Đế Quân kể rằng: “Khi ta đã là vua cai quản các núi,[i] phàm hết thảy những việc thuộc về núi sông khe lạch phát sinh như lũ lụt, hạn hán, mùa màng được thất, những điềm báo lành dữ cát hung, cho đến xét công luận tội các thuộc cấp, đều do ta cai trị điều hành.
Thần núi Thanh Lê là Cao Ngư Sanh, có lòng ưa thích một cô thôn nữ trong vùng, liền bắt hồn về làm việc cưỡng bức dâm loạn.[ii] Sự việc bị long thần ở hồ Bạch Trì gần đó xét rõ cáo giác. Ta tra soát, gọi cả hồn dân nữ đến đối chất, Cao Ngư Sanh nhận tội. Sau đó trả hồn dân nữ, cô ấy liền sống lại. Ta phạt Cao Ngư Sanh 300 roi đánh vào sống lưng, cách chức.
Khi ấy dưới chân núi có người con hiếu thảo là Ngô Nghi Kiên đã qua đời, trước đây từng vì cha mà trích huyết chép kinh Lăng-già, bốn quyển.[iii] Người này chết đã ba năm, chưa nhận trách nhiệm gì. Ta liền tấu trình lên Ngọc Đế xin cho thay vào chỗ Cao Ngư Sanh, được chấp thuận. Từ đó, chư thần lớn nhỏ đều biết danh ta, hết lòng kính sợ.
[i] Vào những năm cuối triều Chu. (Chú giải của soạn giả)
[ii] Nếu có thể bắt hồn về để cưỡng bức làm việc dâm loạn, thì cũng có thể bắt hồn về để trừng trị tội lỗi. Như vậy, nếu cho rằng những hình phạt ở cõi âm như vạc nấu, lửa thiêu, cối giã, xay nghiền. . . đều là không thể thực hiện, chẳng phải là luận cứ của trẻ con đó sao? (Chú giải của soạn giả)
[iii] Theo đây mà xét thì thấy việc Dương Hùng, Lưu Hướng nói là thường tìm được kinh Phật trong các tàng thư lại càng đáng tin cậy hơn. (Chú giải của soạn giả)