HẠNH PHÚC KHI ĐẾN CHÙA

0
560

Cầu an và cầu siêu là hình thức tín ngưỡng có từ ngàn xưa, khắp nơi trên thế giới, dưới những biểu hiện khác nhau tùy theo vùng văn hóa và dân tộc.

Cầu an, cầu siêu thể hiện nhu cầu, ước muốn của con người về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc ở hiện đời cũng như sau khi mất. Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Phát triển, hình thức cầu an và cầu siêu khá phổ biến. Vấn đề đặt ra ở đây là việc cầu nguyện đó trong Phật giáo có ý nghĩa thế nào, và nhất là có hiệu quả hay không, nếu có thì hiệu quả đến mức nào.

Việc cầu an, cầu siêu thường bị một số người cho là mê tín. Những người theo quan điểm này lý luận rằng đạo Phật chủ trương tự lực, tự giác. Hơn nữa, theo luật nhân quả thì ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng; do đó, nếu người này có thể cầu cho người kia được thì còn đâu là nhân quả? Vâng, về căn bản là như vậy! Tuy nhiên, luật nhân quả cũng như tiến trình của nghiệp không hề đơn giản. Nó không phải là một đường thẳng; nó không rõ ràng theo kiểu một cộng một bằng hai trong toán học. Trong việc giáo hóa chúng sanh, Đức Phật tùy theo bối cảnh văn hóa hay đối tượng cụ thể mà có những bài pháp thích hợp để người nghe được lợi ích nhất. Bài pháp đó đúng với nơi này hay người này nhưng rất có thể không mấy đúng với nơi khác hay người khác. Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào một bài kinh nào đó rồi cho đó là chân lý, là đích thị Phật pháp thì chủ quan, chưa hiểu tùy duyên thuyết pháp.

Thời Đức Phật còn tại thế, có một vài trường hợp cầu an do Đức Phật hay đệ tử của Ngài thực hiện. Chuyện kể rằng Tôn giả Sìvali ở trong thai mẹ đến bảy năm bảy ngày. Công chúa Suppavasa mang thai tròn đủ bảy năm vẫn bình an, nhưng bước sang bảy ngày kế tiếp, thì bà phải chịu đựng một sự đau khổ gần như chết, nên bà muốn được chiêm bái Đức Phật trước khi chết. Nghe lời thỉnh cầu của ái thiếp, hoàng tử Mahāli – chồng bà liền đến bạch với Đức Phật về nguyện vọng của phu nhân. Đức Thế Tôn liền truyền dạy lời chúc lành đến công chúa Suppavasa và thai nhi rằng:

“Cầu cho công chúa Suppavasa xứ Koliya.
Được an lành hạ sanh đứa con khỏe mạnh”.

Khi Đức Thế Tôn chúc lành xong, tại cung điện, công chúa Suppavasa hạ sanh đứa con trai dễ dàng như nước từ trong bình đổ ra, trước khi hoàng tử Mahāli trở về.

Ngoài ra, có lẽ Phật tử chúng ta đều biết câu chuyện Tôn giả Vô Não (Angulimāla) cầu nguyện cho một phụ nữ được mẹ tròn con vuông. Chuyện kể rằng, một hôm, Tỳ-khưu Vô Não trên đường đi khất thực, trông thấy một người đàn bà mang thai đang lăn lộn với cơn đau, dường như sắp sinh nở. Ông cảm thấy vô cùng tội nghiệp, và lòng từ bi của ông không cho phép ông làm ngơ. Ông liền lập tức quay về gặp Đức Phật, và thỉnh cầu Phật khuyên ông phải làm gì, để có thể giúp đỡ người đàn bà ấy.

Đức Phật liền dạy cho ông một bài kinh cầu chúc an lành. Đoạn Phật bảo ông hãy quay lại, và đến gần người đàn bà mang thai ấy, mà đọc nguyên văn:

“Vì nghiệp lực, khi được sinh ra
Không ai xác nhận mình muốn chào đời
Một chúng sanh vô minh vốn hoàn toàn bất lực
Với chân lý Phật-đà này, xin cho bà sinh nở bình an”.

Linh diệu thay, sau khi nghe mấy câu nói giản dị ấy, người đàn bà bỗng bớt đau và hạ sinh một đứa bé, mẹ con đều vuông tròn khỏe mạnh.

Những trường hợp trên đây chẳng phải là một hình thức cầu an đó sao? Vấn đề cầu an, thật ra không có gì huyền bí khó hiểu, mà dựa trên những yếu tố như sám hối, phước đức, năng lượng trị liệu… Khi một người đã chấp nhận đến chùa cầu an thì biết rằng họ đã nhận thức được những nghiệp xấu mà họ đã làm trong quá khứ; họ ăn năn về điều đó và muốn sám hối, cầu nguyện để tiêu nghiệp. Khi họ ghi tên cầu an thì họ cũng đồng thời cúng dường hoa hương tịnh tài tịnh vật, đây chính là phước đức. Mà theo luật nhân quả thì phước lực có thể chuyển hóa nghiệp chướng cũng như tai nạn, bịnh tật. Cầu nguyện cũng là một hình thức trị liệu bằng năng lượng. Khi chúng ta cầu an cho ai, tức là ta hướng tâm về người đó với mong muốn cho họ được an lành. Chính sự mong muốn này là nguồn năng lượng tốt lành có thể xoa dịu, trị liệu những bịnh tật hay khổ đau của thân tâm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng nếu chúng ta cầu nguyện đúng cách thì “có kết quả”. Về thế nào là đúng cách, ngài giải thích rằng: “Sự cầu nguyện là phải có năng lượng, tương đương với vấn đề phải có dòng điện trong đường dây điện thoại. Trong sự cầu nguyện, dòng điện đó là tình thương, là chánh niệm, là chánh định. Phải có niệm, phải có định, phải có tuệ, và phải có tình thương (tức là từ và bi), thì mới có hy vọng thành công trong sự cầu nguyện… Nếu chúng ta có năng lượng của niệm, của định, của từ, và của bi thì chúng ta có thể cầu nguyện được, và hiệu quả của sự cầu nguyện có thể tức thời, xảy ra cùng một lúc với sự cầu nguyện”.

Về vấn đề cầu siêu, trong kinh điển Nguyên thủy có câu chuyện rằng: có người đến nhờ Phật cầu nguyện cho người quá cố được siêu thoát, Phật đưa ra ví dụ rằng có người quăng bơ xuống nước rồi cầu nguyện cho nó chìm nhưng nó vẫn nổi, ngược lại, quăng đá xuống nước, dầu có cầu nguyện đến mấy thì đá vẫn chìm. Rồi Đức Phật kết luận cầu nguyện không thể thay đổi được nghiệp. Người ta hay dẫn câu chuyện trên để chứng minh rằng cầu siêu cho người đã mất là không thể, không có tác dụng gì. Mà thật sự, trong cuộc đời Đức Phật, Ngài cũng chưa cầu siêu cho ai.

Tuy nhiên, trong kinh Cúng thí người mất (Tăng chi bộ kinh), Đức Phật có dạy rằng, việc cúng thí cho người mất có lợi lạc hay không do có tương ưng hay không. Nghĩa là Đức Phật không phủ nhận hoàn toàn việc cúng cho người quá cố, nhưng tùy trường hợp. Trường hợp một người tái sinh ngay sau khi chết, như sinh vào cõi súc sinh, con người, hay chư thiên, thì việc cúng cho họ là vô ích, vì không tương ưng. Thần thức của người chết đó không còn ở đó để mà hưởng nữa. Đức Phật dạy tiếp: “Này hiền hữu, chỉ có một trường hợp duy nhất người chết có thể nhận được sự cúng cấp của người thân, đó là trường hợp người chết bị đọa làm ngạ quỷ. Món ăn nào mà thân bằng quyến thuộc muốn hiến cúng cho họ thì họ sẽ hưởng được món đó bằng cảm nhận tâm thức. Họ sống và hiện hữu nhờ vào các cảm nhận này. Đây là trường hợp mà Như Lai gọi là có sự tương ưng”. Tuy rằng Đức Phật không đề cập đến việc cầu siêu, nhưng ta có quyền suy luận ra rằng, nếu người chết đó (tái sinh làm ngạ quỷ) có thể hưởng được thực phẩm cúng thí thì tại sao họ không thể hưởng được lời kinh tiếng kệ chứ? Nói cách khác, người sống đã có thể cúng thí thức ăn vật chất cho họ thì cũng có thể cho họ thức ăn tinh thần, tức cầu nguyện cho họ thấy biết chân lý được thảnh thơi hay siêu thoát.

Nhiều sự kiện cho thấy rằng việc cầu siêu cho hương linh là có thật và có hiệu quả. Ví dụ như chuyện hoàng hậu của Lương Võ Đế chết đọa làm rắn, báo mộng cho vua biết và nhờ vua làm lễ cầu siêu. Vua hỏi Hòa thượng Chí Công và Hòa thượng đã soạn bộ Lương hoàng sám để trì tụng cầu siêu cho hoàng hậu. Nhờ đó mà hoàng hậu được thoát kiếp rắn. Những câu chuyện siêu độ như thế được lịch sử tôn giáo ghi lại rất nhiều.

Nếu như chuyện cầu an, cầu siêu là có thể thì tại sao Đức Phật lại không làm, mà còn có vẻ như cấm đoán nữa? Theo thiển ý thì Đức Phật làm như vậy là có lý do của Ngài. Một là vì Ấn Độ lúc đó (và ngay cả bây giờ) tin tưởng và đặt nặng việc cúng tế, cầu nguyện một cách thái quá nên rơi vào mê tín trầm trọng. Đã thế, nếu Đức Phật còn chủ trương cầu nguyện nữa thì người ta càng tin rằng cầu nguyện là tất cả. Cho nên mặc dù Ngài biết rằng việc cầu nguyện, trong một số trường hợp có hiệu quả nhất định, Ngài vẫn không chủ trương. Thay vào đó, Ngài khuyên người ta sống đúng theo Chánh pháp, tránh ác làm lành, thì chẳng những đời sống hiện tại được an vui mà sau khi chết chắc chắn cũng không bị đọa lạc.

Mặt khác, việc cầu nguyện dễ làm cho người ta ỷ lại, rằng không cần làm lành kiêng ác, cứ sống buông lung phóng túng để rồi người thân sẽ tổ chức cầu nguyện cho mình được siêu thoát khi mình mất. Việc cầu nguyện, dù có tác dụng đi nữa, nhưng nếu ỷ lại thì cái lợi quá ít mà cái hại thì vô cùng to lớn chẳng những cho cá nhân mà còn cho xã hội nữa. Với những lý do đó nên Đức Phật đã quyết định không chủ trương cầu nguyện. Chỉ cần gieo nhân tốt thì kết quả sẽ tự nhiên tốt mà thôi.

Cũng như các pháp môn hay tín ngưỡng khác, cầu an và cầu siêu dần dần được đưa vào Phật giáo như là một trong những hình thức tín ngưỡng tâm linh cần thiết, cả Phật giáo Bắc tông lẫn Phật giáo Nam tông. Ở góc độ tiêu cực mà nói thì đây chính là biểu hiện của sự yếu kém trong tu tập của tín đồ Phật giáo, cho nên mới cầu đến sự trợ giúp từ người khác.

Nhưng xét ở phương diện tích cực thì cầu an, cầu siêu là biểu hiện của lòng từ bi, muốn cứu độ ngay cả những người đã lỡ tạo duyên nghiệp xấu. Trong khi cầu nguyện, điều quan trọng là phải có sự cảm thông giữa người cầu nguyện và đối tượng được cầu nguyện, trong đó sự chân thành, yêu thương và chánh niệm là cầu nối vô cùng quan trọng. Những gì Đức Phật nói dĩ nhiên là đúng, nhưng những gì Đức Phật không nói không có nghĩa là chúng không có. Cầu an cầu siêu là một trong những điều đó vậy

ST

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here