Thấu cảm là khả năng hiểu được đối phương đang cảm nghĩ gì, nói gì- hiểu như chính họ hiểu- đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của họ, đi vào thế giới của họ và truyền đạt lại cho họ là mình đang hiểu họ và họ đang được hiểu, quan điểm của họ đang được chú ý và chấp nhận. Thấu cảm có nhiều định nghĩa khác nhau, chứa đựng một chuỗi các trạng thái tâm lý thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của mình về người khác, có biểu hiện thương yêu chia sẻ với người khác như thế ta đang ở vào tình huống ấy và phải giải quyết vấn đề mà người kia đang gặp phải. Từ đó, chúng ta mở rộng tâm cảm thông, thương yêu, bao dung thông qua các biểu hiện như an ủi, chăm sóc người khác và mong muốn giúp họ, khi chúng ta có những tình cảm trải nghiệm trùng hợp với cảm xúc người khác, hiểu sâu sắc những gì người khác suy nghĩ hay cảm nhận, lý giải được cách người khác phản ứng và sẵn lòng chấp nhận và trợ duyên họ nhiều nhất trong khả năng có thể. Khi có thấu cảm, ta dễ dàng tha thứ người khác khi biết ướm chân mình vào đôi giày người khác đang mang. Với thấu cảm, không còn ranh giới rõ ràng giữa ta và người. Mức độ thấu cảm càng cao, ranh giới này càng nhạt nhòa, khi ấy, bằng trải nghiệm bản thân, ta hiểu người như thể hiểu bản thân mình. Thấu cảm là cơ sở để nuôi dưỡng các hạnh lành của bản thân trong đời sống xã hội.
Thấu cảm để sống thiện lành
Thấu cảm không phải là thông cảm, đồng cảm, thương hại mặc dù có sự liên quan giữa các trạng thái tâm lý này. Tiếng Việt ta có nhiều từ “thấu” rất hay như thấu hiểu, thấu đáo, đau hay lạnh thấu xương thấu tủy. Thấu có nghĩa là xuyên suốt, toàn diện, thấm nhuần, hòa lẫn, hòa nhập, giao thoa trọn vẹn. Như vậy, khi thấu cảm trọn vẹn giữa ta và người, giữa ta và vật diễn ra, ta hoàn toàn có thể cảm nhận thay, nghĩ thay, hiểu thay tâm trạng của người khác.
Thấu cảm đòi hỏi phải có khả năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu rõ nguồn cơn, ngọn ngành. Từ cái hiểu sâu sắc đó mới có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp với lòng yêu thương thật sự xuất phát từ đáy con tim. Người thấu cảm có đủ tâm bao dung để tha thứ cho người như thể tha thứ cho chính mình vì họ hiểu rằng, bản thân mình cũng vậy, không lúc này thì lúc khác, ai trong chúng ta đều mắc phải lỗi lầm. Ta chấp nhận lỗi lầm là một phần của cuộc sống và từ đó, ta hoàn thiện hơn thì người khác cũng như vậy. Chấp nhận điều này, việc tha thứ cho nhau là điều không phải quá khó vậy.
Nhờ thấu cảm mà niềm tin giữa con người trong xã hội được thiết lập và các mối quan hệ này được nuôi dưỡng ngày càng bền chặt hơn nhờ chất liệu yêu thương. Từ đó, mọi suy nghĩ, hành động đều được thiết lập trên cơ sở của tâm lý thấu cảm này và tinh thần gắn kết, xây dựng và hòa hợp được thiết lập và củng cố ngày càng tốt hơn trong cộng đồng mình đang sống.
Để có được sự thấu cảm trọn vẹn với ai đó, ta cần phải chân thành tự đáy lòng, thương yêu đối tượng ấy thật sự, thấu hiệu tận ngọn nguồn những gì đang tác động đến đối tượng và quan trọng là những diễn biến tâm lý đang diễn ra trong ý thức và tiềm thức người đó, thành công trong việc hòa nhập hoàn toàn khi đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện. Làm được như vậy là thấu cảm, là tâm lý vượt lên cả hiểu, thương, thông cảm và đồng cảm.
Trong thấu cảm, có sự tương giao sâu sắc, giao thoa hòa nhập hoàn toàn, không thấy sự khác nhau giữa chủ thể và đối tượng nữa. Khi một người nào đó thể hiện sự thấu cảm của mình, đối tượng cảm nhận được sự quan tâm và thấu hiểu của người ấy, mối quan hệ trở nên gần gũi, thân thiết hơn, cõi lòng cảm thấy ấm áp hơn khi có người hiểu và thay mình nói hộ nỗi lòng. Ranh giới ta-người xóa nhòa và tinh thần vô ngã hoàn toàn được thiết lập trong xã hội. sự vận hành của tâm mình và thấu hiểu tâm người thông qua kinh nghiệm bản thân để góp phần chuyển hóa cuộc sống ngày càng tươi đẹp thêm.
Khi mình cảm nhận được sự thấu cảm từ người khác, nghĩa là mình được hiểu, được thương, rõ ràng là chúng ta cảm thấy an toàn để chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân sâu sắc với đối tác của mình và tin rằng họ thực sự quan tâm những điều chúng ta nói, trăn trở những nỗi khổ niềm đau của chúng ta như chính của bản thân họ. Ta có thể cảm thấy hạnh phúc, ấm áp và thân mật trong mối quan hệ ấy.
Sự thấu cảm là một kinh nghiệm của trái tim thông thái và trí não biết yêu thương. Nó là dòng chảy của sự sống. Nó chính là sự sống mà mỗi người có trí tuệ sáng suốt và trái tim nhân hậu luôn nuôi dưỡng dọc theo hành trình cuộc sống vậy.
Tiểu Hạ