Phật Lịch

0
340

HỎI: Tôi có vấn đề thắc mắc về cách ghi Phật lịch trong các kinh sách, ấn phẩm văn hóa Phật giáo như sau:

– Lịch Mừng Xuân Di Lặc (Tổ In ấn và Phát hành, THPG.TPHCM) năm 2005, từ tháng 1 đến tháng 4-2005 ghi Phật lịch 2548 nhưng từ tháng 5 đến tháng 12 ghi Phật lịch 2549.

– Tuần báo Giác Ngộ số 446 (ra ngày 16-8-2008) đến số 462 (ra ngày 6-12-2008) nhưng cho đến các số báo ra vào tháng 3-2009 đều ghi Phật lịch 2552.

– Tạp chí Văn Hóa Phật giáo số 70 (ra ngày 1-12-2008) đến số 76 (ra ngày 1-3-2009) cũng ghi Phật lịch 2552.

Mong quý Báo hoan hỷ giải đáp.(TRẦN VĂN SÁNG, Tân Thạnh, Bình Phan, Chợ Gạo, Tiền Giang)

ĐÁP:Bạn Trần Văn Sáng thân mến!

Về mốc thời gian chuyển năm Phật lịch được bắt đầu từ ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm (khoảng tháng 5 dương lịch). Tức là sau Đại lễ Vesak (Tam hợp, 15-4 âm lịch) thì bước sang năm mới của Phật lịch. Do đó, từ ngày 15-4 âm lịch năm này cho đến 14-4 âm lịch năm sau là khoảng thời gian của một năm Phật lịch. Đơn cử như từ 15-4 âm lịch (năm dương lịch 2008) đến 14-4 âm lịch (năm dương lịch 2009) đều thuộc năm Phật lịch 2552.

Vì thế, các văn bản hoặc ấn phẩm văn hóa, kinh sách Phật giáo khi ghi niên đại Phật lịch đều căn cứ vào quy chuẩn này. Cho nên luôn xảy ra trường hợp một năm Phật lịch trải ra giữa hai năm dương lịch (khoảng từ tháng 5 năm này đến tháng 5 năm sau). Và hiện tượng ghi Phật lịch khác nhau trên các ấn phẩm Phật giáo trong cùng một năm dương lịch hoặc ghi Phật lịch giống nhau trong hai năm dương lịch khác nhau là chuyện bình thường.

CÙNG LÀM VIỆC THIỆN AI PHƯỚC NHIỀU HƠN?

HỎI: Người lao động chân chính đem số tiền ít ỏi của mình bố thí, làm điều phước thiện và người mang số tiền to lớn nhờ làm ăn bất chính cũng làm bố thí và điều phước thiện, vậy phước ai nhiều hơn?

Người có tiền mua nhiều chim cá phóng sanh (chẳng khác nào thuê mướn người khác làm ác, đánh bắt chim cá thay cho mình?) để mong cầu phước báo so với người không phóng sanh nhưng biết thực tập ăn chay, vậy ai phước nhiều hơn?  (NGUYỄN HỮU PHƯỚC, Phú Hòa, Chưpăk, Gia Lai)

ĐÁP: Bạn Nguyễn Hữu Phước thân mến!

– Làm phước hay bố thí, cúng dường đều phải dựa trên nền tảng thiện tâm, hướng đến điều lành. Và tất nhiên, vật phẩm hay tiền bạc đem ra bố thí, làm từ thiện phải tuyệt đối thanh tịnh (do làm ăn chân chính) mới mang lại phước báo. Theo quan điểm Phật giáo, ngoài vật bố thí còn có tâm bố thí, nếu tâm thành kính và thanh tịnh thì dẫu vật bố thí đơn sơ hoặc không có gì để bố thí nhưng biết tùy hỷ thí (hoan hỷ và tán thán việc lành của người khác) vẫn thành tựu phước báo vô lượng. Người làm ăn bất chính mà biết bố thí thì cũng có phước (hơn những người làm ăn bất chính mà không bố thí). Nhưng vì tâm và vật bố thí đều không thanh tịnh nên phước báo nhỏ ấy nếu so với cái tội to của họ đã làm như đem nắm muối quẳng xuống dòng sông, chẳng thiếu đủ vào đâu. Cho nên, không ngại bố thí ít, chỉ ngại tâm chẳng thiện lành.

– Đối với người phóng sanh và ăn chay, mỗi người đều có phước báo riêng. Nhưng nghĩ rằng hành vi phóng sanh là tiếp tay cho người khác làm ác là không chính xác. Bởi đơn giản, người đánh bắt và buôn bán chim cá ở chợ chủ yếu làm thực phẩm chứ không nhằm mục đích phục vụ cho việc phóng sanh. Phóng sanh có nghĩa là giải phóng, cứu thoát những chúng sanh bị sa lưới, giam cầm, sắp bị giết thịt. Người có tâm nguyện thực hành phóng sanh đúng pháp nên ra chợ, tùy nghi mua nhiều hoặc ít, nếu tiện thì mang đến chùa chú nguyện, sau đó trả tự do cho chúng là cách tốt nhất. Không nên mua chim cá phóng sanh do thương lái mang đến bán gần hoặc trong sân chùa. Phóng sanh hay ăn chay đều nhằm mục tiêu nuôi dưỡng tâm từ bi, người thực hành phóng sanh và ăn chay cần phải hướng đến mục tiêu này mới đạt được phước báo và lợi ích thiết thực.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn