Khuyên Chồng Hướng Thiện

0
228

HỎI: Tôi là một Phật tử chuyên tu Tịnh độ. Tôi rất muốn chồng chuyển tâm tịnh tín với Phật pháp nên thường mở băng giảng của quý thầy để cả nhà nghe. Những lúc rảnh tôi đưa chồng đến thăm chùa và tiếp xúc với quý thầy. Khi đến các chùa, một số nơi được nghe quý thầy nói chuyện đạo lý, khuyến tấn hướng thiện rất hoan hỷ. Nhưng cũng gặp không ít cảnh một số quý thầy dùng bia đãi khách, cúng sao giải hạn, đốt giấy tiền vàng mã, tổ chức sinh nhật của mình rình rang, hoặc đúc tượng của mình để về sau thờ, hay chuyện một số chùa (ở miền Bắc) cúng đồ mặn…, toàn những điều không giống như các kinh sách, băng đĩa đã được đọc, được nghe. Từ đó, chồng tôi trở nên không thích đi chùa, thờ ơ với việc tìm hiểu Phật pháp. Tôi rất khổ tâm về điều này. Tại sao mỗi chùa làm mỗi cách khiến hoang mang, chao đảo niềm tin của Phật tử sơ cơ? Tôi phải làm gì để chồng tôi có được niềm tin và nương tựa Chánh pháp?

(DIỆU HIỀN, dieutuydieuhien@gmail.com)

220_presentthumbbig.jpg

ĐÁP:

Bạn Diệu Hiền thân mến!

Bạn đã có được niềm tin sâu sắc vào Tam bảo, chuyên tâm tu học với pháp môn Niệm Phật trong đời sống hàng ngày là điều rất quý hóa. Bạn ước mong và nỗ lực tìm cách để người bạn đời của mình cũng tin sâu Tam bảo, cùng phát tâm tu học với bạn và các con là điều cần thiết, nên làm, vì cả nhà cùng biết tu tập sẽ trợ duyên cho nhau tinh tấn hơn.

Tuy vậy hiện bạn vẫn chưa hài lòng, vì sau nhiều cố gắng “dìu dắt” anh ấy đi chùa, tiếp xúc với một số quý thầy mà anh vẫn chưa phát khởi được niềm tin Chánh pháp, thậm chí còn có những ý kiến phản biện về một số sinh hoạt nơi chùa chiền đã khiến bạn ít nhiều bối rối, có phần bất an. Bạn không nên lo lắng quá, vì theo chúng tôi, chồng của bạn đã có tâm quan sát, tìm hiểu Phật pháp nên mới đưa ra những nhận xét và bày tỏ quan điểm của riêng mình.

Điều quan trọng nhất ở đây là những vấn đề mà chồng của bạn thấy chưa thuyết phục được mình, như là “một số quý thầy dùng bia đãi khách, cúng sao giải hạn, đốt giấy tiền vàng mã, tổ chức sinh nhật của mình rình rang, hoặc đúc tượng của mình để về sau thờ, hay chuyện một số chùa (ở miền Bắc) cúng đồ mặn…”, chỉ là những vấn đề có tính cá nhân, là phương tiện tùy duyên chứ không phải cốt tủy của Phật pháp.

Những ai quan tâm tìm hiểu giáo pháp của Đức Phật mà chỉ thông qua các sinh hoạt tín ngưỡng như ma chay cầu cúng ở chùa viện hiện nay thì sẽ khó nhận ra tinh yếu lời Phật dạy. Vì thế, rất dễ hiểu và cảm thông cho anh ấy, sau khi đi tham quan một số chùa về đã thẳng thắn bày tỏ cảm nhận một cách khá chủ quan rằng “toàn những điều không giống như các kinh sách, băng đĩa đã được đọc, được nghe”.

Vì một số sinh hoạt ở chùa chiền không giống như trong kinh sách nên anh ấy tỏ ra thất vọng, điều dễ thấy ở những người mới phát tâm tìm hiểu giáo pháp, nhất là giới trí thức. Nhưng ngay đây cũng cho thấy, chồng của bạn bước đầu đã có nhận thức đúng đắn và cảm tình tốt đẹp với Phật pháp thông qua việc tìm đọc kinh sách, nghe băng giảng. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để anh ấy nhận thức Phật pháp và thiết lập lòng tin lâu dài về sau. Vì lòng tin Tam bảo được thiết lập với tuệ giác tuy chậm nhưng vững chắc,  đó cũng là cơ sở của tín tâm theo Phật giáo.

Phật pháp có cứu cánh và phương tiện, cứu cánh thì bất biến còn phương tiện thì tùy duyên (tùy duyên nhưng bất biến). Nhận thức đúng về cứu cánh (tinh túy của giáo pháp) thì mới có thể hiểu và dễ dàng cảm thông với việc vận dụng các phương tiện, tùy lúc, tùy nơi và tùy người mà uyển chuyển cho phù hợp nhằm xã hội hóa Phật pháp.

Chúng tôi nghĩ rằng, để dìu dắt anh ấy đến với đạo, trước hết bạn phải tạo điều kiện để anh tiếp xúc với kinh sách Phật giáo nhiều hơn nữa (nhất là những kinh sách ngoài tông phái Tịnh độ mà bạn đã có). Cứ để anh ấy tự do tìm hiểu giáo pháp một cách tự nhiên, không nên nóng vội vì mưa lâu sẽ thấm đất. Giáo pháp của Đức Phật là “đến để thấy” chứ không phải “đến để tin” nên những phản biện của người quan tâm tìm hiểu là cần thiết và luôn được trân trọng.

Kế đến, bạn luôn thể hiện được tinh thần trách nhiệm, bao dung, nhẫn nhịn, từ bi hỷ xả của người đệ tử Phật trong đời sống và ứng xử của chính bạn đối với chồng, con. Đây chính là những pháp thoại không lời góp phần trợ duyên cho chồng bạn thức tỉnh về những phẩm chất của người đệ tử Phật.

Mỗi người đến với đạo bằng một nhân duyên khác nhau. Điều chính yếu của niềm tin Phật là tin vào những lời dạy trong kinh điển của Ngài. Nên một khi đã thực sự hiểu rõ giáo pháp thì sự quy ngưỡng Tam bảo sẽ không xa, và những thành kiến trong anh ấy sẽ tiêu tan nhờ thấu suốt tinh thần phương tiện. Bởi thực tế thì không một ai hời hợt đến độ nhìn một vài chiếc lá vàng trên cây cổ thụ mà nghi ngờ về sức sống hàng ngàn năm qua của nó cả.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn