Không tịch thì ai còn có phiền não?

0
288

Hỏi:
Phiền não có 2:
– Nhuận nghiệp vô minh, nhuận là thắm nhuần phiền não quá khứ.
– Nhuận sanh vô minh là đi đầu thai nơi tình thức sanh khởi yêu ghét đối với cha mẹ.
Hai phiền não này vốn không có tự tánh, nếu ngộ được tự tánh thì chẳng có việc gì, tức là ngay đó không tịch thì ai còn có phiền não?
Đáp:
Không phải chỉ có hai pháp này không có tự tánh, mà tất cả đều không có tự tánh, chúng sanh và Phật cũng không có tự tánh. Tức là không có pháp nào mà có tự tánh! Vì tự tánh vô sở hữu, tất cả pháp đều là tâm, tâm đã vô sở hữu thì các pháp đều vô sở hữu.
– Thiền Sư Bổn Tịnh là họ Trương, quê Hán Châu, xuất gia lúc còn nhỏ, nơi Tào Khê được Lục Tổ ấn chứng, ẩn núi Tư Phong. Sau này, được nhà vua mời vào hoàng cung đàm luận với các vị cao Tăng.
– Thiền Sư Viễn hỏi: Ý của Thiền Sư cho thế nào là đạo?
Sư nói: Vô tâm là đạo.
Viễn nói: Đạo vì tâm mới có, đâu thể nói vô tâm là đạo?
Sư nói: Đạo vốn vô sanh, bởi tâm mới gọi là đạo. Tâm chỉ tên gọi, nếu mà thật có thì đạo cũng thật có. Tâm đã không tìm ra thì đạo do đâu mà lập? Cả hai đều hư vọng, thảy là giả danh.
Viễn nói: Thiền Sư thấy có thân tâm là đạo hay không?
Sư nói: Thân tâm của sơn Tăng vốn là đạo.
Viễn nói: Vừa mới nói vô tâm là đạo, nay lại nói thân tâm vốn là đạo, há chẳng phải ngược nhau ư!
Sư nói: Vô tâm là đạo, tâm diệt, đạo vô; tâm và đạo nhất như. Như nói vô tâm là đạo, thân tâm vốn là đạo, đạo cũng vốn là thân tâm; thân tâm vốn là không thì tìm cội nguồn của đạo cũng chẳng có.
Viễn nói: Thấy hình tướng Thiền Sư rất nhỏ mà lại hiểu lý này.
Sư nói: Đại Đức chỉ thấy tướng của sơn Tăng, chẳng thấy vô tướng của sơn Tăng, kẻ thấy tướng là Đại Đức cảm thấy. Kinh nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, nếu thấy tướng phi tướng tức là thấy đạo, nếu cho tướng là thật thì cũng chẳng thể thấy đạo.
Viễn nói: Nay Thiền Sư ở nơi tướng mà thuyết nơi vô tướng!
Sư nói: Kinh Duy Ma Cật nói: “Tứ đại vô chủ, thân cũng vô ngã thì sở thấy cùng đạo tương ưng. Đại đức! Nếu cho tứ đại có chủ là ngã, nếu có ngã kiến thì suốt kiếp chẳng ngộ đạo vậy.
Viễn nghe xong tâm không còn thắc mắc. Sư có kệ rằng:
Tứ đại vô chủ, lại như thủy,
Gặp cong gặp thẳng chẳng bỉ thử.
Hai chỗ tịnh uế chẳng sanh tâm,
Thông nhãn đâu từng có ý khác.
Gặp cảnh chỉ như thủy vô tâm,
Tung hoành trên đời có việc gì?
– Trí Minh Thiền Sư hỏi: Nếu vô tâm là đạo thì ngói đá vô tâm cũng là đạo, lại nói thân tâm vốn là đạo, tứ sanh thập loại có thân tâm cũng là đạo?
Sư nói: Nếu hiểu theo kiến, văn, giác, tri thì càng xa với đạo, tức là kẻ cầu kiến, văn, giác, tri, chứ không phải kẻ cầu đạo. Kinh nói: “Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý”, lục căn còn không có thì kiến, văn, giác, tri do đâu mà kiến lập? Tìm nguồn đã chẳng có thì chỗ nào còn tâm? Đâu thể đồng với cây cỏ ngói đá!
Trí Minh bịt miệng,
Sư có kệ rằng:
Kiến, văn, giác, tri vô chướng ngại,
Thanh, hương, vị, xúc thường tam muội.
Như ở nơi ‘không’ đều sanh ra,
Chẳng lấy chẳng xả chẳng yêu ghét.
Nếu nơi tiếp xúc vốn vô tâm,
Mới được gọi là Quán Tự Tại.
– Chân Thiền Sư hỏi: Đạo đã vô tâm, vậy Phật có tâm chăng? Phật với đạo là một hay là hai?
Sư đáp: Chẳng một cũng chẳng hai.
Hỏi: Phật độ chúng sanh là có tâm, đạo chẳng độ người là vô tâm; một độ một chẳng độ thì đâu thể chẳng hai?
Sư đáp: Nếu nói Phật độ chúng sanh, đạo thì chẳng độ, ấy là Đại Đức sanh vọng sanh nhị kiến, còn sơn Tăng không phải vậy! Phật là hư danh, đạo cũng vọng lập, cả hai đều chẳng thật, thảy đều là vọng sanh. Trong một cái giả làm sao phân ra làm hai?
Hỏi: Phật với đạo tuy là giả danh thì giả danh này ai lập? Nếu có kẻ lập thì đâu thể nói không?
Sư đáp: Phật với đạo bởi tâm mà lập, tuy lập nhưng tâm vẫn là không, tâm đã là không liền ngộ cả hai đều chẳng thật, biết như mộng huyễn thì ngộ vốn không, cưỡng lập hai tên thật với giả, ấy là kiến giải của Nhị thừa.
Do đó, Sư thuyết kệ vô tu vô tác rằng:
Thấy đạo mới tu đạo,
Chẳng thấy là sao tu?
Tánh đạo như hư không,
Hư không lấy gì tu?
Quán khắp người tu đạo,
Vạch lửa tìm bọt nước.
Thấy xem hát múa rối,
Dây đứt hết cả thôi.
– Pháp Không Thiền Sư hỏi: Phật với đạo đều là giả danh, vậy 12 phần giáo cũng không phải thật. Tại sao các tôn túc xưa kia đều nói tu đạo?
Sư đáp: Đại Đức hiểu lầm ý người xưa rồi, đạo vốn vô tu, mà Đại Đức cưỡng tu! Đạo vốn vô tác, mà Đại Đức cưỡng tác! Đạo vốn vô sự, mà lại cưỡng sanh nhiều sự, đạo vốn vô tri, mà cưỡng sanh nhiều tri. Kiến giải như thế là trái ngược với đạo. Các tôn túc xưa chẳng nên như thế, chỉ vì Đại đức chẳng hiểu thôi, suy nghĩ kỹ xem!
Sư có kệ rằng:
Đạo thể vốn vô tu,
Vô tu tự hợp đạo.
Nếu khởi tâm tu đạo,
Người ấy chẳng hiểu đạo.
Bỏ mất tánh nhất chân,
Lại vào chỗ náo nhiệt.
Bổng gặp người tu đạo,
Tốt nhất chớ hướng đạo.
– Am Thiền Sư hỏi: Đạo đã giả danh, Phật cũng vọng lập, 12 phần giáo dùng để thuyết Phật độ sanh, tất cả đều vọng thì lấy gì độ sanh?
Sư đáp: Vì có vọng nên mới lập chân để đối trị cái vọng, nay truy tìm tánh vọng vốn không thì chân cũng đâu có. Nên biết chân vọng đều là giả danh, hai việc đối trị với nhau nên chẳng thật thể. Suy tìm cội gốc thì tất cả đều không.
Hỏi: Đã nói tất cả đều vọng, vọng cũng đồng chân, chân vọng chẳng khác, vậy là vật gì?
Sư đáp: Nếu nói vật gì thì vật gì cũng vọng, khi nói không tương tự chẳng so sánh, đường ngôn ngữ dứt, như chim bay trên hư không thì chẳng có dấu vết.
Am cảm thấy hổ thẹn kính phục. Sư có kệ rằng:
Suy chân chân vô tướng,
Tìm vọng vọng giả danh.
Ngộ đạo cũng như thế,
Rốt cuộc chỉ là vậy.
– Đại Tánh Thiền Sư hỏi: Lời Thiền Sư rất vi diệu, chân vọng đều diệt, Phật đạo đồng quy, tu hành tánh không, nên tướng chẳng thật, thế giới như huyễn, tất cả giả danh, lúc hiểu theo như thế, chẳng phải đoạn dứt hai gốc thiện ác của chúng sanh ư?
Sư đáp: Hai gốc thiện ác bởi tâm mới có, tìm tâm có thì gốc mới có, suy tâm đã không thì gốc do đâu mà lập? Kinh nói: “Pháp thiện và pháp bất thiện từ nơi tâm hóa sanh, thiện ác nghiệp duyên vốn chẳng có thật.
Sư có kệ rằng:
Thiện cũng từ tâm sanh,
Ác cũng chẳng lìa tâm.
Thiện ác là ngoại duyên,
Nơi tâm thật chẳng có.
Bỏ ác về chỗ nào?
Lấy kiến để ai giữ?
Than ôi! Người giữ kiến!
Phan duyên chạy hai đầu,
Nếu ngộ tâm vốn không,
Mới biết trước lỗi lầm.
– Có Đại Thần hỏi: Thân này từ đâu đến, trăm năm sau đi về đâu?
Sư đáp: Như người lúc mơ từ đâu đến, lúc thức tỉnh đi về đâu?
Hỏi: Lúc mơ chẳng thể nói không, lúc thức tỉnh chẳng thể nói có. Dù có nhưng vô vãng lai, mà chẳng xứ sở.
Sư đáp: Thân của sơn Tăng này cũng giống như mộng. Khai thị kệ rằng:
Nhân sanh như trong mộng,
Trong mộng thật náo nhiệt.
Bỗng giác vạn sự như,
Đồng như người mới thức,
Người trí ngộ việc mộng.
Kẻ mê tin mộng thật,
Tỉnh mộng như là hai.
Khế ngộ thì chẳng khác,
Phú quí với bần tiện,
Chẳng có đường phân biệt.
Năm thứ 2 niên hiệu Thượng Nguyên nhà Đường. Sư viên tịch, vua ban hiệu Đại Hiểu Thiền Sư.
Hỏi:
– Ngươi dạy người tu Tam Ma Địa thì phải dứt tâm trộm cắp, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ 3 của chư Phật.
– A Nan! Không dứt tâm trộm cắp mà tu thiền định, như người lấy nước rót vào bình chảy, mong cho đầy bình, dù trải qua bao số kiếp, cũng không thể đầy.
– Nếu hàng Tỳ Kheo ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ, xin ăn có dư bố thí cho kẻ đói, giữa nơi nhóm họp, chấp tay lễ chúng, có người đánh mắng, đồng như khen ngợi, quyết định xả bỏ thân tâm, với tất cả chúng sanh cộng chung một da thịt xương máu. Chẳng lấy thuyết bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, rồi dạy lầm mà hại cho kẻ sơ học thì Phật ấn chứng người ấy được chơn tam muội.