Công Cha Như Núi Thái Sơn

0
585

HỎI:Từ khi còn bé, chúng tôi đã được nghe câu “Công cha như núi Thái Sơn…”. Và trong suy nghĩ của chúng tôi, Thái Sơn hẳn là ngọn núi cao lớn, vĩ đại nhất nên được ví như tình thương và công đức của người cha. Nhưng gần đây, chúng tôi mới biết Thái Sơn là một ngọn núi ở bên Trung Quốc chứ không phải ở Việt Nam, với lại đây là một ngọn núi có chiều cao khá khiêm tốn, thậm chí còn thấp hơn một số ngọn núi ở nước ta nữa. Xin hỏi Thái Sơn có những đặc điểm văn hóa, lịch sử gì mà được người đời dành cho một vị trí và tình cảm trang trọng như thế? (NGUYỄN HOÀNG DŨNG, Hiệp Đức, Cai Lậy, Tiền Giang; dieunghiem…@hcm.fpt.vn)

ĐÁP: Bạn Nguyễn Hoàng Dũng và dieunghiem… thân mến!

Thái Sơn (Taishan) nằm về phía Bắc thành phố Thái An – thủ phủ tỉnh Sơn Đông, là Đông nhạc trong Ngũ nhạc (5 ngọn núi lớn) của Trung Quốc. Thái Sơn được người Trung Hoa tôn xưng là “Hoa Hạ thần sơn” (Núi thiêng ở xứ Hoa Hạ-Trung Quốc).

Chiều cao của Thái Sơn khá khiêm tốn chỉ 1.545m, nếu so sánh với đỉnh Phan-xi-phăng (Việt Nam) cao 3.143m và “nóc nhà thế giới” Everest cao 8.850m thì Thái Sơn thấp hơn nhiều. Dù vậy, Thái Sơn vẫn là biểu tượng của nền văn minh và tín ngưỡng của Trung Quốc cổ đại và cả đương đại. Truyền thuyết về Thái Sơn, theo sách Thuật Dị Ký của Nhiệm Phưởng, thế kỷ VI, viết: “Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, truyền rằng đầu của Bàn Cổ là Đông nhạc, bụng là Trung nhạc, tay trái là Nam nhạc, tay phải là Bắc nhạc, và hai chân là Tây nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng…”. Theo thần thoại Trung Hoa, Bàn Cổ và vị thần đầu tiên sáng tạo ra thế giới, vạn sự vạn vật trong trời đất. Khi Bàn Cổ chết, đầu mình và tay chân biến thành năm ngọn núi, gọi là Ngũ nhạc. Về Ngũ nhạc: Bắc nhạc, Hằng Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây cao 2.017m; Nam nhạc, Hành Sơn thuộc tỉnh Hồ Nam, cao 1.290m; Đông nhạc, Thái Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông, cao 1.545m; Tây nhạc, Hoa Sơn thuộc tỉnh Thiểm Tây, cao 1.997m và Trung nhạc, Tung Sơn thuộc tỉnh Hà Nam, cao 1,494m. Thái Sơn nằm ở hướng Đông, nơi mặt trời mọc, tương truyền là đầu của Bàn Cổ hóa thành, do đó Thái Sơn là biểu tượng cho sự ra đời, sáng tạo và hồi sinh. Thái Sơn chính là nơi cát tường phát sinh của muôn vật, biểu trưng cho quyền lực chính trị của vua chúa. Vì thế, Thái Sơn là ngọn núi linh thiêng nhất, đứng đầu trong Ngũ nhạc được tôn xưng “Ngũ nhạc độc tôn”.

Theo quan niệm của người Trung Quốc, “Thái Sơn an thì bốn biển đều an” nên các vị đế vương của các triều đại phong kiến Trung Quốc trong hơn hai ngàn năm lịch sử đều tế lễ trọng hậu tại Thái Sơn. Lễ tế tại Thái Sơn gọi là Đại lễ phong thiền, biểu trưng cho sự ổn định, củng cố chính quyền, đất nước thịnh vượng, phát triển và đoàn kết toàn dân.

Ngoài Đại lễ phong thiền, Thái Sơn còn là nơi thánh địa với rất nhiều đền chùa miếu vũ và là nơi các tao nhân mặc khách của nhiều thế hệ lịch sử lưu bút, đề thơ kết hợp cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp đã làm cho Thái Sơn trở thành ngọn núi uy linh bậc nhất. Người Trung Quốc rất tự hào về Thái Sơn qua hai câu ngạn ngữ: “Ngũ nhạc quy lai bất khán sơn/Thái Sơn quy lai bất khán nhạc”. Nghĩa là những ai đã từng du ngoạn qua Ngũ nhạc thì không cần phải đến bất cứ ngọn núi nào trong thiên hạ làm gì nữa; nhưng nếu đã du ngoạn Thái Sơn trước thì 5 ngọn núi kia không cần phải tham quan làm gì. Điều đó cho thấy được sự độc đáo và hoành tráng của rặng Thái Sơn.

Năm 1987, Thái Sơn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hội đồng Di sản thế giới đánh giá về Thái Sơn: “Là đối tượng triều bái của các đế vương trong hơn hai nghìn năm qua, các kiệt tác nhân văn trong núi hội nhập một cách hoàn mỹ và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Thái Sơn là dòng suối nguồn về tinh thần của các nhà nghệ thuật và học giả Trung Quốc, là biểu tượng của nền văn minh và tín ngưỡng của Trung Quốc cổ đại”.

Từ những giá trị văn hóa và lịch sử trên, trong tâm thức người Trung Quốc và Á Đông nói chung từ bao đời nay, Thái Sơn biểu trưng cho sự linh thiêng, to lớn, cao cả, vững chãi, phát tiết, sinh trưởng là yếu tố dương trong quan hệ âm dương, hai thành tố cơ bản của vũ trụ và cấu trúc vạn sự vạn vật. Vì vậy mà người xưa ca ngợi “Công cha như núi Thái Sơn”.

Chúc các bạn tinh tấn!

Nguồn: giacngo.vn