Khi Chưa Đổi Được Nghề Thì Nên Chuyển Bớt Nghiệp

0
401

Thất nghiệp cũng hàm chứa các nguy cơ cao cho những ác nghiệp khác phát sanh.

HỎI: Tôi năm nay 26 tuổi, vì biết đến Phật pháp khá trễ nên tôi đã quyết định sai trong việc chọn nghề cho mình. Cách đây 7 năm, tôi học ngành kinh tế thủy sản. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc văn phòng ở một công ty thủy sản. Hàng ngày chứng kiến cảnh các loài thủy tộc bị giết, tôi không thể nào chịu nổi. Tôi biết mình đã lãnh lương trên sự giết hại mạng sống của các loài tôm cá nên thật sự rất buồn và đã xin thôi việc, phát nguyện ăn chay trường. Tuy vậy, muốn tìm một công việc khác với chuyên ngành là điều rất khó khăn. Tôi thấy ngành sư phạm hợp với mình hơn, trở thành giáo viên hiện giờ đang là ước mơ đối với tôi. Nếu là  giáo viên tôi sẽ cống hiến hết sức mình vì các em học sinh và tranh thủ những tháng hè để đi làm từ thiện. Nhưng cha mẹ tôi hiện cũng đã lớn tuổi, tôi không muốn để cha mẹ buồn lòng. Mặt khác, sức khỏe của tôi cũng không được tốt lắm, nếu đi học lại, vừa học vừa làm để trang trải cho cuộc sống và học hành thì sẽ không kham nổi. Vậy tôi có nên đi học lại để đổi nghề theo ước mơ của mình trong hoàn cảnh này không? Mong quý Báo cho tôi một lời khuyên.

(MỸ NI, myny279@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Mỹ Ni thân mến!

Mỗi người sống trên đời ai cũng có ít nhất một nghề, dĩ nhiên mỗi nghề đều mang một nghiệp. Không có nghề nào ở đời mà chẳng tạo nghiệp cả. Ngay cả những nghề được xã hội tôn vinh là thầy như thầy thuốc, thầy giáo cũng vẫn có thể tạo ác nghiệp như thường. Thầy thuốc, nếu sơ suất có thể dẫn đến làm chết một hoặc nhiều người. Thầy giáo, nếu trao truyền tri thức sai lạc có thể dẫn đến phá sản nhiều thế hệ. Nên một người Phật tử làm nhân viên văn phòng cho công ty thủy sản, vì mưu sinh nên có cộng nghiệp giết hại là chuyện bình thường, có thể chấp nhận được.

Vì thế, khi bạn chưa có phương án tìm việc khác mà đã xin thôi việc ở công ty là điều vội vàng và thật đáng tiếc. Đúng ra, khi chưa tìm được việc làm khác thì bạn vẫn theo nghề và cố gắng chuyển những nghiệp xấu khác (như không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện) cũng như tăng cường làm việc thiện để vun bồi thêm phước đức của tự thân. Thực ra, bạn làm văn phòng nên không trực tiếp giết hại, chỉ mang cộng nghiệp sát hại mà thôi. Mà cộng nghiệp giết hại thì ai cũng có, kể cả những người ăn chay trường suốt đời cũng khó có thể tránh được cộng nghiệp này.

Trong hoàn cảnh của bạn, nếu không tìm được việc làm mới sẽ dẫn đến chật vật về tài chính. Mà lẽ thường ở đời thì “cùng tắc biến”, khi đời sống kinh tế tài chính khó khăn cũng dễ khiến người ta làm những việc sai trái, tạo ra ác nghiệp. Bạn nghỉ làm vì sợ tạo nghiệp ác, bạn thất nghiệp cũng hàm chứa các nguy cơ cao cho những ác nghiệp khác phát sanh. Nên theo chúng tôi, nếu được, thì bạn nên xin làm việc tại các công ty thủy sản theo đúng chuyên ngành một cách bình thường. Mặt khác, nếu bạn không muốn nhìn (nghe) thấy cảnh giết hại thì cũng có thể tìm một công việc chỉ đúng theo một phần của chuyên ngành (đại để như các ngành có kinh tế mà không thủy sản).

Hiện sức khỏe và tài chính thì bạn không mạnh; hoàn cảnh gia đình lại không mấy khá giả; sau khi học xong tìm việc cũng không phải dễ dàng. Vì thế, đi học sư phạm trong hoàn cảnh hiện nay của bạn, thiết nghĩ, không thiết thực và khả thi bằng đi làm.

 Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn