Đốn – Tiệm là thế nào?

0
173

Nhiều người hiểu nhầm trong vấn đề đốn và tiệm, cho rằng pháp môn đốn giáo khác hẳn với pháp môn tiệm giáo; có nhiều người ham chuộng cái dễ dàng tiện lợi, cho nên đề cao đốn giáo và bài bác tiệm giáo. Mọi người đều biết, Thiền tông chủ trương đốn ngộ. Không lập văn tự và chỉ thẳng vào nguồn tâm, chủ trương niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật. Ngoài Thiền tông ra, không có một tông phái Phật giáo nào khác có một quan điểm “cấp tiến triệt để” như vậy, do đó mà có nhiều người tu theo Thiền tông, đôi lúc cũng phê bình những người học theo tiệm giáo, là theo đường lối tri giải [tri thức hiểu biết].

Thực ra, hai pháp môn tiệm và đốn là 2 mặt của một thể : đốn là do tiệm mà tới đốn; tiệm là nhân đốn mà có tiệm. Không có tiệm thì cũng không có đốn; Có đốn, tất trước đó có tiệm. Tiệm là nhân của đốn. Đốn là kết quả của Tiệm.

Về vấn đề này, từ năm 47 của Dân quốc, tôi đã có nhận thức như sau : “Cái gọi là đốn là điểm đột phá cuối cùng của một niệm, hay là sự thành thục chín mùi của cái duyên cuối cùng… cũng như, một quả trứng gà đã được ấp 20 ngày rồi, nếu con gà con không đủ sức để phá vỡ vỏ trứng, thì chỉ cần gà mẹ mổ nhẹ một cái là con gà con thoát ra khỏi vỏ trứng ngay. Gà mẹ mổ, là cái duyên cuối cùng, giúp cho gà con thoát khỏi vỏ trứng. Chúng ta học Phật cũng vậy. Nhờ trong các đời sống trước, căn cơ đã được bồi dưỡng sâu dày, cho nên đến đời này, mới nghe qua vài ba câu của đạo, đã bừng tỉnh và vượt phàm, bước ngay vào hàng ngũ bậc Thánh : vì vậy, cái gọi là đốn ngộ cũng không có gì là thần bí cả”. [Phật giáo nhân sinh và tôn giáo; tr. 78]

Do đó, nếu đứng ở quả vị Phật mà nhìn chúng sinh thì tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của  Như Lai, đều có khả năng thành Phật, vì vậy Phật xem chúng sinh là bình đẳng với Phật, đó chính là đốn giáo. Nếu đứng ở lập trường chúng sinh mà nhìn Phật thì chúng sinh tuy có khả năng thành Phật, nhưng muốn thành Phật thì phải qua một thời gian dài tu hành, Kinh qua 52 thứ bậc mới đạt được tới quả vị Phật, đó là nói về tiệm giáo. Khi công phu tiệm tu được tròn đầy thì quả vị Phật cũng được thành tựu, và dưới gốc cây Bồ Đề, bậc vô thượng chính đẳng giác “ra đời”.

Nói ngược lại, đốn là sự bắt đầu của tiệm. Tiệm chính là đốn trong thực tiễn. Đốn là sự xuất phát của tiệm. Tiệm là đốn kéo dài.

Bởi vì đốn ngộ mà Thiền tông Trung Quốc nói là chữ giác ngộ tri kiến của Phật. Kinh Pháp Hoa phân chia sự chứng ngộ tri kiến Phật thành “bốn giai đoạn của 2 mặt” gọi là “Khai, thị, ngộ, nhập”. Khai thị là công việc của Phật, do Phật làm cho chúng sinh, chỉ bày cho chúng sinh thấy. Như vậy, gọi là khai thị. Ngộ nhập là công việc cho chúng sinh tự làm. Chúng sinh hiểu rõ tự tính vốn có của mình là có thể thành Phật. Đó gọi là ngộ. Sau khi ngộ rồi bèn tu hành đúng pháp, mới có thể vào được cửa tri kiến của Phật. Nếu nói về thứ bậc thì ngộ Phật tri kiến mới là Bồ Tát còn ở địa vị phàm phu, chưa chứng sơ địa. Còn nhập Phật tri kiến là chỉ vị Bồ Tát từ sơ địa trở lên, đã đứng vào hàng Thánh. Bởi vì, chỉ có từ sơ địa trở lên, mới có khả năng từng phần một, đoạn trừ vô minh, từng phần một chứng ngộ tự tính. Từ sơ địa trở về trước, chỉ là công phu chuẩn bị mà thôi.

Có thể thấy, đốn ngộ là giác ngộ pháp tính tức là giác ngộ Phật tính. Đốn ngộ chưa phải là thành Phật. Tiệm tri là tu tập công đức sự tướng; chỉ có tiệm tu tích lũy dần dần mới có thể thật sự thành Phật. Lý thì đốn ngộ, sự thì tiệm tu. Đó chính là giải đáp vấn đề đốn tiệm. Cái đốn mà Thiền tông nói chính là đốn ngộ về lý.

Trên đây là đứng trên lập trường giải thích giáo nghĩa mà trình bày. Nếu xét theo bản thân Thiền tông Trung Quốc mà nói, thì lại không phải như vậy. Bởi vì Thiền tông Trung Quốc nói tới một sự đốn ngộ không có thứ bậc. Đốn ngộ là đốn ngộ, tựa hồ không có quan hệ gì với tiệm tu. Khi đốn ngộ tức là giác ngộ về thực tính Chân Như vốn có như vậy rồi. Nhưng đó là điều mà con người bình thường nói chung không thành được.

Thiền tông cho rằng, khi sử dụng công tham thiền đã chín mùi rồi, thì tuy chưa bước vào hàng ngũ thánh của Bồ Tát từ sơ địa trở lên, nhưng trong giây phút đốn ngộ, hoạt động của thức thứ bảy và thức thứ tám tạm thời bị ngưng chỉ, tâm không ở trạng thái hiện tượng sáng suốt [vốn là như vậy]. Cũng như một bầu trời mây đen bao phủ, bỗng nhiên mù tan, mây hết chỉ còn lại cả một bầu trời sáng lạn không mây ! Tuy rằng, kinh nghiệm thực chứng này chỉ xảy ra trong thời gian hết sức ngắn ngủi, và chỉ sau một lát lại bị phiền não vô minh bao phủ như xưa. Thế nhưng, một người đã được nhìn qua một lần chân như thực tính bản lai là như vậy, so với một người chưa từng được thấy qua, thì khác nhau rất nhiều. Đó là cái mà Thiền tông Trung Quốc gọi là đốn ngộ. Nhưng, đốn ngộ rồi còn phải dụng công tu hành, bởi vì cái vốn thành Phật vẫn chưa được tích lũy đầy đủ vậy.