Tôn Trí Tượng Phật Niết-Bàn Theo Hướng Nào?

0
275

Tôn trí  tượng Phật Niết-bàn theo bất kỳ hướng nào cũng được phước báo vô lượng.

HỎI: Chùa tôi được Phật tử tiến cúng pho tượng Phật Thích Ca Niết-bàn bằng đá trắng, dài 8m để tôn trí trên dãy núi bên phải ngôi chùa (TP.Hà Nội). Vì chùa dựa lưng vào núi, nhìn ra hồ, nên tượng Phật Niết-bàn cũng đặt như theo hướng như vậy. Tượng đầu gối tay phải hướng về phía Đông nam, chân duỗi Tây bắc, lưng hướng Tây nam, mặt nhìn hướng Đông bắc.

Tuy nhiên khi xây xong bệ và chuẩn bị đặt tượng thì có nhà phong thủy đến nói rằng đặt tượng Phật Niết-bàn như vậy là sai phương hướng. Cụ thể theo sử liệu Phật giáo, khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn, Ngài quay đầu về hướng Bắc, chân duỗi về hướng Nam, mặt hướng phía Tây, lưng hướng phía Đông.

Theo phong thủy, hướng Đông nam thuộc cung Tốn (Gió – Biển – Mẹ), hướng Tây bắc thuộc cung Càn (Trời – Núi – Cha). Như vậy, đầu tượng Phật Niết-bàn hướng Đông nam, chân đạp Tây bắc là sai với sử liệu. Còn theo phong thủy thì bị ngược hướng (chân đạp lên trời, đầu quay xuống biển), trái với kinh nghiệm dân gian. Nên nhà chùa cần phải chọn vị trí khác để đặt tượng, hoặc muốn đặt tại vị trí cũ thì phải tạc pho tượng khác quay theo chiều ngược lại, đầu gối tay trái, quay phía Đông bắc nhìn ra hồ. Họ còn nói rằng nếu cứ đặt theo hướng như cũ thì thầy trụ trì và dân làng sẽ gặp phải nhiều rủi ro, hoạn nạn khôn lường, chùa chiền sẽ lụn bại dần.

Đứng trước tình thế hiện nay quả thật tôi và dân làng rất hoang mang và bối rối, không biết nên làm thế nào, họ nói như thế là đúng hay sai? Có phải tạc lại pho tượng đầu gối tay trái, hướng phía Đông bắc để hợp phong thủy không? Tượng Phật Niết-bàn hướng Đông nam hoặc các hướng khác có ảnh hưởng gì không? Và đã có nơi nào đặt như vậy chưa? Kính nhờ quý Báo hoan hỷ tư vấn giúp.

(THÍCH ĐẠO QUÝ, thichdaoquy.chuabode@gmail.com)

ĐÁP: Thầy Đạo Quý thân mến!

Theo kinh điển Phật giáo ghi lại, lúc Phật Thích Ca nhập Niết-bàn “đầu gối lên tay phải quay về hướng Bắc, chân duỗi về hướng Nam, mặt hướng Tây, lưng hướng Đông”. Đây là một đặc điểm quan trọng của “Niết-bàn tướng”. Do đó, việc đầu tiên là không thể sửa lại pho tượng đầu gối lên tay trái, vì như thế là sai với quy chuẩn của tượng Phật Niết-bàn.

Mặc dù kinh điển có ghi lại sự kiện Đức Phật nhập Niết-bàn quay đầu về phương Bắc nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các pho tượng Phật Niết-bàn hiện nay đều phải quay về phương Bắc mà tùy nhân duyên, vị trí của mỗi ngôi chùa. Căn cứ vào vị trí thực tiễn của ngôi chùa (đóng vai trò trung tâm) mà thiết trí tượng Phật Niết-bàn sao cho cân xứng, hài hòa với tổng thể. Và như thế, tượng Phật Niết-bàn có thể tôn trí theo các hướng khác nhau chứ không nhất thiết phải rập khuôn quay đầu về hướng Bắc.

Riêng vấn đề góp ý của nhà phong thủy, “nếu cứ đặt theo hướng như cũ (chân đạp lên trời, đầu quay xuống biển) thì thầy trụ trì và dân làng sẽ gặp phải nhiều rủi ro, hoạn nạn” dù không mấy xác tín nhưng thầy cần lưu tâm, xem xét lại vì nhiều lẽ.

Trước hết, cần phải xác định rằng, người con Phật luôn tôn trọng thuật phong thủy nhưng không lệ thuộc vào nó. Theo tinh thần Chánh kiến của Phật giáo thì việc tôn trí và phụng thờ một pho tượng Phật Niết-bàn theo bất kỳ hướng nào cũng được phước báo vô lượng, không hề có chuyện thờ Phật mà “thầy trụ trì và dân làng sẽ gặp phải nhiều rủi ro, hoạn nạn”. Nhưng vì chùa chiền (nhất là ở xứ Bắc) hầu hết là của làng, của dân và đại bộ phận dân chúng dù tin Phật nhưng vẫn còn nặng tin vào phong thủy nên vị trụ trì phải cân nhắc để tùy duyên ứng xử sao cho dân làng an lòng.

Kế đến, vì niềm tin phong thủy đã ăn sâu vào tâm thức nên những biến động thăng trầm trong đời sống của dân làng, nếu có, thay vì họ tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục thì lại đổ lỗi cho pho tượng Phật trên chùa đặt sai hướng là điều rất bất lợi cho chùa. Đó là chưa kể đến việc những thế lực không muốn ngôi chùa phát triển tại địa phương thì họ có ngay cơ hội vàng để thực hiện ý đồ xuyên tạc hoặc chống phá.

Sứ mạng của ngôi chùa là điểm tựa đạo đức và tâm linh, luôn mang đến an lành cùng thịnh vượng cho dân làng, xứ sở. Vì thế, nếu bà con chưa đủ Chánh kiến, trong tinh thần “tùy thuận chúng sanh”, nhằm để dân làng an lòng và tránh đi những dị nghị không cần thiết về sau, thầy có thể điều chỉnh lại thiết kế, tìm một địa điểm khác đặt tượng phù hợp hơn.

Chúc thầy tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn