Mối Liên Hệ Giữa Tri Thức Và Trí Tuệ

0
257

Hỏi: Đạo Phật là đạo của trí tuệ, thế thì để đạt đến trí tuệ có cần phải kiện toàn tri thức hay không? Con đường nhận thức theo Phật giáo được diễn ra như thế nào? Có hay không có một phương pháp nhận thức đặc thù của Phật giáo?

Đáp:

Trí tuệ (S: Prajnã, P: Jnãna), là một thuật ngữ Phật học, có tần số xuất hiện cao trong các kinh, luận hay trong các tác phẩm viết về Phật giáo. Trí tuệ thường được xem như một danh từ chung nhưng thật ra giữa Trí và Tuệ có nhiều sự khác biệt.

WTNB (1).jpg

Vườn thiền – Ảnh: Internet

 Theo từ nguyên, Trí được phân định ra thành nhiều loại như Chính trí, Tà trí, Thế gian trí, Xuất thế gian trí, Nhất thiết trí… Nghĩa thông thường nhất của Trí, đó là năng lực nhận thức của con người đối với tất cả những sự vật và hiện tượng trên bình diện hiện thực, là khả năng phân biệt và đoán định được phải trái, đúng sai, chánh tà. Tuệ là một khái niệm trung tâm của Phật giáo, chỉ cho năng lực nhận thức không phải do suy luận hay khảo nghiệm mà có, ở đây chỉ cho năng lực trực nhận được tính Không, là khả năng nhận ra được thực tướng của sự vật và hiện tượng. Luận Duy thức (quyển 9) nói rằng: “Thế nào gọi là Tuệ, quán trong cảnh được, mất đều là Không thì chỉ có Tuệ mới đạt được, mới quyết định được”. Nói cách khác, giữa Trí và Tuệ có sự liên quan thâm thiết với nhau, lắm khi được sử dụng lẫn lộn tùy theo ngữ cảnh; nhưng khái quát lại có thể hiểu: liễu biệt sự tướng trên phương diện Hữu vi thì gọi là Trí; thông đạt tính Không, thực tướng của vạn hữu thì gọi là Tuệ. Tuệ ở đây đồng nghĩa với Bát Nhã, với Giác Ngộ. Khi nói “đạo Phật là đạo của Trí tuệ” chính là Trí Tuệ được xét ở phương diện này.

Mục tiêu xuyên suốt mà giáo lý Phật giáo nhắm đến, đó chính là tìm về với Giải thoát, với Giác ngộ vì Giác ngộ là “tuyệt lý của vũ trụ, là yếu lý của Phật tánh” (Thiền luận, quyển Thượng, tr 73). Hiển nhiên, Giác ngộ được đề cập ở đây không phải là cái biết bằng lý luận sắc bén, bằng sự phân tích rạch ròi, vì đã vượt ngoài khả năng biểu đạt của ngữ ngôn, kinh nghiệm. Thế thì con đường để tìm về với Trí tuệ – Trí Tuệ được hiểu theo nghĩa là Nhận thức được Thực tướng Vô ngã của các pháp –  bằng sự tích tập tư duy, bằng sự rèn luyện của ngôn ngữ hoàn toàn bít lối. Muốn tìm cầu Trí Tuệ bằng con đường này, hành giả phải tự thân khảo nghiệm qua quá trình tu chứng của mình.

 Tuy nhiên, khi xét về phương diện hiện thực thì hơn đâu hết, Phật giáo vẫn chú trọng đến Trí tuệ hiểu theo nghĩa tri thức, nhất là những tri thức liên quan đến nguyên nhân của những nỗi khổ đau và cách thức vượt thoát ra khỏi những nỗi khổ đó. Bởi lẽ, hiện thực của cuộc đời cần đến tri thức, Phật giáo cũng cần có tri thức để đi vào cuộc đời với mục tiêu là chuyển hoá tâm thức cho tất cả chúng sanh.  Đó cũng là điều mà trong đệ ngũ Giác ngộ của kinh Bát Đại Nhân Giác có nói rằng “quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ…”. Việc khuyến tấn và vận dụng Ngũ minh (Nội minh, Y phương minh, Công xảo minh, Thanh minh và Nhân minh) trong khi hoằng hoá Phật pháp là một minh chứng hùng hồn cho việc cần đến tri thức trong quá trình tìm cầu trí tuệ siêu việt.

 Cần phải thừa nhận rằng Phật giáo có một phương pháp nhận thức (nhận thức luận) đặc thù. Căn cứ vào lý luận nhận thức của Phật giáo thì chủ thể nhận thức tất nhiên là thuộc về con người và đối tượng nhận thức chính là các pháp. Các pháp ở đây không đồng nghĩa với phương pháp mà nó “bao hàm mọi sự vật cụ thể hay trừu tượng, cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó đều gọi là pháp” (Xem, Nhất Hạnh, Vấn đề nhận thức trong duy thức học, Nxb. Lá bối, Sài gòn, 1969, Tr 21).

WTNB (2).jpg

Theo giáo lý Phật giáo, nhận thức là một quá trình biện chứng và rất phức tạp, thông qua nhiều bước. Theo chúng tôi, con đường nhận thức của Phật giáo có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thuộc về Tri và giai đoạn sau thì thuộc về Ngộ. Giai đoạn Tri được thiết lập trên cơ sở của tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận; giai đoạn Ngộ được biểu đạt bằng sự thể hiện của Tuệ giác. Cùng với quan điểm này, một nhà nghiên cứu Phật học sau khi khảo sát kinh Lăng Già đã cho rằng: “Có hai hình thức hiểu biết, một hình thức để nắm lấy tuyệt đối hay thâm nhập vào cảnh giới của Tâm, và một hình thức để hiểu hiện hữu trong khía cạnh nhị biên của nó mà trong đó, lý luận là thù thắng và cách thức là hoạt dụng. Trong Lăng Già, hình thức hiểu biết thứ nhất được định nghĩa là sự phân biệt (Vikalpa) và hình thức hiểu biết thứ hai gọi là trí tuệ siêu việt hay Giác trí (Prajanã). Phân biệt hai hình thức hiểu biết này là thiết yếu nhất trong triết học Phật giáo”( D. T. Suzuki, Lăng Già đại thừa kinh, Thích Chơn Thiện, dịch, Nxb. Tp Hồ Chí Minh 1998, Tr 49).

Về vấn đề phương pháp nhận thức, thật sự ra, phương pháp nhận thức của Phật giáo có nguồn gốc từ các phương pháp nhận thức của các trường phái triết học Ấn độ cổ đại. Nếu như phương pháp nhận thức của Tây phương được khởi đầu từ phép biện chứng của Heraclite (544-483ttl), từ Tam đoạn luận của Aristote (384-322ttl) thì phương pháp nhận thức ở phương Đông được khởi đầu bằng Nhân Minh Luận. Xét về mặt lịch sử thì Nhân minh luận có nguồn gốc manh nha từ trong học phái Nyàya -một trong sáu trường phái lớn của Triết học Ấn độ thời kỳ cổ đại -sau đó, được Phật giáo tiếp biến và phát triển theo một chiều hướng mới, tạo nên một khả năng lý luận cực kỳ sắc bén của phương pháp  nhận thức hết sức đặc thù này. Trong quá trình phát triển, phương pháp nhận thức này ngày càng được cũng cố và kiện toàn, hình thức cuối cùng của quá  trình phát triển là phương pháp Tân Nhân Minh với công lao to lớn của ngài Trần Na (Dignàga: 480-540). Có thể coi Tân Nhân Minh là một bước phát triển mạnh mẽ trong lý luận nhận thức của Phật giáo. Tân Nhân Minh có hình thức như Tam đoạn luận của Aristote, bao gồm ba bộ phận: Tôn, Nhân và Dụ. Đơn cử một ví dụ: Tôn: âm thanh là vô thường; Nhân: vì do sự tác động mà có; Dụ: những gì do tác động mà có đều vô thường. Ngoài phương pháp này ra, trong giáo lý Phật giáo còn có những phương pháp nhận thức khác như phương pháp Tam lượng (Hiện lượng, Tỉ lượng và Phi lượng) mà  Duy thức học đề xướng. Đặc biệt nhất, với biện chứng của Không, Vô thường và Vô ngã, Phật giáo từ lâu đã khẳng định tính ưu việt trong quan điểm về lý luận nhận thức của mình mà mãi đến ngày hôm nay, lý luận đó vẫn còn nguyên tác dụng.

Nguồn: giacngo.vn