Năm Trăm Bộ Sách – Vỏn Vẹn Ba Câu

0
157

Chuyện kể rằng, ở xứ Ba Tư xa xưa kia có một  vị vua tên là Zémin. Lên ngôi khi còn trẻ nên nhà vua rất hăng say tìm hiểu đủ thứ. Vua tập  hợp các vị bác học đến từ khắp mọi nơi và yêu cầu các nhà thông thái này hãy biên soạn cho nhà vua một bộ toàn thư đúc kết tinh hoa tư tưởng của nhân loại.

Hai mươi năm sau, những nhà bác học này hẹn gặp nhau tại triều đình để cùng dâng lên vua công trình nghiên cứu của họ. Tất cả công trình chứa đựng trong 500 bộ sách và chất đầy trên lưng mười hai con lạc đà.

Nhà vua Zémin lúc đó đã hơn bốn mươi tuổi.

– Trẫm đã già rồi và đâu có thì giờ để đọc hết 500 bộ sách này của chư khanh, vậy chư khanh hãy nên tóm tắt lại nữa đi để trẫm có thể đọc được.

Các học giả lục tục trở về và hai mươi năm sau, họ lại đến yết kiến vua Zémin với ba con lạc đà chở sách mà thôi. Nhưng vua Zémin đã sáu mươi tuổi và cũng yếu lắm rồi.

– Chư khanh cố rút ngắn nữa đi. Trẫm không còn hơi sức nào để đọc nhiều được nữa.

Mười năm sau, các học giả trở lại và chỉ có một con lạc đà chở sách. Vua Zémin giờ đã bảy mươi tuổi hơn và mắt đã mờ, ông ta không thể đọc được một chữ nào. Zémin đòi tóm tắt nữa. Các học giả cũng đã quá già yếu như vua và cố gắng tóm tắt cuộc thế nhân sinh một lần nữa và năm năm sau, họ lụm khụm quỳ trước bệ rồng dâng lên chỉ một pho sách mà thôi.

Vua Zémin thều thào nói qua hơi thở yếu ớt:

– Ta đây sắp chết rồi mà vẫn chưa thấu triệt được chủ đích cuộc đời và con người.

Quỳ trước bệ rồng, vị học giả già nhất tâu rằng:

– Bệ hạ, thần đây sẽ giải thích cho bệ hạ cuộc phù thế nhân sinh chỉ vỏn vẹn gồm trong ba câu mà thôi; đó là: Con người sanh ra, chịu đau khổ và cuối cùng thì chết.

Ngay lúc đó, nhà vua mỉm một nụ cười và băng hà. (Theo Bình bát và Thiền trượng – bản Pháp ngữ  Le Bol et Le Bâton của Albin Michel – Việt dịch Thích nữ Minh Tâm)

—o0o—

Bài Học Đạo Lý

Chuyện hiếu học của vua Zémin thật đáng ca ngợi. Nhưng học cái gì trong kho tàng kiến thức mênh mông kia để mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân mới là điều cần bàn. Học nhiều hiểu rộng các lãnh vực bên ngoài càng nhiều càng tốt nhưng quan trọng nhất là phải hiểu được chính bản thân mình. Ta là ai? Từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Bản chất và giá trị đích thực của đời sống là gì?

Học đã khó, thể nghiệm và thực chứng những điều đã học, đã biết lại càng khó khăn hơn. Có không ít vấn đề chỉ học trong vài giờ nhưng phải thể nghiệm suốt cả cuộc đời. Vua Zémin ôm mộng học hết tinh hoa tư tưởng của nhân loại nhưng rồi bận rộn trăm công ngàn việc và tuổi cao sức yếu nên chẳng đọc được chữ nào. Tuy vậy, ông vẫn tự chiêm nghiệm về con người và cuộc đời nên khi được các bậc hiền sĩ xác chứng “con người sanh ra, chịu đau khổ và cuối cùng thì chết” đã hoan hỷ nhắm mắt ra đi.

Đúc kết “Năm trăm bộ sách-Vỏn vẹn ba câu” xem ra vẫn còn nhiều. Tam tạng Thánh điển Phật giáo bao la trời biển có thể gói gọn vào duy nhất một chữ Không. Liễu ngộ được tánh Không thì thấu triệt tất cả pháp, thành tựu giải thoát, an lạc và tự tại.

BẠCH VÂN