Các thiền sinh thường theo học với thầy ít nhất là mười năm mới được xem là có thể chỉ dạy người khác. Thiền sư Tenno đã trải qua giai đoạn này và trở thành một bậc thầy. Một hôm, ngài đến viếng thiền sư Nan-in.[47]
Tình cờ, hôm ấy lại là một ngày mưa suốt nên ngài Tenno phải đi guốc gỗ và mang theo dù. Sau khi chào hỏi, thiền sư Nan-in nói: “Tôi nghĩ là ông đã để guốc lại bên ngoài tiền sảnh. Tôi muốn biết ông đã đặt cái dù bên phải hay bên trái đôi guốc.”
Ngài Tenno lúng túng, không có câu trả lời ngay. Ngài nhận ra ngay là mình chưa có khả năng thực hành thiền một cách miên mật. Ngài trở thành học trò của thiền sư Nan-in và tu tập thêm 6 năm nữa mới đạt được công phu thiền miên mật.
Viết sau khi dịch
Nói thiền là một môn học cũng đúng, nhưng dường như không đủ! Thiền chú trọng vào sự thực hànhtrong đời sống, nên dù học hiểu suốt đời cũng vẫn không có khả năng nhận biết được thiền. Dù vậy, thời gian tối thiểu mười năm sống với thầy, nếu không phải để học thì là gì? Chỉ nên nhớ rằng, với thiền thì sự học hỏi không thôi là chưa đủ, mà cần phải có sự vận dụng, thực hành trong đời sống, và phải là trong từng giây phút không gián đoạn.
Nguồn:thuvienhoasen.org