Như Lai Thập Hiệu & Như Lai Thập Lực

0
522

HỎI: Tôi đọc kinh biết Như Lai thập hiệu và Như Lai thập lực nhưng không hiểu rõ về ý nghĩa. Mong quý Báo giải thích.(TÂM THỦY, Q.3, TP.HCM, tinhbien19…@yahoo.com)

ĐÁP: Bạn Tâm Thủy và tinhbien… thân mến!

Như Lai thập hiệu là mười đức hiệu tôn quý của chư Phật. Bất cứ vị Phật nào ở trong quá khứ, hiện tại và vị lai, ở trong khắp thập phương thế giới đều có đầy đủ mười đức hiệu này. Đó là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.

thapluc.jpg

1. Như Lai (S.Tathàgata), bậc nương vào Chân như (Như) mà đến (Lai) và thành Chánh giác. Theo kinh Kim Cang, Như Lai có nghĩa là “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ”, không từ đâu đến và cũng chẳng về đâu, hàm ý từ bản thể Chân như (hiện ra) và có mặt cùng khắp mọi nơi. Khi nói về mình, Phật Thích Ca xưng là Như Lai.

2. Ứng Cúng (S.Arhat), bậc xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của trời và người. Ứng Cúng còn là một đức hiệu của các bậc thánh A-la-hán.

3. Chánh Biến Tri (S.Samyak-sambuddha), bậc có khả năng hiểu biết (Tri) đúng đắn (Chánh) và cùng khắp (Biến) tất cả các pháp.

4. Minh Hạnh Túc (S.Vidyà-carana-sampanna), bậc trí tuệ và phước đức vẹn toàn. Minh là trí tuệ (Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh). Hạnh là phước đức, tức các hạnh nghiệp đều toàn thiện, viên mãn. Túc nghĩa là đầy đủ, vẹn toàn.

5. Thiện Thệ (S.Sugata), bậc “khéo léo vượt qua mọi chướng ngại và ra đi một cách tốt đẹp”, nghĩa là sau khi chứng đạo dùng Nhất thiết trí hóa độ chúng sanh, thực hành Bát thánh đạo rồi an trú Niết-bàn.

6. Thế Gian Giải (S.Loka-vid), bậc thấu hiểu và rõ biết (Giải) tất cả từ quá khứ, hiện tại cho đến vị lai (Thế) ở trong mười phương thế giới (Gian).

7. Vô Thượng Sĩ (S.Anuttara), bậc tối tôn tối thượng, không ai có thể hơn được.

8. Điều Ngự Trượng Phu (S. Purusa-damya-sàrathi), bậc có khả năng dùng các phương tiện thiện xảo để điều phục, nhiếp hóa, dẫn dắt (Điều Ngự) người tu hành (Trượng Phu) khiến họ thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết-bàn.

9. Thiên Nhơn Sư (S.Sàstà deva-manusyànàm), bậc thầy của trời và người.

10. Phật-Thế Tôn (S.Buddha-Bhagavat), bậc giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn và được thế gian đều tôn kính.

Mười đức hiệu này, trong các kinh luận cũng có trường hợp gộp chung Thế Gian Giải và Vô Thượng Sĩ thành một hiệu, hoặc gộp Vô Thượng Sĩ và Điều Ngự Trượng Phu thành một hiệu…

Như Lai thập lực (Dasa balàni) là mười trí lực hay thần lực của Như Lai, gồm:

1. Xứ phi xứ trí lực: Trí tuệ của Như Lai biết một cách chắc thật đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu tạo nghiệp thiện thì nhất định được phước báo an vui và ngược lại.

2. Nghiệp dị thục trí lực: Trí tuệ của Như Lai biết rõ nghiệp duyên, quả báo, sinh xứ trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai của tất cả chúng sanh.

3. Tịnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực: Trí tuệ của Như Lai thông suốt về các pháp tu thiền định, biết rõ và đúng như thật về thứ lớp, sâu cạn của thiền định, giải thoát.

4. Căn thượng hạ trí lực: Trí tuệ của Như Lai biết đúng như thật về căn cơ cao thấp của chúng sanh.

5.  Chủng chủng thắng giải trí lực: Trí tuệ của Như Lai thông suốt mọi kiến giải và biết rõ như thật về tất cả các dục lạc, thiện ác khác nhau của chúng sanh.

6. Chủng chủng giới trí lực: Trí tuệ của Như Lai biết khắp và đúng như thật về hoàn cảnh thực tế khác nhau của chúng sanh ở thế gian.

7. Biến thú hạnh trí lực: Trí tuệ của Như Lai biết đúng như thật về nơi đến của các hạnh hữu lậu là lục đạo và các hạnh vô lậu là Niết-bàn.

8. Túc trụ tùy niệm trí lực: Trí tuệ của Như Lai biết đúng như thật về các túc mạng, một đời cho đến cả trăm ngàn đời, chết đây sanh kia, tên tuổi, đời sống và thọ mạng của chúng sanh.

9. Sinh tử trí lực: Trí tuệ của Như Lai biết đúng như thật về thời gian sanh tử, cõi thiện và cõi ác ở đời vị lai, cùng các nghiệp duyên thiện ác của chúng sanh.

10. Lậu tận trí lực: Trí tuệ của Như Lai đoạn tận hết thảy các tập khí, phiền não không còn sanh khởi, thành tựu giải thoát tốt hậu.

Bậc Như Lai do tu tập hạnh Bồ tát trong vô lượng kiếp nên khi thành Phật đầy đủ trí tuệ và phước đức như vậy.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn