Tóm tắt
1. Hạn giữ y dư (10 ngày) 2. Lìa y mà ngủ 3. Hạn cất vải dư (1 tháng) 4. Xin y không thân 5. Nhận vải quá phần 6. Xin thêm tiền y 7. Khuyên chung tiền lại 8. Đòi quá 6 lần 9. Cầm giữ tiền của 10. Mua bán bảo vật 11. Bán mua đổi chác 12. Xin bát quá phần 13. Không thân xin nhờ 14. Bảo thợ dệt thêm 15. Cho rồi đoạt lại |
16. Cất chứa nhiều đồ 17. Giữ y cúng gấp 18. Xoay nhiều về một 19. Đòi vầy đòi khác 20. Pháp đường thành y 21. Xoay một về nhiều 22. Cúng vầy xoay khác 23. Xin vầy xoay khác 24. Chứa nhiều bát tốt 25. Chứa nhiều đồ đẹp 26. Không cho bệnh y 27. Dùng y phi thời 28. Đổi rồi đòi lại 29. Áo dày quá giá 30. Áo mỏng quá giá |
- GIỮ Y QUÁ HẠN:
Phật ở Xá vệ chế giới tỷ kheo không được giữ quá 3 y. Vào một mùa an cư, tôn giả A nan được cúng dường một tấm y ca sa đẹp. Ngài đã có đủ y, nhưng muốn giữ cái y này để dành cúng tôn giả Ca diếp đang an cư xa chưa về, mà lại sợ phạm giới bèn đến bạch Phật. Phật hỏi: “Ca diếp chừng nào về đến?”
A nan thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, khoảng mười ngày nữa”.
Phật bèn chế giới hạn cho phép chứa y dư là trong vòng 10 ngày, quá hạn ấy phải bạch tăng để làm phép “tịnh thí”. Tịnh thí có hai loại, là “chân thật tịnh khí” và “triển chuyển tịnh thí”. Loại một là cho đứt một người nào chưa đủ ba y. Loại hai là sau khi bạch chúng để xả y dư, đương sự nói lên tên người mình muốn cho, rồi mỗi khi cần dùng những y ấy, thì phải mượn. (Theo HT Trí Quang).
Theo Ni sư Phật Oanh thì trong pháp “chân thật tịnh thí” đương sự phải hỏi chủ mới được mặc, còn “triển chuyển” thì khỏi cần hỏi cũng mặc được, không phạm.
Chân thật tịnh thí thì ở giữa chúng, đương sự tác bạch với một vị như sau: “Bạch đại đức, tôi có y dư này chưa làm pháp tịnh thí, nay muốn thanh tịnh nên xả cho đại đức”.
Triển chuyển tịnh thí thì bạch:
“Bạch đại đức, tôi có y dư chưa làm pháp tịnh thí, nay muốn thanh tịnh nên xả cho đại đức. Xin đại đức triển chuyển tịnh thí giùm tôi”.
Vị thọ tịnh trong trường hợp này nên nói:
“Đại đức, xin nghe cho. Đại đức có y dư, chưa tác tịnh, vì muốn thanh tịnh nên cho tôi, tôi sẽ nhận”.
Nhận xong lại hỏi:
“Nay đại đức muốn tôi chuyển cho ai?”. Đương sự đáp: “Cho vị tên Cột”.
Vị thọ tịnh nên nói:
“Đại đức, xin nghe cho. Y dư của đại đức chưa tác tịnh, vì muốn thanh tịnh nên cho tôi. Nay tôi nhận để cho vị tên Cột. Nhưng vị tên Cột đã có đủ y, vậy đại đức nên vì Cột mà giữ gìn y ấy, khi cần thì cứ lấy mà mặc”.
Nguồn:budsas.org