Chuyển Hóa Tâm

0
286

HỎI: Tôi là sinh viên, năm  nay 21 tuổi. Tôi đang thực tập thiền bằng cách quán sát tâm như một dòng sông bao gồm những ý niệm thiện và bất thiện đang trôi chảy để chuyển hóa tâm theo cách mà Thiền sư Nhất Hạnh đã viết trong quyển “Trái tim mặt trời”. Thiền sư nói chúng ta không nên ngăn cản dòng sông, vì tức nước vỡ bờ mà chỉ nên quán sát để thấy rõ và hướng tâm về điều thiện. Riêng tôi trong quá trình thực tập có một số trở ngại, cụ thể là đối với những ý niệm thiện thì không có vấn đề gì, nhưng với những ý niệm bất thiện (tham, sân, si…) thì tuy quán sát thấy nó, biết rõ nhưng tôi không biết hướng chúng vào đâu để cho tâm mình an tịnh và dường như có lúc những ý niệm bất thiện đó càng mạnh hơn. Kính xin quý Báo cho tôi biết cách khắc phục tình trạng đó để tâm được sáng suốt và an tịnh. (LONG THÀNH; nmnhat…02@gmail.com)

ĐÁP:Bạn Long Thành thân mến!

Đúng như nhận thức của bạn, tâm chúng ta luôn vận hành trôi chảy như một dòng sông. Những ý niệm tốt xấu luôn sanh khởi, tồn tại và hoại diệt tương tục trên dòng sông tâm ấy.

Bước đầu bạn đã nhận diện được dòng sông tâm của mình bao gồm những ý niệm thiện và bất thiện đang trôi chảy không ngừng nghỉ, đây là điều vô cùng cần thiết cho những người bắt đầu tu tập.

Để chuyển hóa các ý niệm bất thiện, trước hết bạn cần thực tập một pháp quán niệm làm nền tảng (như niệm hơi thở, niệm danh hiệu Phật hay trì chú chẳng hạn). Trong quá trình an trú niệm (vào hơi thở hay danh hiệu Phật) thì dòng sông tâm vẫn trôi chảy, và ta có thể nhận biết chúng rất rõ.

Chỉ nhận biết thôi mà không bám víu chạy theo hay cản ngăn xua đuổi chúng, đồng thời an trú tâm vào đề mục thì tự khắc ý niệm vừa sanh khởi tự tiêu tan. Các ý niệm ấy tự sanh thì tự diệt, vì chúng là khách chứ không phải chủ. Chỉ cần chú tâm vào đề mục quán niệm (thiền Chỉ) để thiết lập chánh niệm cao độ thì tâm sẽ dần rỗng rang, tĩnh lặng.

Nếu các ý niệm bất thiện sanh khởi dày đặc, mạnh mẽ (với nhiều dạng thức khác nhau tùy nghiệp mỗi người) làm cản trở sự trú niệm thì bạn có thể chuyển sang quán sát về sự nguy hiểm của chúng (thiền Quán); như quán sát nguy hiểm của dục tham, của sân hại và của si mê, tà kiến, vô minh… Nhận thức được sự nguy hiểm của phiền não nên không chìm đắm, thoát ra được sự bám víu vào chúng.

Khi phiền não tạm lắng yên, ta lại trở về với đề mục quán niệm ban đầu, giữ tâm an tịnh và tĩnh lặng. Theo chúng tôi, bạn cần phối hợp thiền Chỉ và thiền Quán một cách nhịp nhàng trong tu tập thì sẽ chuyển hóa được phiền não. Quan trọng hơn, bạn cần nương tựa một vị thầy có kinh nghiệm tu tập để được thầy hướng dẫn liên tục trong lộ trình chuyển hóa tâm

Nguồn: giacngo.vn