Tịnh Đâu Xuất Của Bồ Tát Di Lặc

0
441

Hỏi: Chúng tôi nghe nói rằng ngoài cõi Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà còn có các cõi Tịnh độ khác như Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc. Xin cho biết đôi nét về cõi Tịnh độ Đâu Suất và pháp tu để được vãng sinh về Tịnh độ này đồng thời kính hỏi vì sao ngày nay khuynh hướng tu tập cầu vãng sinh Tịnh độ Đâu Suất không phổ biến bằng vãng sinh Tịnh độ Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà? (NGUYÊN PHƯƠNG, Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP.HCM; LÊ HẢI, Trần Hưng Đạo, Huế)

ĐÁP:Bạn Nguyên Phương và Lê Hải thân mến!

Cõi Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc là một trong nhiều cõi Tịnh độ khác nhau trong pháp giới như Tịnh độ Đông phương Diệu Hỷ của Phật A Súc, Tịnh độ Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà… Tịnh độ là quốc độ thù thắng trang nghiêm thanh tịnh, là y báo của chư Phật trải qua vô lượng kiếp tu tập thiện nghiệp và thực thi đại nguyện lợi ích hữu tình. Theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng cầu sinh về Tịnh độ Đâu Suất có trong Phật giáo Nguyên thủy và đây cũng chính là nền tảng của tư tưởng vãng sinh Tịnh độ của Phật giáo Đại thừa.

Sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn, tín ngưỡng về Phật đương lai Di Lặc hạ sinh đã manh nha hình thành và đến khoảng thế kỷ IV thì trở nên phổ biến khắp toàn cõi Ấn Độ. Ngài Di Lặc ở nội viện của cung trời Đâu Suất được tôn xưng là Tổ sư của Duy Thức tông, tương truyền là tác giả năm bộ luận nổi tiếng làm nền tảng cho Duy thức học Phật giáo phát triển đến hoàn thiện. Thời Đông Tấn, ngài Đạo An (312-385) đã xiển dương tín ngưỡng Di Lặc, cầu sinh Tịnh độ Đâu Suất. Khi ngài Huyền Trang (596-664) du học Ấn Độ đã học tập và kế thừa trọn vẹn tư tưởng Duy thức và mang tín ngưỡng Di Lặc về truyền bá sâu rộng ở Trung Quốc và các nước Đông Á. Trong khoảng từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII, tư tưởng cầu sinh Tịnh độ Đâu Suất phát triển rực rỡ.

Về cõi Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc, theo kinh Quán Di Lặc Bồ tát thượng sinh Đâu Suất mô tả cực kỳ tráng lệ, thanh tịnh và trang nghiêm, đại lược như: cung điện, tường thành, mặt đất, hàng cây, hoa sen cho đến thiên nữ đều bằng bảy báu. Âm nhạc vi diệu diễn nói về hạnh Bất thối chuyển. Khi gió trời thổi lay động hàng cây báu, âm nhạc trổi lên, thiên nữ tự nhiên cầm những nhạc khí đua nhau ca múa. Họ ca ngâm, diễn nói các pháp ba la mật và khổ, không, vô thường, vô ngã cùng 10 pháp lành, 4 thệ nguyện lớn. Chư thiên nghe được đều phát tâm vô thượng Bồ đề… Đức Bồ tát Di Lặc hiện đang ở cõi trời Đâu Suất, tầng thứ tư của cõi trời Dục giới. Cõi trời này chia thành hai viện nội ngoại, ngoại viện là nơi ở của hàng phàm phu dục lạc, nội viện là Tịnh độ của Đức Di Lặc.

Để được sinh về cõi Tịnh độ này, theo kinh Quán Di Lặc Bồ tát thượng sinh Đâu Suất, Phật dạy: “Này Ưu Ba Ly! Như có Tỳ kheo và tất cả đại chúng nào muốn sinh lên cõi trời ấy thì đừng nhàm chán sinh tử, tâm luôn hướng về tuệ giác vô thượng, muốn làm đệ tử Bồ tát Di Lặc thì hãy quán tưởng thế này: Giữ trọn vẹn 5 giới, 8 giới Bát quan trai và giới Cụ túc, thân tâm tinh tấn, không cầu đoạn kiết sử, tu pháp 10 điều thiện, luôn luôn tư duy về sự an vui tốt đẹp bậc nhất ở cõi trời Đâu Suất. Quán như vậy gọi là Chánh quán.

Hãy nên chánh niệm, nghĩ nhớ Phật và hình tượng, danh hiệu Đức Di Lặc. Người như vậy, hoặc trong khoảng một niệm thọ trì 8 trai giới, tu các thiện nghiệp, phát thệ nguyện rộng lớn, sau khi qua đời, chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh lên cõi trời Đâu Suất”.

Khi được sinh về Tịnh độ Đâu Suất, không chỉ hưởng phước trời mà còn tu hành cùng Bồ tát Di Lặc. Đợi đến lúc Bồ tát Di Lặc hạ sinh, chư thiên ở nội viện Đâu Suất đều theo Ngài giáng sinh xuống nhân gian, ở trong Long Hoa tam hội và đều được giải thoát. Do đó, dù sinh lên cõi trời (chưa ra khỏi ba cõi) nhưng nếu nguyện vào Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc thì đã bảo đảm được giải thoát rốt ráo. Các cao tăng như Pháp sư Đạo An, Đại sư Huyền Trang, Đại sư Khuy Cơ đời Đường cho đến Đại sư Thái Hư, Pháp sư Từ Hàng… các ngài đều phát nguyện sinh về Tịnh độ Đâu Suất và trở lại giáo hóa chúng sinh.

Trong quá trình truyền bá, tư tưởng vãng sinh Tịnh độ Tây phương Cực Lạc được tiếp thu nồng nhiệt và phát triển hưng thịnh hơn Tịnh độ Đâu Suất, có thể vì các nguyên nhân sau: 1- Về thanh tịnh trang nghiêm thì Tịnh độ Đâu Suất tuy đầy đủ y báo và chánh báo nhưng không siêu việt thù thắng bằng Tây phương Tịnh độ. 2- Điều kiện vãng sinh Tịnh độ của Bồ tát Di Lặc và Tịnh độ của Phật A Súc là rất cao, chủ yếu là tự lực, trong khi điều kiện vãng sinh Tịnh độ của Phật Di Đà đơn giản chỉ cần nhất tâm niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh và đặc biệt là được nương nhờ tha lực “tiếp dẫn vãng sinh” của Phật và Thánh chúng.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn