Con Bò Khóc

0
315

Tôi đến nhà tù sớm để dạy thiền; nhà tù này nhốt các thường phạm. Trong lúc chờ vô lớp tôi tiếp một tù nhân cao lớn, rất bặm trợn, râu tóc bù xù, tay xăm dày đặc, mặt đầy thẹo lớn nhỏ chứng tỏ anh từng đánh lộn nhiều lần. Anh trông rất đáng sợ. Tôi tự hỏi lớp thiền có cả những người dữ tợn như vậy sao?

Anh kể cho tôi nghe chuyện xảy ra mấy ngày trước đây khiến anh bị vô tù như thế này. Nghe anh nói, tôi nhận ra ngay giọng Ulster (Ulster là một trong bốn tỉnh của  Ái Nhĩ Lan nằm trên cực Bắc của đảo) nặng của anh. Anh cho biết anh được sinh ra và lớn lên trên các đường phố hung tợn của Belfast (Belfast là thủ đô của Ái Nhĩ Lan). Anh chém lộn lần đầu tiên lúc mới lên bảy vì bị thằng bạn trong lớp tống tiền; nó đòi anh phải đưa cho nó tiền ăn trưa của anh, nhưng anh cự tuyệt. Thằng bạn anh rút dao dọa và đòi tiền lần thứ hai. Anh cũng trả lời “không.” Nó chẳng thèm nói thêm, nhảy tới đâm vô cánh tay anh, rồi bỏ đi. Anh xách tay máu chạy về nhà. Thay vì băng bó cho anh, cha anh – đang thất nghiệp – lôi anh xuống bếp, mở tủ lấy con dao dài đưa anh và biểu anh trở lại trường tìm chém thằng đã đâm anh. Anh được dạy dỗ như vậy đó – ăn miếng trả miếng. Nếu anh không có sức vóc vạm vỡ, anh chết mất từ đời nào rồi.

Nhà tù tôi đến dạy thiền hôm ấy thuộc dạng nhà quê, dùng nhốt tù sắp mãn hạn hay tù ngắn hạn. Tại đây họ được huấn luyện để tái hội nhập cộng đồng; họ có thể học nghề hay học canh tác. Họ lập được nhiều thành tích đáng kể như cung cấp thực phẩm rẻ cho tất cả các nhà tù ở Perth. Ngoài việc trồng trọt và nuôi gia súc (bò, cừu, heo) nhà tù anh còn có lò mổ. Lò mổ là chỗ làm mà nhiều tù nhân thích nhất, và công tác mà họ tranh nhau là giết gia súc. Anh tù gốc Ái Nhĩ Lan “đáng nể” của chúng ta đang được ưu tiên đó.

Anh mô tả chỗ anh đang làm cho tôi nghe. Rào chắn bằng thép trắng có hình như cái phễu, mở rộng ở đầu ngoài và thu hẹp chỉ đủ cho một con vật đi qua ở đầu trong. Anh ngồi ngay chỗ đầu trong trước cây súng điện đặt trên bục. Thú vật được đuổi lần vào trong đáy phễu bằng chó săn hay roi chọc. Chúng la hét và tìm cách thoát thân, chừng như cảm thấy, nghe, ngửi được tử thần. Bước gần tới anh chừng nào chúng quằn quại, kêu la càng thảm thiết chừng nấy. Do đó thay vì bắn vào mỗi con một phát anh phải bắn hai phát: phát đầu làm tê cho nó đứng yên và phát sau nhắm vô đầu, giết. Một phát làm tê, một phát giết, cứ thế anh giết hết con này đến con khác, hết ngày này đến ngày khác.

Lúc được đổi tới chỗ này anh rất vui, nhưng chỉ vài ngày sau tâm anh bắt đầu không an. Anh bắt đầu chửi thề và tiếp tục lặp đi lặp lại câu, “Đ.M” Chúa ơi, lạy Chúa!” Anh sợ và không còn tin Chúa nữa.

Hôm nọ, cần làm bò. Một phát làm tê, một phát giết. Anh giết bò như thường ngày. “Có con bò bước tới gần tôi,” anh kể. “Nó trầm lặng, không có một tiếng rên la. Nó bước chầm chậm, đầu cúi xuống, chấp nhận. Đến đúng vị trí, nó ngước đầu nhìn tôi, thản nhiên. Tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy trước đây. Tôi bối rối chết trân. Tôi không giơ súng lên nổi. Còn con bò, nó nhìn tôi trân trân.

Anh rơi vào khoảng không gian vô tận. Anh không nói bao lâu, nhưng trong khoảnh khắc bò nhìn sâu vào ánh mắt anh, anh bị dao động mạnh. Mắt bò rất to, mắt trái nó bắt đầu ngấn lệ. Nước mắt tiếp tục dâng rồi trào ra chảy dài xuống má trái nó thành một vệt dài lấp lánh. Cửa tâm anh, khép kín từ lâu, chợt mở tung. Chới với, anh nhìn thẳng vào mắt của bò. Cũng vậy, nước mắt nó cũng chảy dài trên má mặt. Nó đang khóc.

Tới đây, anh buông súng. Anh chạy đi tìm cấp chỉ huy, thề sẽ làm bất cứ việc gì miễn “con bò này được cứu sống” và từ đó anh ăn chay luôn cho tới nay.

Câu chuyện anh kể về sau được các bạn tù của anh xác nhận là thật.

Con bò khóc đã thật sự chuyển hóa một tù nhân có quá khứ vô cùng hung tợn.

Và “lòng từ” trả lời của câu thứ ba mà nhà vua cần biết như kể trong câu chuyện trên, có biết bao ý nghĩa!