Bà La Môn

0
781

HỎI: Chúng tôi là Phật tử nên thường xuyên đọc các kinh, sách liên quan đến Phật giáo. Gần đây, chúng tôi đọc cuốn Kinh Tụng Hàng Ngày do thầy Thích Nhật Từ biên soạn, ở phần kinh “Danh ngôn Chánh pháp” có những đoạn sau: “Với người mà miệng ý thân/Mọi điều làm ác xưa gần nay xa/Giữ gìn ba nghiệp thật thà/Thì Ta gọi họ là Bà la môn” hay “Giữa thù, thân thiện không thù/Giữa vòng hung hãn ôn nhu nhân hòa/Giữa vòng ô nhiễm không sa/Thì Ta gọi đó là Bà la môn”.

Theo hiểu biết của chúng tôi, Bà La Môn là một tôn giáo ở Ấn Độ khác biệt với đạo Phật, nên khi đọc những đoạn kinh trên chúng tôi không hiểu. Mong quý Báo giải đáp.(hoaquytran57…@yahoo.com.vn)

ĐÁP:  Bạn hoaquytran… thân mến!

Hai đoạn kinh trong “Danh  ngôn Chánh pháp” mà bạn nêu trên được thầy Thích Nhật Từ rút ra từ kinh Pháp Cú (phẩm Bà la môn, PC.391 và PC.406). Pháp Cu (Dhammapada) là bản kinh rất quen thuộc và gần gũi, được sử dụng phổ biến trong các truyền thống Phật giáo trên thế giới.

Chúng tôi đồng ý với bạn là đạo Phật và đạo Bà La Môn là hai tôn giáo khác biệt nhau. Tuy nhiên, trong kinh điển Đức Phật sử dụng từ Bà la môn tùy theo từng ngữ cảnh mà có ý nghĩa khác nhau.

Bà la môn, theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập I, tr.571), Phạn ngữ Bràhmana, Hán dịch là Tịnh hạnh, Phạm hạnh, Phạm chí là giai cấp Tăng lữ, đứng đầu trong bốn giai cấp ở xã hội Ấn Độ cổ đại. Theo giáo thuyết Veda (Vệ-đà, Phệ-đà), chủng tính Bà la môn sinh ra từ miệng của Phạm Thiên, dung mạo đoan chính, thanh tịnh cao khiết, chuyên học tập kinh điển Vệ-đà và chủ trì việc cúng tế.

Một đời Bà la môn chia làm bốn thời kỳ: 1.Phạm hạnh kỳ, từ 8 tuổi đến khoảng 20 tuổi chuyên học tập Vệ-đà, thành thạo các nghi thức cúng tế. 2.Gia trụ kỳ, lập gia đình, sinh con, cúng tế tổ tiên, xây dựng sự nghiệp thế gian. 3.Lâm thê kỳ, tuổi về già, giao sự nghiệp cho con, vào rừng sâu tu tập khổ hạnh, chuyên tâm tư duy thiền định. 4.Tuần thế kỳ, dứt bỏ mọi chấp trước ở thế gian, mặc áo vải thô, cầm bình nước, du hành hoằng hóa khắp nơi.

Bà la môn trong thời kỳ thứ tư (Tuần thế kỳ) gọi là Du hành giả, Sa môn và đôi khi còn được gọi là Tỷ kheo (Sđd). Nếu chỉ xét riêng về hình thức sinh hoạt như khất thực, du hóa, an cư mùa mưa thì các Sa môn, Tỷ kheo thuộc chúng đệ tử của Đức Phật đã có sự thừa tiếp và không khác mấy so với các Bà la môn (Du hành giả).

Quan điểm Phật giáo về Bà la môn, theo luận Du già sư địa (q.29), có 3 hạng: 1.Chủng tính Bà la môn, người sinh ra trong dòng dõi Bà la môn. 2.Danh tướng Bà la môn, người mang hình thức Bà la môn. 3.Chánh hạnh Bà la môn, người bỏ các điều ác và làm các điều lành. Đức Phật rất tôn trọng và đề cao hạng Chánh hạnh Bà la môn này.

Kinh điển Phật giáo đề cập đến Bà la môn trong ý nghĩa “tiêu cực” nhằm ám chỉ hạng Chủng tính và Danh tướng Bà la môn. Bởi hai hạng Bà la môn này chỉ dựa vào dòng dõi hay hình thức bên ngoài để vun bồi tự ngã, hưởng thụ danh lợi mà bên trong không thực sự trau dồi đạo đức, hướng đến tịnh hạnh (như tên gọi Phạm chí, Phạm hạnh). Đức Phật thường khiển trách các Tỷ kheo khi rơi vào phóng dật, thất niệm, thối đọa v.v… là Bà la môn, không phải Sa môn Thích tử.

Tuy vậy, trong một số trường hợp Đức Phật cũng gọi các bậc giác ngộ là một Bà la môn (trong ý nghĩa Tịnh hạnh, Phạm hạnh):  “Bậc trâu chúa thù thắng/Bậc anh hùng, đại sĩ/Bậc chiến thắng, không nhiễm/Bậc tẩy sạch, giác ngộ/Ta gọi Bà la môn” (PC.422) hay “Ai biết được đời trước/Thấy thiên giới, đọa xứ/Đạt được sanh diệt tận/Thắng trí, tự viên thành/Bậc Mâu ni đạo sĩ/Viên mãn mọi thành tựu/Ta gọi Bà la môn” (PC.423). Các vị Thánh A la hán Đại đệ tử, có lúc Đức Phật cũng gọi các ngài ấy là Bà la môn. Kinh Tiểu Bộ I (kinh Phật tự thuyết) có ghi: “Lúc Thế Tôn trú tại Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, khu vườn ông Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, Đại Ca-chiên-diên, Kiếp-tân-na, Đại Thuần-đà, A-na-luật, Ly-bà-đa, và A-nan đi đến Thế Tôn. Thấy các Tôn giả ấy từ xa đi đến, Thế Tôn nói với các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, các Bà la môn này đang đi đến! Rồi nói lên lời cảm hứng: Sau khi loại ác pháp/Ai thường hành chánh niệm/Kiết sử đoạn, giác ngộ/Những vị ấy ở đời/Thật là Bà la môn”.

Theo thiển ý của chúng tôi, sở dĩ Thế Tôn xác định và có phần đề cao phẩm vị Bà la môn (gần như tương đồng với vị A la hán) trong bối cảnh hoằng pháp ở một đất nước và xã hội mà Bà La Môn giáo thịnh hành, với truyền thống lâu đời là có dụng ý. Rõ ràng, Đức Phật nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức, thiền định và tuệ giác của một Bà la môn chân chính nhằm cảnh tỉnh giai cấp Bà la môn, với số đông chỉ dựa vào dòng dõi và hình thức giả tạo bên ngoài mà thực chất không có phạm hạnh. Và cũng nhờ tinh thần khoáng đạt này, không ít các vị Bà la môn đương thời đã thức tỉnh, quy hướng Phật pháp để tu tập, trở thành một Bà la môn (A la hán) phạm hạnh, giải thoát đích thực.

Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn