gần 50 năm khai hóa, những ai có cơ may gặp Phật trên lưu vực sông Hằng đều cảm nhận được. Qua hơn 2500 năm lưu truyền từ sông này đến núi nọ, Đức Phật vẫn trung thành mãi mãi với định thức như một khẩu lệnh sáng tỏ muôn đời là chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc cho những ai khao khát tìm hiểu đâu là nẻo về, đâu là bến đỗ cuối cùng của con tàu sinh tử. Có lẽ đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất nội dung cuộc đời, thân phận con người được nói đến với một sự thấu biết toàn triệt, sâu sắc nhất. Và giá trị của ý chí con người được công khai làm thành một vấn đề tối quan trọng là từ con người, với sự nỗ lực có khả năng biến mình thành Thánh – Phật. Có thể nói, Tứ diệu đế là viên ngọc quý báu nhất mà đức Phật đã trao cho chúng ta để tự giải thoát lấy mình.

Tiểu Hạ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here