Muốn Chưng Tượng Bồ-Tát Để Chiêm Ngưỡng Nhưng Sợ Thất Lễ

0
237
HỎI: Nhà tôi có tôn trí một pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên (nhỏ), tượng đặt ở trước sân khá rộng, quay mặt thẳng vào nhà. Vì ở nhà nóng bức nên tôi hay cởi trần đi lại ngoài sân; và thỉnh thoảng nhà có tiệc tùng cũng bày biện ngoài sân, vô hình trung những việc này xảy ra trước mặt Ngài nên tôi rất sợ thất lễ, bị quả báo. Không biết như vậy có gì bất kính không, nếu có phải làm sao? 

Gần đây, tôi thấy một pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm (tượng trưng bày chứ không phải tượng thờ) dáng ngồi rất đẹp, ung dung tự tại. Tôi muốn thỉnh Ngài về chưng giữa phòng khách để chiêm ngưỡng cũng như trang trí nhưng e ngại tôn trí tượng Ngài mà không thờ cúng, chỉ để ngắm nhìn thì sợ thất lễ, với lại phòng khách nhà tôi lúc nào cũng đông người… Mong quý Báo hướng dẫn để tôi được an tâm cũng như thỏa lòng nguyện ước.

(MINH PHƯƠNG, vietholidaytourist@gmail.com)

IMG_1937.JPG
Tư gia Phật tử Chúc Lực ở Nông Sơn (Quảng Nam)
thờ tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm – Ảnh minh họa của L.Đ.L

ĐÁP: Bạn Minh Phương thân mến!

Không gian trước bàn thờ Phật, Bồ-tát là khu vực linh thiêng. Mỗi khi có việc cần đi ngang qua gian thờ, người ta luôn cúi đầu để tỏ bày cung kính. Trong trường hợp nhà cửa chật hẹp, không có không gian thờ riêng (bàn thờ tích hợp với phòng khách chẳng hạn), thì mọi sinh hoạt trước bàn thờ như đi lại, tiếp khách, xem truyền hình… vẫn bình thường nhưng luôn giữ tâm thành kính.

Nhà bạn có thờ Bồ-tát lộ thiên ở trước sân, mặt tượng hướng thẳng vào nhà. Khi trời nóng bức, bạn muốn cởi trần đi bộ ngoài sân thì nên ý tứ đi về một bên, không đi quá gần, nhất là hạn chế qua lại ngay trước mặt Ngài. Khi bạn muốn ăn uống, tiệc tùng ngoài sân cũng vậy, bạn hãy dịch chuyển bàn ăn về một bên (so với tượng Ngài), rồi ăn uống bình thường. Việc chuyển dịch về một bên chính là biểu thị sự tôn kính. Bồ-tát luôn thấu hiểu, chứng minh cho lòng tôn kính của bạn nên không mắc tội.

Bạn muốn chưng một pho tượng Bồ-tát (dạng tượng trưng bày, không phải tượng thờ) trong phòng khách để chiêm ngưỡng đồng thời cũng để trang trí là điều bình thường. Tuy không phải là tượng thờ, không cúng kính nhưng cũng cần có sự trang nghiêm nhất định trong việc tôn trí Ngài.

Nếu bạn tìm được một nơi trang trọng trong phòng khách để tôn trí tượng Bồ-tát, hàng ngày chiêm ngưỡng để học theo hạnh nguyện của Ngài thì không có gì phải lo thất lễ, ngược lại còn được phước.

Nguồn: giacngo.vn