Trao Đổi Về Bài: Sau Khi Chết Xác Thân Chỉ Là “Đất”

0
178

Ông bà tổ tiên sau khi chết thì tùy nghiệp tái sinh vào lục đạo, các vị ấy không ở trên bàn thờ…

HỎI: Tôi không đồng ý với câu trả lời của Tổ Tư vấn (TTV) về bài Sau khi chết xác thân chỉ là “đất”, đăng trên Giác Ngộ số 822, với 2 vấn đề dưới đây:

1. Còn việc bạn “mơ thấy cha hiện về, ông có điều gì đó phản ứng rất dữ dội” chỉ là biểu hiện của chính tâm thức bạn. Vì bạn suy nghĩ quá nhiều về điều ấy nên tâm bạn tự “nhào nặn” thành giấc mơ, hoàn toàn không phải là cha của bạn về báo mộng hay chưa tái sinh. Xin hỏi TTV dựa vào đâu mà phát biểu như vậy? Nếu đó chỉ là suy luận thì tôi nghĩ là không nên, vì từ suy luận đến thực tế khác xa lắm. Hơn nữa giác quan và tri thức của con người rất hữu hạn so với thực tại của vũ trụ.

2. Kinh Phật dạy rằng, một người chết đi lập tức tái sanh nếu sinh thời tạo nghiệp cực thiện hoặc cực ác. Còn nếu tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn có thể trải qua thân trung gian, tối đa 49 ngày là tái sinh. Cha của bạn mất đã 29 năm, dĩ nhiên đã theo nghiệp tái sinh, không hề có chuyện “ông vẫn còn tham dự vào chuyện gia đình”. Vậy thì cúng Mông Sơn thí thực là để làm gì? Có phải vì lòng từ bi của nhà Phật mà đem thức ăn cho những chúng sanh đang đói khát hay không? Theo tôi biết, những chúng sanh đang đói khát đó chính là những người đã chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai. Trong kinh sách nhà Phật cũng nói rất nhiều về điều này. Thiết nghĩ, TTV nên trả lời những gì mình biết chứ không nên tùy tiện suy diễn.

(QUỲNH, quynhuyenvo@gmail.com)

a tu van.jpg
Ảnh minh họa

ĐÁP: Bạn Quỳnh thân mến!

Trước hết, chúng tôi xin chân thành tri ân sự phản hồi của bạn. Trong quá trình học tập giáo pháp, sự thành tâm trao đổi, luận bàn có vai trò rất quan trọng giúp chúng ta soi sáng lẫn nhau để tin hiểu Chánh pháp sâu sắc hơn.

Vấn đề 1, bạn hỏi, dựa vào đâu mà phát biểu như vậy? Xin trả lời, chúng tôi đã dựa vào Chánh pháp. Theo một số kinh, luận (A-tỳ-đàm), cái gọi là giấc mơ hay chiêm bao có thể được tạo ra do nhiều nguyên nhân: Một giấc mơ có thể hình thành do những tác động sinh lý trong cơ thể, do sự tồn đọng của những hồi ức lúc thức, do sự tác động của một ngoại nhân có thần lực, hoặc chiêm bao cũng có thể là một điềm báo được tạo ra do sự chiêu cảm của nghiệp lực cá nhân hay tập thể.

Nói chung, hầu hết các giấc mơ đều là sản phẩm của tâm thức, là biểu hiện của chính tâm thức chúng ta. Tất cả các ý niệm, nhận thức, kinh nghiệm… của con người được lưu trữ trong tâm (tàng thức), tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh mà biểu hiện thành những giấc mơ với nội dung khác nhau.

Chúng tôi tán đồng nhận định “giác quan và tri thức của con người rất hữu hạn so với thực tại của vũ trụ” của bạn, nhưng tin vào báo mộng của người chết là chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi không suy luận hay suy diễn mà hiểu rõ, giáo lý của đạo Phật không chủ trương tin vào báo mộng của người chết.

Nói rõ hơn, báo mộng là tín niệm dân gian. Tín niệm này vốn ăn sâu vào nhận thức của nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Tin vào báo mộng của người chết hay không là quyền của mỗi người, nhưng dưới ánh sáng chánh kiến của Phật giáo, mộng mị vốn là huyễn, không thực. Vì thế, Đức Phật không khuyến khích học tập các dị thuật như chiêm tinh, đoán mộng v.v…, thậm chí còn ngăn cấm.

Vấn đề 2, bạn hỏi, vậy cúng Mông Sơn thí thực để làm gì? Xin trả lời, cúng Mông Sơn thí thực nhằm bố thí thức ăn cho loài Ngạ quỷ đói khát được no đủ. Kinh điển nhà Phật nói rõ các chúng sanh trong lục đạo (thuộc Dục giới) bao gồm: Trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Những chúng sinh nào tập nghiệp tham lam, bỏn sẻn nặng nề sau khi chết sẽ tái sinh (đầu thai) vào loài Ngạ quỷ.

Cần xác định “những chúng sanh đang đói khát” ấy chính là loài Ngạ quỷ, một số ít khác thuộc chúng quỷ thần, chứ không phải là “những người chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai”.

Cụ thể hơn, Phật giáo Nam truyền không chủ trương có thân trung ấm, chết là tái sinh tức khắc. Phật giáo Bắc truyền chủ trương con người chết đi có thọ thân trung ấm, trong thời gian thọ thân trung ấm vẫn có thể thọ dụng thực phẩm (mùi hương) do người thân hiến cúng, nhưng tối đa khoảng 49 ngày là tái sinh. Phật giáo Tạng truyền (Mật tông Tây Tạng) cho biết, một số rất ít các thân trung ấm có thể kéo dài hơn 49 ngày, nhưng đó là những trường hợp cá biệt.

Vì vậy, chúng ta thờ cúng ông bà tổ tiên nhằm thể hiện lòng hiếu kính và tri ân. Ông bà tổ tiên sau khi chết thì tùy nghiệp tái sinh vào lục đạo, các vị ấy không ở trên bàn thờ, và do nghiệp duyên nơi loài mà các vị ấy đã tái sinh vào cũng khác biệt nên không dễ hội đủ nhân duyên để can thiệp vào đời sống của chúng ta.

Mặt khác, không nên xem loài Ngạ quỷ (đã đầu thai), phần lớn cộng cư với loài người, thường được loài người cúng thí thực phẩm là “những người chết mà họ không đủ duyên để đi đầu thai”.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn